LƯỢC SỬ HỘI DÒNG

LƯỢC SỬ HỘI DÒNG

I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH

1. Bối cảnh Hội Dòng được thành lập

Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu được chào đời trong giai đoạn canh tân hàng tu sĩ nam nữ. Năm 1936, Đức Cha Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn chính thức nhận chức Giám mục Bùi Chu – một Giáo phận có bề dày lịch sử, với diện tích 893 km2 và 230.000 giáo dân, chiếm tỷ lệ 24,45% dân số (1). Hồi đó, trong Giáo phận có 12 Nhà Phước Dòng Ba Đa Minh và 2 Nhà Phước Mến Thánh Giá. Các chị đã giúp ích rất nhiều cho Giáo phận, nhưng chưa vào lề lối đời sống tu theo Giáo luật… Hơn nữa, lúc này Giáo phận Bùi Chu còn “thiếu nhân tài vật lực” (2).

Công đồng Đông Dương (1934) muốn cho các chị em Nhà Phước được cải tổ thành các cộng đoàn đời sống tu Dòng trong Giáo phận, sống ba lời khuyên Phúc Âm, để theo sát Đức Kitô và để cộng tác với Giáo Hội địa phương một cách đắc lực hơn trong việc loan báo Tin Mừng (3).

Chính từ những nhu cầu và niềm thao thức đó, Đức Cha đã bắt tay vào chuẩn bị mọi mặt về tinh thần cũng như vật chất để thành lập một Hội Dòng mới. Nhà Phước chính là chiếc nôi đầu tiên làm nền móng cho Hội Dòng mới sẽ được khai sinh, và Trung Linh chính là mảnh đất đã được chọn làm cơ sở để chuẩn bị cho việc thành lập Dòng này.

2. Giai đoạn chuẩn bị lập Dòng

a. Giai đoạn: 1941 – 1945

Ngày 24-11-1941, Đức Cha Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn làm đơn xin Tòa Thánh cho phép lập một Dòng nữ thuộc quyền Giáo phận, để cải tổ lại Nhà Phước Dòng Ba Đa Minh và Nhà Phước Mến Thánh Giá thành Dòng tu theo Giáo luật, nhưng do Đệ Nhị thế chiến lan rộng nên đơn xin bị thất lạc.

Năm 1944, chiến tranh còn tiếp diễn nên không liên lạc được với Tòa Thánh, Đức Cha đã gửi thư cho Đức Khâm sứ Tòa Thánh tại Huế là Đức Tổng Giám mục Antoine Drappier, cùng với bản sao đơn xin lập Dòng đã gửi Tòa Thánh ngày 24-11-1941. Ngài cũng trình bày công việc chuẩn bị cơ sở để lập Dòng đã xong. Nhận thư Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, Đức Khâm sứ yêu cầu gửi bản luật Dòng cho ngài. Đức Cha  đã  dịch  bản  luật  ra tiếng La-tinh và gửi vào Huế ngày 05-06-1944, nhưng chờ mãi không thấy Đức Khâm sứ trả lời. Ngày 09-11-1944, Đức Cha gửi thư nhắc lại và được Đức Khâm sứ trả lời: “Xin Đức cha phiền đợi đã, tôi đang xem xét” (4).

b. Giai đoạn: 1945 – 1946

Đệ Nhị thế chiến kết thúc nên việc thông tin liên lạc với Âu Châu được dễ dàng hơn. Ngày 10-06-1946, Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn làm đơn lần thứ hai, xin phép Tòa Thánh lập Dòng như đã định và chuẩn bị từ năm 1941.

Ngày 20-08-1946, Đức Cha nhận được thư Tòa Thánh (đề ngày 18-07-1946), do Đức Thánh Cha Pio XII ủy quyền cho Đức Hồng Y Fumasoni Biondi, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo trả lời là Tòa Thánh rất vui mừng cho phép lập một Dòng nữ thuộc quyền Giáo phận với danh hiệu: “Filiarum Mariae a Sacrosancto Rosario de Bui Chu” – FMSR (Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu), kèm theo là một bản mẫu Hiến Pháp các Dòng tu để Đức Cha soạn lại Luật Dòng cho phù hợp với yêu cầu của Tòa Thánh.

