Đơn thuần không chỉ là một tên gọi

ĐƠN THUẦN KHÔNG CHỈ LÀ MỘT TÊN GỌI

          Ai ai trong chúng ta đã là người khi sinh ra trên cõi đời đều có một tên gọi. Tên của chúng ta có khi được ông bà hay cha mẹ hay do những người thân yêu đặc biệt đặt cho. Ông cha ta có câu: Tên là người, nhìn người là biết tên. Qủa thật, một cái tên được đặt ra tưởng chừng chỉ là để nhận biết người này với người kia nhưng xem ra lại có một ý nghĩa to lớn và thật sự sâu đậm không chỉ đối với người đặt tên mà còn cả những người mang tên đó. Ngoài ra, nó còn ẩn chứa cả một kho tàng nhân văn cao quý. Lần lại căn tính của mình, con người đã có mặt trên đời đồng thời cũng mang trong mình một sứ mệnh một bổn phận để đóng góp vào công cuộc tạo dựng thế giới. Hơn cả thế, người Kitô hữu phải làm tốt sứ mạng của mình đối với xã hội và Giáo Hội; mà sứ vụ của người sống đạo Chúa Kitô là gì? Chúng ta cùng nhau suy niệm bài Tin Mừng hôm nay: Chúa Giêsu chịu phép rửa trong Mc 1,9 – 11.

          Bài Tin mừng thuật lại cho chúng ta trình thuật: Chúa Giêsu chịu phép rửa trên sông Giođan. Thực ra, Đức Giêsu không cần phải chịu phép rửa của Gioan nhưng Người vẫn đến dìm mình trong dòng nước Gioóc – đan để khai mở cuộc đời công khai của Người. Không những thế, đây còn là cuộc gặp gỡ đầy ân sủng giữa Thiên Chúa và loài người mà Gioan là người đại diện, giữa Đấng Cứu Thế và người dọn đường. Gioan đã ngỡ ngàng khi nhận ra Chúa Giêsu đứng chung với đoàn người tội lỗi mà đến với mình, ông đã can ngăn Người vì thấy mình không xứng đáng làm phép rửa cho Chúa, bởi: “Tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”(Mc 1,7). Nhưng được Người ngỏ lời ông đã buông mình cho thánh ý Chúa thể hiện. Chính lúc làm theo ý Chúa thì cũng là lúc quyền năng Thiên Chúa tỏ hiện: “Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”(Mc 1,10 – 11). Chúng ta hãy học biết buông bỏ để thánh ý Chúa được thể hiện, bởi khi chúng ta quá lo lắng quá bận tâm thì Thiên Chúa không còn cơ hội lo cho chúng ta nữa. Hãy tin tưởng, phó thác nơi Người rồi mọi sự Người sẽ ban cho những ai có lòng tin yêu, cậy trông và để trở nên con cái Thiên Chúa.

          Ngoài ra phép Rửa mà Chúa Giêsu chịu, gợi nhớ cho chúng ta về Bí Tích Rửa Tội đã lãnh nhận. Ngày chúng ta chịu phép Rửa dù còn bé hay đã có trí khôn chúng ta đều được lãnh nhận trên mình chiếc áo trắng và cây nến sáng – biểu tượng cho Chúa Kitô. Hơn nữa, ngoài tên gọi thường nhật, người Kitô hữu còn có một tên gọi nữa đó là tên Thánh – tên Nước Trời. Người thì tên là Maria, Gioan, Phaolô, người thì tên là Giuse hay Phêrô, Têrêsa, Anna… Dù mang tên thánh nào đi nữa thì tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa là công dân của Nước Trời. Cho nên, người Kitô hữu chúng ta phải luôn ý thức về sứ vụ của mình khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội là làm cho Nước Chúa ngày càng mở rộng và nhận biết mọi người là anh chị em của mình. Thực vậy, “nhờ Phép Rửa, chúng ta được nhận chìm trong suối nước sự sống không cạn là cái chết của Chúa Giêsu, hành vi yêu thương cao cả nhất của toàn thể lịch sử, và nhờ tình yêu này, chúng ta được sống một đời sống mới, không còn lệ thuộc sự ác, tội lỗi và sự chết nữa, nhưng được hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em chúng ta.”[1]

