SUY NIỆM TIN MỪNG

(Ga 20, 19-31)

        Ngày hôm nay, có biết bao nhiêu người tự xưng mình là người Kitô hữu, đã được Rửa tội, thuộc về Hội Thánh Công Giáo, nhưng lối sống của họ không thể hiện niềm tin, hay cho biết họ đang tin vào Đấng nào. Ngay cả chính họ, họ không biết mình tin gì, tin vào ai, và dĩ nhiên, họ không thể sống với niềm tin đích thực của người Kitô hữu. Vì thế, gặp cái gì hợp với nhu cầu, là họ dễ “vơ vào để tin, để thờ” cho dẫu đó là ngẫu tượng, phép thuật, trừ quỷ hay một ai đó thuộc loài thọ tạo tự xưng là Thiên sai…

      Tin để được sống. Đó là điều căn bản thật quan trọng của người Kitô hữu. Tin để được sống, một cuộc sống vĩnh cửu mai sau, và cũng được hưởng hạnh phúc phần nào của cuộc sống đó ngay chính thời gian này. Đức tin chúng ta có, không là một sở hữu chúng ta tự có, nhưng là ân ban, là quà tặng chúng ta nhận được nơi Thiên Chúa. Ngài ban cho chúng ta hạt giống của đức tin, và hạt giống ấy sẽ lớn lên thế nào tuỳ vào sự cộng tác của chúng ta với ân sủng của Ngài.

      Tô-ma trong bài Tin mừng đã khăng khăng không tin Chúa, không tin Thầy mình sống lại. Ông quả quyết, chỉ khi nào tôi thọc tay vào cạnh sườn, vào lỗ đinh mà Thầy bị đóng đinh…tôi mới tin Thầy sống lại. Tô-ma xem ra có lý với kiểu đức tin thực nghiệm, thấy mới tin, không thì thôi. Sự cứng đầu của Tô-ma, xem ra lại là điều mà Thiên Chúa muốn.

      Tuy nhiên, sự cứng lòng của Tô-ma cho chúng ta một kinh nghiệm về niềm tin, giúp chúng ta hiểu nhiều hơn, xác tín hơn nữa vào Chúa Giê-su đã sống lại, qua chính thực nghiệm của Tô-ma. Ông đã thốt lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” Và như thế, Tô-ma là người môn đệ đầu tiên đã tuyên xưng Thần Tính của Đức Kitô sau khi Ngài sống lại, để rồi, Tôma tôn thờ Ngài.

     Tin vào Thiên Chúa hằng sống, Đấng đang sống trong cuộc đời của chúng ta quả là một bước mạo hiểm để tin, khi mà chúng ta chẳng có được cơ hội một kinh nghiệm thực tiễn, thấy được, sờ được như Tô-ma. Để tin Chúa Phục Sinh, Đấng hiện diện và đồng hành với cuộc đời chúng ta, đòi chúng ta phải có đôi mắt của niềm tin, để nhìn thấy Chúa có đó, một sự hiện diện thực sự trong mọi hoàn cảnh cuộc đời của chúng ta. Và điều này chẳng dễ chút nào!

      Chỉ khi nào chúng ta “đi vào” bên trong những vết thương của Chúa Giêsu Kitô, nghĩa là dám đón nhận mọi đau khổ trong cuộc đời với Chúa, lúc đó, chúng ta mới nhận ra Thiên Chúa Hằng sống, Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đang hiện diện và đỡ nâng những muộn phiền, mệt mỏi đời thường và nhất là trong những đêm tăm tối, thử thách của đức tin nơi chúng ta.

     Lời Chúa nói với các Tông đồ: “phúc cho những ai không thấy mà tin”, cũng là điều Chúa nói với mỗi người chúng ta. Kinh nghiệm của các Tông đồ về những lần Chúa hiện ra quả là độc nhất vô song. Kinh nghiệm đó là nền tảng cho đức tin của chúng ta. Dù không được diễm phúc chạm đến thân xác phục sinh của Chúa, chúng ta vẫn tin Ngài nhờ vào những bằng chứng của các Tông đồ là những người đã dám chết để làm chứng cho sự phục sinh của Đức Kitô, nhờ thế giá của Kinh Thánh và lời Giáo Hội dạy. Thánh Tôma đã được thấy Chúa nên ông đã tin, còn người Kitô hữu chúng ta tin để được thấy Chúa, hay nói cách khác, tin điều mình không thấy sẽ được thấy điều mình tin, với niềm tin đó chúng ta sẽ được hạnh phúc.

    Như vậy, Chúa muốn chúng ta hãy mở lòng mình ra để đón lấy lời mời gọi của Chúa: hãy đón lấy và thực hành lòng thương xót ngay tại trong cộng đoàn, giáo xứ, hàng xóm, bạn bè…Và giống như Thánh Tô-ma, có những khi sự hoài nghi là một cơ hội để chúng ta lớn lên trong đức tin. Thế nên, chúng ta xin Chúa cho chúng ta khi phải đối mặt với những thách đố, nhưng luôn có sự tín thác và mở lòng mình ra để Chúa làm việc trên chúng ta, vì Chúa biết chúng ta cần gì để lớn lên trong đức tin. Và chúng ta đừng quên là còn bao người chưa biết Chúa, và Chúa muốn chúng ta nói về Chúa cho họ.

Nt: Lặng Thầm, Fmsr

Check Also

TẶNG PHẨM TÌNH YÊU

   Tình yêu luôn là một đề tài muôn thuở. Có biết bao tác phẩm …