3. Tuyên sắc lập Dòng

a. Chuẩn bị tuyên sắc lập Dòng

Ngày 25-08-1946, Đức Cha gửi thư luân lưu thông báo cho các Cha cũng như giáo dân trong Giáo phận biết việc Tòa Thánh cho phép lập Dòng. Ngày 01-09-1946, Ngài gửi thư cho các chị Nhà Phước Mến Thánh Giá và Nhà Phước Đa Minh, trong đó Ngài nói đến mục đích lập Dòng và khuyên chị em tự do chọn lựa hoặc vào Dòng mới hoặc ở lại Nhà Phước như cũ. Đồng thời, Ngài xin Đức Cha Tađêô Lê Hữu Từ – Giám mục Giáo phận Phát Diệm cho hai Nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm đã khấn trọn đời sang giúp Nhà Dòng mới. Vì theo Huấn dụ của Bộ Truyền  Giáo  ra ngày 19-03-1937, khi lập một Dòng nữ mới, thì phải nhờ hai Nữ tu đã khấn trong một Dòng chính thức được Tòa Thánh công nhận giữ vai trò Bề trên và Giám Tập, cho đến khi Nhà Dòng mới có người khấn. Ngày 01-09-1946, Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm cho bà Maria Nguyễn Thị Thêm sau này đổi thành Thơm và bà Anna Vũ Thị Thảo sang Bùi Chu giúp.

b. Tuyên sắc lập Dòng

Đức Cha đã chọn ngày lễ sinh nhật Đức Mẹ 08-09-1946 làm ngày tuyên sắc lập Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu, vì ngài muốn Hội Dòng được sinh ra cùng ngày sinh của Mẹ, để nhờ Mẹ bảo trợ, nâng đỡ Hội Dòng từng ngày được lớn lên trong thánh ý Chúa. Ngày hôm ấy, trời mưa to gió lớn, Đức Cha nói: “Đây là dấu chỉ Thiên Chúa đến viếng thăm. Trong Kinh Thánh, Chúa ban lề luật cho Môsê trên núi Sinai, thì có sấm sét vang dậy đất trời. Uy phong làm cho Israel tỉnh ngộ, và trong ngày lễ Ngũ Tuần, khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, thì cũng khiến gió thổi mạnh để đánh thức các Tông đồ càng chăm chỉ dọn mình hơn nữa, trận bão này cũng bảo chị em như vậy” (5). Trong Thánh lễ, Đức Cha giảng về sự cao quý của bậc Dòng và chính thức tuyên sắc lập Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu tại Nguyện Đường Nhà Phước Trung Linh. Cùng hiện diện với ngài trong Thánh lễ có Cha Bề trên Gioan Baotixita Trần Ngọc Hưởng, Cha Gioan Baotixita Vũ Ngọc Hoàn và quý Cha giáo sư bên Tràng Thử.

 

II. BƯỚC ĐẦU XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

1. Giai đoạn 1946 – 1954

a. Thành phần nhân sự

Giáo phận Bùi Chu có 12 Nhà Phước Đa Minh và 2 Nhà Phước Mến Thánh Giá. Trong số đó chỉ có 5 Nhà Phước lớn xin gia nhập Dòng Mân Côi: Trung Linh, Kiên Lao, Ninh Cường, Liên Ngoại, Liên Nội. Các Nhà Phước khác cũng có người xin nhập Dòng này nhưng lẻ tẻ. Tổng số chị em Nhà Phước xin nhập Dòng là 196 chị. Như  vậy,  Dòng  mới có 5 cơ sở: Trung Linh, Kiên Lao, Ninh Cường, Liên Nội, Liên Ngoại (6).

  • Lớp Tập đầu tiên

Sau lễ tuyên sắc lập Dòng, ngày 21-11-1946, 17 chị Nhà Phước được vào Nhà Tập lớp đầu tiên. Lớp Tập này hầu hết là chị em Nhà Phước Trung Linh, một số chị thuộc Nhà Phước Kiên Lao và  và Nhà Phước Bùi Chu. Vì các bà đã ở Nhà Phước lâu năm, nên được Đức Cha ban phép chỉ làm năm Tập theo Giáo luật, không qua thời gian dự tu.

Ngày 25-9-1947, bà Bề trên Maria Thơm triệu tập Hội đồng, bỏ phiếu chọn các chị lớp Tập đầu tiên khấn lần đầu, kết quả bỏ phiếu có 7 chị được tuyên khấn, còn lại 10 chị tiếp tục năm Tập thứ hai.