    

Hơn thế nữa, Bí Tích Rửa Tội còn giúp chúng ta là những người KiTô hữu biết khiêm nhường, sám hối, ăn năn, hoán cải trên hành trình trở về. Gặp gỡ một cách trực diện, cách cá vị với Thiên Chúa. “Chúng ta được mời gọi xác nhận căn tính Rửa tội của mình trong một cuộc gặp gỡ cá nhân với con người sống động của Đức Giêsu Kitô”[2]. Đối với người tân tòng hay người ngoại đạo muốn được gia nhập vào đạo Kitô giáo ngoài lòng yêu mến, thiện chí thì cần có một thời gian để tìm hiểu, học hỏi Giáo Lý, các điều răn, điều luật của Hội Thánh. Đồng thời, đây cũng là thời gian thích hợp để họ suy gẫm và nhận định về những việc làm những hành vi và những lỗi lầm của mình trong suốt cuộc sống đã qua. Qua đó biết ăn năn, hoán cải đời sống để được Rửa Tội – là được tha hết mọi tội từ trước tới giờ. Qủa thật, đây là một hồng ân một ân ban nhưng không mà con người được lãnh nhận nhờ Đức Kitô – Đấng đã chịu khổ nạn, chịu chết trên cây thánh giá và sống lại vinh quang.

          Từ phép Rửa trong nước mà Chúa Giêsu chịu trong ngày hôm nay, nhắc nhớ chúng ta đến một phép rửa nữa mà Người sẽ phải chịu để cứu chuộc nhân loại đó là phép Rửa trong Máu và trong Thánh Thần (Mc 1,8) trên đỉnh đồi Golgotha. Vì lẽ đó, Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta về phép Rửa đó trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí”(Ga 3,5). Thật vậy, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng đã nhận định rõ ràng và xác quyết vấn đề này: “Trong nước và Thánh Thần, Máu Chúa KiTô (x. 1Ga 5:1 – 13) cứu chúng ta, ban đức tin cho chúng ta, và ban chúng ta cho thế giới vì phần rỗi các linh hồn”[3]. Như đã nói, một khi được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội của Chúa Giêsu mọi người Kitô hữu đều mang trong mình sứ mạng loan báo Tin Mừng cho mọi người và được Chúa sai đi vào thế giới theo lệnh truyền: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”(Mt 28,19).

          Chung cuộc, ngày chịu phép Rửa Tội không chỉ đơn thuần chúng ta có một tên gọi mà còn có cả một thánh hiệu ghi dấu trên Trời. Nhưng đồng thời còn cho ta một sứ mạng cao cả là làm cho Nước Chúa cả sáng và tăng trưởng mãi theo gương Chúa Giêsu làm con của Cha và thuộc về Nước Cha. Trong tình yêu mến Thiên Chúa, người tín hữu Kitô được Chúa sai đi vào thế giới đem Tin Mừng cho mọi người và cho muôn thế hệ – bản chất của Giáo Hội là truyền giáo.

Tác giả bài viết: Như Hoa, FMSR.

[1] X. ĐGH PHANXICÔ, Triều yết chung, Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014.

[2] X. HĐGMVN, Được Rửa Tội và Được Sai Đi: Hội Thánh Chúa KiTô thi hành sứ mạng trong thế giới, tr. 27.

[3] X. Idem, tr. 28.

Check Also

DẪN VÀO BUỔI DÂNG HOA ĐỒNG TIẾN

DẪN VÀO BUỔI DÂNG HOA ĐỒNG TIẾN Tháng Năm thường được biết đến là thời …