XIN TẨY SẠCH CON!
THỨ SÁU SAU LỄ HIỂN LINH
(1 Ga 5, 5-13; Lc 5, 12-16)
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại sự kiện Chúa Giêsu chữa lành một người mắc bệnh phong. Theo các học giả Kinh Thánh, để hiểu cách thấu đáo câu chuyện này, chúng ta cần có trước mắt các bản văn Cựu Ước, cụ thể là Lv 13-14; Ds 5, 2-3; 2 V 7, 3-9; 15, 5. Trong những bản văn này, chúng ta thấy những người bị bệnh về da được xem là không thanh sạch hoặc không thánh thiện và như vậy sẽ bị tách biệt khỏi những người được xem là dân thánh của Thiên Chúa trong các thành và họ bị cấm tham dự tất cả các nghi lễ tôn giáo, nhất là ở Đền Thờ. Chúa Giêsu, Đấng Thánh của Thiên Chúa (x. Lc 4, 34) vượt qua các ranh giới ngăn cản những người không thanh sạch khỏi những người thanh sạch, đụng chạm đến những người không thanh sạch, và phục hồi sức khỏe người đó và đưa họ hội nhập lại với đời sống cộng đoàn.
Câu chuyện được trình thuật hôm nay cũng là câu chuyện của mỗi người chúng ta. Nó là một câu chuyện thật cảm động bắt đầu với chi tiết “Chúa Giêsu đang ở trong một thành kia; có một người toàn thân mắc bệnh phong vừa thấy Người, liền sấp mặt xuống, xin Người rằng: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Lc 5, 12). Như đã trình bày ở trên, người phong bị tách ra khỏi đời sống cộng đoàn và phải sống ngoài thành. Sự xuất hiện của anh trong thành có ý định gì? Khi làm điều đó, anh đã vượt qua ranh giới mà anh không được phép vượt qua. Có phải chỉ vì muốn gặp Chúa Giêsu mà anh không còn quan tâm đến những ranh giới được đặt lên bởi con người? Chúng ta cùng nhau phân tích câu chuyện để tìm ra những điểm cần suy gẫm cho ngày sống.
Khi gặp Chúa Giêsu, người phong nói lên lời cầu xin của mình, nhưng để cho Chúa Giêsu hoàn toàn tự do. Anh không nói: “‘Thưa Ngài, xin làm cho tôi được sạch,’ nhưng anh nói: ‘Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.’” Những lời này cho thấy anh không đi tìm ý riêng mình, dù anh rất muốn được sạch. Anh hoàn toàn đi tìm ý của Thiên Chúa. Với sự khiêm nhường, đơn sơ của anh, Chúa Giêsu “giơ tay đụng vào anh và bảo: ‘Tôi muốn, anh hãy được sạch’. Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh” (Lc 5, 13). Chi tiết này khuyến cáo chúng ta mỗi khi đến với Chúa để xin Ngài ban cho những điều chúng ta đang cần. Nhiều lần, chúng ta đến xin, nhưng thay vì tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và đón nhận, chúng ta mong ước mọi sự xảy ra theo ý muốn của mình. Khi làm như thế, thay vì làm theo sự điều khiển của Thiên Chúa, chúng ta trở nên những người điều khiển Ngài. Hãy để Chúa là Chúa! Còn chúng ta cần sống khiêm nhường để tìm thánh ý Ngài trong mọi sự kiện của cuộc sống. Thánh ý Thiên Chúa thì tuyệt hảo hơn ý muốn của chúng ta.
Dù đã chữa anh khỏi bệnh, nhưng Chúa Giêsu cũng nhắc nhở anh về việc phải tuân giữ luật buộc, đó là “hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được sạch, thì hãy dâng của lễ như ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết” (Lc 5, 14). Chi tiết này cho thấy, Chúa Giêsu vẫn luôn tôn trọng luật. Ngài muốn người phong thực hiện những gì được viết ra trong sách luật. Luật luôn là kim chỉ nam giúp chúng ta đến gần Chúa và gần nhau. Nói cách khác, mục đích của luật là giúp chúng ta thăng tiến trong đời sống yêu thương. Luật không phải là một gánh nặng, nhưng là những chỉ dẫn để chúng ta đạt đến đời sống thanh sạch và thánh thiện trước mặt Thiên Chúa.
Thánh Luca kết thúc trình thuật của mình với phần điệp khúc sau: “Tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng; dân chúng lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh. Nhưng Người lui vào những nơi hoang vắng mà cầu nguyện” (Lc 5, 15-16). Sau mỗi lần giảng dạy bằng lời hay hành động, Chúa Giêsu luôn được tán thưởng. Nhưng rồi, Ngài không ở lại trong sự được tôn vinh, mà tìm nơi thanh vắng để trò chuyện với Chúa Cha. Hành động này của Chúa Giêsu dạy chúng ta biết ‘rút lui’ vào nơi thanh vắng để ở lại với Ngài khi danh tiếng của mình lan rộng và được nhiều người biết đến. Cầu nguyện giúp chúng ta cắm rễ sâu trong Chúa và mang lại sự chắc chắn rằng những gì chúng ta thực hiện được đều do bởi Chúa.
Hoa Ven Đường