  • Lớp Khấn đầu tiên

Ngày 07-12-1947, lớp Tập tiên khởi của Dòng đã tuyên khấn lần đầu tại Trung Linh, gồm 7 chị. Trong số này, có bà Catherine Nguyễn Thị Huệ, sau làm Bề trên tiên khởi của Dòng.

b. Đức Cha Tổ Phụ qua đời

Ngày 27-11-1948, Đức Cha Tổ Phụ Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn được Chúa gọi về Nhà Cha. Sự ra đi của Đức Cha là một mất mát to lớn, bởi từ đây, chị em trong Hội Dòng mất đi một người cha khả kính, khôn ngoan và đức độ. Khi đó, Hội Dòng mới được hai tuổi – cái tuổi còn nhiều non nớt, do đó sự ra đi của Ngài đã phủ lên Hội Dòng một bầu khí u sầu, âu lo, không biết Hội Dòng có thể vượt qua được những khó khăn và thách đố đang đón chờ. Giờ đây, chị em chỉ biết tín thác nơi Thiên Chúa như lời trăn trối của Đức Cha: “Cha về với Chúa nhưng Cha vẫn làm việc cùng các con!”.

c. Từ biệt hai bà Phát Diệm

Sau gần ba năm huấn luyện, hai bà đã dẫn dắt chị em bước vào đời tu trong giai đoạn sơ khai với nhiều khó khăn thử thách về tinh thần cũng như vật chất. Hai bà đã để lại cho Hội Dòng Mân Côi một thế hệ Nữ tu đầy nhiệt huyết có thể tự mình bước đi trên đường hiến dâng và phục vụ. Ngày 16-02-1949, khi sứ vụ đã được hoàn thành, hai bà từ biệt chị em trở về Phát Diệm.

d. Tổng Công hội khóa I

  • Ban Tổng Quản Trị đầu tiên

Ngày 03-03-1949, tại nhà Trung Linh, Tổng Công hội khóa đầu tiên của Hội Dòng được nhóm họp dưới sự chủ tọa của Cha chính Đa Minh Hà Kỳ Uyên để bầu ban Quản trị với nhiệm kỳ 6 năm 1949 – 1955. Kết quả là bà M. Catherine Nguyễn Thị Huệ được bầu làm Bề trên tiên khởi.

đ. Hoạt động tông đồ truyền giáo

  • Mục vụ giáo xứ

+ Dạy giáo lý: Tại các giáo xứ, chị em cộng tác với Cha xứ và Ban hành giáo: dạy giáo lý, xưng tội, rước lễ lần đầu, giáo lý thêm sức và bao đồng.

+ Phụ trách các hội đoàn: chị em còn phụ trách các hội đoàn trong giáo xứ: Nghĩa binh Thánh Thể (thiếu nhi), Trung

binh (thiếu nữ), hội khấn, hội hát, hội Catarina, hội Dòng Ba….

+ Rửa tội trẻ sơ sinh, chuộc trẻ em. Hoạt động đặc sắc của các Nhà Phước thời đó là rửa tội cho trẻ sơ sinh sắp chết và chuộc những trẻ em con nhà nghèo đem về nuôi. Chị em đi bộ đến các làng xã, các xóm ngoại đạo, vào từng gia đình để bán thuốc. Nhân cơ hội, chị em biết rõ hoàn cảnh từng nhà, gặp trường hợp trẻ sơ sinh hấp hối, các chị tìm cách rửa tội cho các em. Những gia đình nghèo, họ thường đem cho và bán những trẻ sơ sinh bệnh tật, khó nuôi… các chị rửa tội cho các em. Em nào qua đời, các chị lo chôn cất; em nào còn sống, các chị đưa về nhà Thương Xót, nhà Thiên Thần để nuôi dưỡng.

  • Giáo dục

+ Hưởng ứng tích cực các phong trào khuyến học, “bình dân học vụ”, xoá mù chữ của chính phủ vào những năm 1945 – 1950, chị em Mân Côi chính là những thành viên nhiệt thành tham gia vào việc giảng dạy văn hóa, chữ viết cho dân trong làng, cũng như trong xứ mình phục vụ.

+ Các cơ sở giáo dục:

Năm 1950, tại các nhà Trung Linh, Kiên Lao, Ninh Cường, Liên Thượng đã có các lớp dạy học. Ngoài ra, Dòng có 6 địa điểm dạy học khác trong Giáo phận Bùi Chu đó là: Quất Lâm, Nghĩa Dục, Xuân Đài, Lạc Thành, Tứ Trùng, Quần Lạc. Riêng tại Nhà Mẹ Trung Linh có trường Nguyễn Trường Tộ dành cho các em Đệ tử, các em nội trú và ngoại trú bậc

tiểu học (cấp I) và bậc trung học cơ sở (cấp II). Đến năm 1953, ngoài các trường và các địa điểm dạy học trên, chị em còn dạy ở 4 trường công và trường làng với 20 Nữ tu giáo viên và 653 học sinh.

  • Hoạt động y tế

+ Coi Bệnh viện Thánh Tâm:

Năm 1913, Bệnh viện Thánh Tâm Bùi Chu được thành lập và trao cho các Nữ tu Dòng Thánh Phaolô phụ trách. Ngày 24-12-1949, các Nữ tu Dòng Thánh Phaolô người ngoại quốc rút về Hà Nội, nên Cha chính Đa Minh Hà Kỳ Uyên đã họp ban cố vấn Giáo phận và trao bệnh viện Thánh Tâm cho các Nữ tu Mân Côi đảm trách. Năm 1951, Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi muốn phát triển bệnh viện nên đã mời các Thầy Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa, tỉnh Dòng Canađa đến phụ trách bệnh viện về mặt chuyên môn. Các chị em Mân Côi tiếp tục cộng tác với các thầy trong việc chăm sóc, giúp đỡ bệnh nhân, nhất là những người nghèo khổ, neo đơn.

+ Các cơ sở y tế của Dòng:

Từ năm 1950 – 1952, Dòng đã mở thêm 6 cơ sở dạy học kiêm phát thuốc chữa bệnh, trong đó có 5 cơ sở nằm trong Giáo phận Bùi Chu: Quất Lâm, Nghĩa Dục, Xuân Đài, Lạc Thành, Tứ Trùng, Quần Lạc. Ngoài ra, các cộng đoàn lớn của Dòng như Trung Linh, Ninh Cường, Liên Thượng cũng là những cơ sở y tế, nơi chị em bán thuốc, chữa bệnh cho dân chúng.

+ Bào chế thuốc chữa bệnh:

Chị em Mân Côi duy trì công việc đã làm từ thời Nhà Phước là bào chế thuốc nam gia truyền: cao vạn thống Môi Khôi, cao ích mẫu, thuốc gió đen, thuốc triệt độc, thuốc sài, thuốc bổ… Chị em đã chữa trị hiệu quả những bệnh thông thường như: cảm cúm, nhức đầu, đau bụng, nhức mỏi, suy nhược… giúp ích rất nhiều cho dân chúng miền quê nghèo, nhất là thời chiến tranh còn thiếu thốn nhiều phương tiện cũng như tiền bạc.

  • Hoạt động từ thiện xã hội

Vào thời kỳ chiến tranh, mất mùa, đói kém, chị em Mân Côi đã chia cơm sẻ áo cho đồng bào của mình. Những kho thóc tích trữ nhiều năm để phòng bão lụt của chị em được đem chia sẻ cho những người bần cùng đói khổ. Hằng ngày, các chị em nấu cơm, chia từng nắm nhỏ đem phát cho những người đói lả ven đường, hoặc nằm la liệt trước cổng nhà. Đặc biệt trong thời kỳ đói kém và chiến tranh, chị em nuôi dưỡng trẻ mồ côi tại nhà Thương Xót của Giáo phận và các trạm xá tại Ninh Cường, Lạc Đạo, Tứ Trùng, Lạc Thành, Nghĩa Dục, Xuân Đài, cũng trở thành nơi tạm trú nuôi dưỡng các trẻ mồ côi, những người đau yếu bệnh tật, bị bỏ rơi trong chiến tranh…

2. Giai đoạn 1954 – 1975

Hiệp định Genève ngày 20-07- 1954 đã chia đôi đất nước Việt Nam khiến tình hình xã hội bị đảo lộn. Đây cũng là thời điểm của cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử với gần một triệu dân Miền Bắc vào Nam sinh sống.

Trước tình thế xã hội đầy biến động ấy, chị em Mân Côi cũng chịu chung số phận như bao người dân khác. Trước khi di cư vào Nam, khoảng đầu tháng 06-1954, Cha Bề trên Giuse Phạm Châu Diên có lệnh khẩn trương gọi một số chị em đang ở các cộng đoàn về Nhà Mẹ Trung Linh. Sau khi chị em về đông đủ, Cha đã đặt bà M. Clotilde Nguyễn Thị  Tin  thay  quyền  Bề  trên  nhà,  bà M. Donata Phạm Thị Thanh làm Quản lý, để Bề trên Cả và các bà Hội đồng Tổng Cố vấn đi vào Nam. Theo sự hướng dẫn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, ngày 04-06-1954, Đức Cha Giáo phận Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi tuyên bố tháo lời khấn cho chị em, để chị em không còn  bị ràng buộc lời khấn, được tự do quyết định vào Nam hay ở lại Bắc. Thật chẳng còn cảnh tượng nào buồn như lúc đó, chị em lo âu và hoang mang, kẻ ở người đi, tình cảnh chia ly chẳng biết đến bao giờ gặp lại. Vì hoàn cảnh chính trị lúc bấy giờ không thể đi cùng nhau mà phải phân tán, thời gian cũng cấp bách, nên Nhà Dòng mới quyết định ban Tổng  Quản Trị, bà Giám Tập và 8 Tập sinh đi trước, một số chị em trở về đi cùng gia đình. Ngày 26-06-1954 ban Tổng Quản Trị, bà Giám Tập và 8 Tập sinh năm I di tản lên Hà Nội, trú tại Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà một thời gian. Ngày 03-07-1954, chị em từ Hà Nội ra Hải Phòng chờ chuyến tàu vào Nam. Ngày 15-07-1954 có tàu Arromenches của Pháp đến đón đồng bào di cư tại Hải Phòng, số chị em có mặt tại Hải Phòng đã lên tới 70 người, tất cả đều đi chung chuyến tàu vào Nam. Sau 3 ngày lênh đênh trên biển, ngày 18-07-1954, con tàu đã cập bến Bạch Đằng, Sài Gòn. Đến Miền Nam, chị em được Cha Bề trên Giuse Phạm Châu Diên đón đến vùng đất Chí Hòa (nay là giáo xứ Chí Hòa) thuộc Sài Gòn. Trong thời gian này, các chị em đi trước đi sau cũng lần lượt tìm về sum họp tại Chí Hòa, tất cả là 91 chị Khấn, 13 Tập sinh. Như vậy, chỉ còn 39 chị mà phần lớn là các chị đã già yếu ở lại tiếp tục gìn giữ ngôi nhà tiên khởi – cái nôi của Hội Dòng.

Lịch sử đã sang trang, Hội Dòng Mân Côi tại Miền Bắc lâm vào tình trạng lao đao, khó khăn bao vây tứ bề: về kinh tế có nhiều sa sút trong khi nhân sự còn lại là một con số quá khiêm tốn. Đây là những ngày cơ cực nhất, các chị em phải sống trong tình thế đầy bấp bênh, phải vất vả chật vật để gìn giữ và phát triển Hội Dòng. Thời điểm này, tại Nhà Mẹ Mân Côi – Trung Linh, các lớp Tập, lớp Khấn phải tạm ngưng vì nhiều khó khăn bao vây: xã hội, cuộc sống và nhân sự.

Mọi sự đều nằm trong thánh ý Chúa, như ông Gióp đã từng nói: “Người gây thương tích, cũng chính Người băng bó, đánh bầm dập xong, lại ra tay chữa lành” (G 5,18). Đầu năm 1959, Cha Giuse Phạm Năng Tĩnh ở Miền Nam về, được Đức Cha Phêrô Phạm Ngọc Chi cử làm Cha Tổng quản để chăm lo cho đoàn chiên, khắp nơi trong Giáo phận phấn khởi vui mừng. Cũng từ sự phát triển của Giáo phận, Hội Dòng được hồi sinh và thăng tiến từng bước, số nhân sự đang dần được tăng lên, cuộc sống vật chất tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng cũng dần dần đi vào ổn định, bắt đầu quá trình khôi phục, xây dựng và phát triển.

Ngày 07-10-1959, sau khi Cha chính Giuse Phạm Năng Tĩnh chính thức được tấn phong Giám mục Giáo phận Bùi Chu, ngài cho phép mở lớp Tập đầu tiên sau 7 năm gián đoạn (1952 – 1959), để tiếp tục đón nhận và huấn luyện ơn gọi mới.

Ngày 04-01-1960: Đức Cha Giuse Maria Phạm Năng Tĩnh cho phép bầu Bề trên Cả và Hội đồng Tổng Cố vấn chính thức cho Dòng, vì sau biến cố di cư, tình hình xã hội rất khó khăn, chị em không liên lạc được với nhau, hơn nữa Hội đồng Tổng cố vấn di cư vào Nam đã hết nhiệm kỳ (1954 – 1960). Mẹ M. Clotilde Nguyễn Thị Tin được đắc cử Mẹ Bề trên, tiếp tục lãnh đạo hướng dẫn Hội Dòng.

Ngày 07-10-1961, Hội Dòng có 11 chị trong lớp Thánh Tâm được khấn lần đầu. Đây là lớp khấn đầu tiên sau thời gian dài gián đoạn. Đến 07-10-1967, Hội Dòng có thêm được 6 lớp khấn, nhân sự của Dòng lúc này là 43 chị em.

Cũng trong thời  gian  này,  để giúp chị em ngày một thăng tiến hơn trong đời sống tu trì, Đức Cha đã cử Cha Giuse Phạm Văn Huyễn, Cha Giuse Lê Ngọc Hoàn, Cha Vinh Sơn Trần Ngọc Bút, thay đổi nhau hướng dẫn  chung  cho 4 Hội Dòng trong Giáo phận. Trong những năm làm việc, các ngài đã tận tâm, tận lực hướng dẫn chị em hiểu rõ hơn về căn tính đời tu cũng như sứ mạng của từng Hội Dòng.

Năm 1971, Hội Dòng mừng Ngân Khánh kỷ niệm 25 năm thành lập. Đây là dịp thuận lợi để chị em tạ ơn Chúa đã cho Hội Dòng được hiện diện giữa lòng Giáo Hội, nhất là luôn gìn giữ để Hội Dòng tồn tại và phát triển mặc dù trải qua biết bao thăng trầm đổi thay của thời cuộc.

Trong giai đoạn này, việc thực thi sứ mạng tông đồ của Hội Dòng còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, chị em không được tự do hoạt động tông đồ, chỉ âm thầm làm các công việc như: tập hát, dạy giáo lý, phụ trách các hội đoàn, coi phòng thánh tại các giáo xứ nơi các cộng đoàn của chị em hiện diện: Kiên Lao, Ninh Cường, Liên Thượng, Tứ Trùng, Nghĩa Dục, Lạc Nam, Phú Hải. Mặc dù còn phải đối diện với những khó khăn, nhưng chị em vẫn luôn âm thầm, trung thành dấn thân cho sứ mạng tông đồ của Hội Dòng qua lời cầu nguyện, chứng tá đời sống, tận tụy làm việc, chu toàn các bổn phận hằng ngày trong tinh thần đức“Kính Chúa, ái nhân” như giáo huấn của Đức Cha Tổ Phụ.

3. Giai đoạn 1975 – 2016

Biến cố lịch sử 30-04-1975 thống nhất đất nước, hoàn cảnh xã hội có nhiều thay đổi. Cũng trong bối cảnh đó, Hội Dòng phải đương đầu với những khó khăn của thời cuộc, đặc biệt từ năm 1975 – 1977. Năm 1975, Hội Dòng có một lớp Tập II, mặc dù trong giai đoạn tập nhưng cũng không được an tâm tập luyện, các chị em luôn phải sống trong tình trạng bấp bênh, sợ hãi và lo âu… Chị em trong lớp tập này đã gặp nhiều khó khăn từ phía chính quyền: không ít lần, các chị bị bắt đưa ra đồn diễn lại cảnh đang chạy trốn việc lùng bắt, để các cán bộ chụp ảnh, hay phải đi làm cỏ ở đó. Sau khi giam một tuần, các chị được trả về, lớp Tập này phải giải tán và các chị phải trở về cộng đoàn nơi mình ở trước.

Năm 1981, tình hình chính trị xã hội cởi mở hơn, việc liên lạc giữa hai miền Bắc – Nam cũng được dễ dàng hơn trước, cuộc sống và mọi sinh hoạt của chị em từng bước được thay đổi, lớp Tập năm 1975 được khấn lần đầu. Cũng từ đó, Bề trên và các chị em Mân Côi Chí Hòa thay nhau về thăm hỏi, động viên khích lệ, giúp đỡ tinh thần vật chất; còn chị em Mân Côi tại Trung Linh được thay nhau vào học tại Chí Hòa, với mục đích giúp cho Hội Dòng ở Miền Bắc thăng tiến. Đặc biệt, Mẹ nguyên Bề trên Tổng quyền M. Agnès Hoàng Thị Lành, sau khi mãn nhiệm Bề trên Tổng Quyền tại Dòng Mân Côi Chí Hòa, Mẹ đã hy sinh trở về Nhà Mẹ Trung Linh để phục vụ và giúp cho Hội Dòng từ ngày 03-03-1989 đến ngày 18-11-2004.

Năm 1986, Việt Nam chính thức mở cửa và đi vào thực hiện chính sách Khoán Mười. Sự kiện này đã mở ra một bước ngoặt mới cho sự phát triển của đất nước. Đời sống của người dân được ổn định dần về tinh thần cũng như vật chất. Cũng trong bối cảnh đó, lật lại trang sử của Hội Dòng: nếu như giai đoạn 1954 – 1975, Hội Dòng gặp rất nhiều khó khăn về mọi phương diện, thì đến thời điểm này, Hội Dòng bắt đầu trở mình vươn lên, khôi phục lại những mất mát do thời cuộc mang lại. Hội Dòng tiếp tục trên đà phát triển về tinh thần, đời sống sinh hoạt, tất cả các nếp nhà xưa cũ, từ Nhà Nguyện đến các dãy nhà chị em ở đều được thay đổi khang trang hơn, các hoạt động tông đồ cũng được dễ dàng hơn.

Ngày 08-09-1996, Hội Dòng mừng Kim khánh, kỷ niệm 50 năm thành lập. Thánh lễ tạ ơn do Đức Cha Giuse Vũ Duy Nhất chủ tế, đông đảo quý Cha trong và ngoài Giáo phận cùng đồng tế. Trong dịp này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô  II đã ưu ái ban phép lành Tòa Thánh cho toàn thể chị em Mân Côi, và ban ơn toàn xá cho tất cả những ai đến kính viếng Nguyện Đường của Hội Dòng trong năm thánh này.

Ngày 08-09-2006, Hội Dòng  đã tổ chức thánh lễ trọng thể mừng kỷ niệm 60 năm thành lập. Đây là dịp thuận lợi để chị em chung lời tri ân Thiên Chúa và Mẹ Maria Mân Côi trong suốt hành trình 60 năm. Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã ban phép lành Tòa Thánh cho Hội Dòng, và ban ơn toàn xá cho những ai đến viếng Nguyện Đường của Hội Dòng.

Chặng đường 60 năm là một thời điểm, một mốc thời gian mời gọi chị em dừng lại, để hồi tưởng và suy nghĩ: Hồi tưởng về cuộc sống đã qua, để bày tỏ tâm tình tạ ơn, với biết bao hồng ân Hội Dòng đã đón nhận được từ sự quan phòng của Thiên Chúa, qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria; suy nghĩ về bước đường sắp tới để có dịp tăng cường sinh lực, tiếp tục cuộc hành trình.

Cùng đồng hành hướng dẫn chị em trong giai đoạn này, Hội Dòng ghi nhớ công ơn của quý Cha Bề trên: Cha Đa Minh Trần Ngọc Tuất, Cha Giuse Vũ Quang Tuyến, Cha Michael Trần Minh Tiến, Cha Vinh Sơn Nguyễn Tốt Nghiệp, Cha Phaolô Nguyễn Thanh Bình, Cha Giuse Lê Văn Sở.

Ngày 08-09-2016, Hội Dòng mừng kỷ niệm 70 năm thành lập.

Với sứ mệnh tông đồ truyền giáo của Dòng, như Mẹ Maria – vị tông đồ tuyệt hảo cho mọi thời đại, vừa khi đón nhận Ngôi Lời Nhập Thể trong cung lòng, Mẹ đã “ra đi đến miền núi…” (Lc 1, 39-50) đem Chúa đến cho gia đình Dacaria và loan Tin Mừng cứu độ cho gia đình này, chị em vẫn âm thầm tiếp bước và nới rộng sứ mạng truyền giáo như ý hướng ban đầu của Đấng Sáng Lập. Tính đến nay, Hội Dòng có 38 cộng đoàn, nhóm đang hiện diện và phục vụ tại các giáo xứ, giáo họ  trên địa bàn 7 Giáo phận: Bùi Chu, Thái Bình, Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Xuân Lộc, Ratchaburi (Thái Lan).

–    Tu Viện Mân Côi Kiên Lao (1946)

–    Tu Viện Mân Côi Ninh Cường (1946)

–    Tu Viện Mân Côi Liên Thượng (1950)

–    Cộng Đoàn Mân Côi Xuân Đài (1948)

–    Cộng Đoàn Mân Côi Tứ Trùng (1949)

–    Cộng Đoàn Mân Côi Ngưỡng Nhân (1995)

–    Cộng Đoàn Mân Côi Hàng Xanh (1998)

–    Cộng Đoàn Mân Côi Thái Hà (2001)

–    Cộng Đoàn Mân Côi Phong Lộc (2006)

–    Cộng Đoàn Mân Côi Đông Thọ (2007)

–    Cộng Đoàn Mân Côi Xâm Bồ (2014)

–    Cộng Đoàn Mân Côi Bùi Đệ (2015)

–    Nhóm Mân Côi Cát Phú (1946)

–    Nhóm Mân Côi Lạc Hồng (1949)

–    Nhóm Mân Côi Tây Đường (1987)

–    Nhóm Mân Côi Hai Giáp (1989)

–    Nhóm Mân Côi Vạn Lộc (1992)

–    Nhóm Mân Côi Lục Thủy (1994)

–    Nhóm Mân Côi Thôn Đông (1995)

–    Nhóm Mân Côi Kiên Chính (1995)

–    Nhóm Mân Côi Đất Vượt (1995)

–    Nhóm Mân Côi Thánh Tâm (1996)

–    Nhóm Mân Côi Triệu Thông (1997)

–    Nhóm Mân Côi họ Phú An (1999)

–    Nhóm Mân Côi Cát Xuyên (1999)

–    Nhóm Mân Côi Lác Môn (2000)

–    Nhóm Mân Côi Duyên Thọ (2000)

–    Nhóm Mân Côi Ân Phú (2001)

–    Nhóm Mân Côi Xuân Dục (2004)

–    Nhóm Mân Côi Xuân Hòa (2006)

–    Nhóm Mân Côi xứ Phú An (2006)

–    Nhóm Mân Côi Trại Mù (2008)

–    Nhóm Mân Côi Giáp Phú (2009)

–    Nhóm Mân Côi Quần Cống (2013)

–    Nhóm Mân Côi Định Hải (2014)

–    Nhóm Mân Côi Xuân Hà (2015)

–    Nhóm Mân Côi Hoành Đông (2016)

–   Nhóm Mân Côi Ratchaburi, Thái Lan (2016) .

Thấm thoát đã 70 năm, Hội Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu chính thức được thành lập và hiện diện giữa lòng Giáo Hội. Nhìn lại dòng thời gian 70 năm hình thành và phát triển, biết bao những khó khăn thử thách, ngang qua những thăng trầm của lịch sử quốc gia, nhưng trên tất cả, đó là ân sủng, tình thương và sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa, qua từng sự kiện, từng biến cố của Hội Dòng.

Thiết nghĩ, điểm dừng chân với con số 70 năm theo dòng thời gian, cũng khá đủ để chị em nhìn lại những dấu ấn của lịch sử, để làm mới lại những quyết tâm trong giây phút hiện tại, đồng thời cũng khơi lên trong chị em những thao thức dấn thân tông đồ. Hội Dòng ước mong được biến đổi về mọi phương diện, nhất là chị em có được đời sống kết hợp thâm sâu với Chúa như Mẹ, để cùng với Mẹ, Hội Dòng hăng say mang niềm vui Tin Mừng và tình yêu của Lòng Thương Xót Chúa đến cho muôn người.

Mừng kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Dòng còn là dịp để chị em đọc lại công trình của Thiên Chúa cùng với công ơn của quý vị thân nhân, ân nhân… những ai đã được Chúa gọi về cũng như còn tại thế. Chắc chắn quý vị đã, đang và sẽ còn tiếp tục cầu nguyện, hy sinh, nâng đỡ và đồng hành với Hội Dòng, tiếp tục là những chứng nhân của những điều kỳ diệu ấy.

 

x. Kỷ yếu 

Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu

70 Năm Thành Lập (1946-2016)

 

(1) –  x. Lm. BÙI ĐỨC SINH, Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam II, tr.176

(2) – Ibidem, tr. 274.

(3) – x.Conc. Ind 104,105,106

(4) – DÒNG CHỊ EM CON ĐỨC MẸ MÂN CÔI BÙI CHU, Sơ lược lịch sử Dòng, Lưu hành nội bộ, tr.25

(5) – DÒNG CHỊ EM CON ĐỨC MẸ MÂN CÔI BÙI CHU, Sơ lược lịch sử Dòng, Lưu hành nội bộ, tr.28

(6) – Liên Nội và Liên Ngoại ở kề nhau, hợp thành Liên Thủy. Năm 1951, Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi yêu cầu đổi Liên Thủy cho Dòng Mến Thánh Giá để lấy Liên Thượng… Hiện nay là trụ sở chính của Dòng Trinh Vương.