XIN LÀM VINH DANH CHÚA NƠI CHÚNG CON

Bài đọc 1 hôm nay được xem như tiền đề nói lên sự cần thiết của việc cầu nguyện cho sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu thực hiện trong bài Tin Mừng, đó là sự chia rẽ giữa những người thuộc phái Xađốc và những người thuộc phái Pharisêu (x. Cv 23, 6-10)

Họ bị chia rẽ vì “hy vọng rằng kẻ chết sẽ sống lại” (Cv 23, 6). Cùng một sự kiện, nhưng “người Xađốc chủ trương rằng chẳng có sự sống lại, chẳng có thiên sứ hay quỷ thần; còn người Pharisêu thì lại tin là có” (Cv 23, 8). Kết quả là “người ta la lối om sòm” (Cv 23, 9). Điều này cũng hay xảy ra trong cuộc sống đời thường. Nhiều khi chúng ta cũng “la lối om sòm” và thoá mạ người khác vì họ không nhìn vấn đề như mình đã nhìn, vì quan điểm của họ khác với quan điểm của mình. Nhiều khi chúng ta không đón nhận sự khác biệt trong suy nghĩ và lập trường của người khác vì chúng ta không có thái độ cởi mở. Chúng ta đóng kín con tim của chúng ta trong cái nhìn giới hạn và quen thuộc của mình. Sự không cởi mở này là nguyên nhân dẫn đến chia rẽ. Đây chính là điều làm cho việc loan báo Tin Mừng của chúng ta không sinh hoa trái. Vì vậy, Chúa Giêsu đã cầu nguyện để chúng ta được nên một, vì chỉ khi chúng ta nên một trong Ngài, thế gian mới biết được Chúa Cha đã sai Ngài.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan thuật lại cho chúng ta lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các môn đệ : « Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Ga 17, 22-23). Những lời này cho thấy Chúa Giêsu bất ngờ nhìn vượt qua những người môn đệ đang ở bên Ngài đến những ai sẽ tin Ngài vì lời chứng của các môn đệ. Có hai bình diện trong những lời diễn tả sự hiệp nhất trong Tin Mừng Thánh Gioan. Bình diện chiều dọc đặt sự hiệp nhất trong mối tương quan giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa. Bình diện chiều ngang tìm thấy trong giới răn yêu thương nhau, sự diễn tả của mối tương quan giữa Thiên Chúa và Chúa Giêsu giữa các thành viên trong cộng đoàn (x. Ga 13, 34-35; 15, 12,17). Không có nguồn hiệp nhất nào trong những nguồn hiệp nhất trên được đơn giản xem như là một sự diễn tả của tình liên đới giữa con người, bởi vì cả hai nguồn có nguồn gốc trong mạc khải của Chúa Cha nơi Chúa Giêsu.

Phần tiếp theo (Ga 17:24-26) của bài Tin Mừng trình bày cho chúng ta biết Chúa Giêsu là Đấng đưa các môn đệ vào sự hiệp thông với Thiên Chúa: “… Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa” (Ga 17, 24-26). Những lời này chỉ ra cho chúng ta thấy rằng đỉnh cao của sự hiệp nhất mới là sẽ được chia sẻ vinh quang mà Chúa Giêsu đã có với Chúa Cha từ khởi đầu, và nền tảng của mối tương quan giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha là tình yêu hỗ tương. Nó giúp chúng ta hiểu rằng chỉ khi mỗi thành viên sống trong tình yêu hỗ tương thì đời sống cộng đoàn mới trở thành bài ca chúc tụng Chúa và qua đời sống cộng đoàn các thành viên thấy được vinh quang của Chúa Giêsu. Chỉ khi các Kitô hữu đến với Thiên Chúa như Chúa Giêsu, thì họ mới có thể thực sự cảm nghiệm được mối tương quan của Chúa Giêsu với Thiên Chúa. Nói cách cụ thể, chúng ta sẽ hiểu mối tương quan của Chúa Giêsu với Thiên Chúa khi chúng ta đến với Thiên Chúa trong tâm tình con thảo. Đây chính là cốt lõi của đời sống cầu nguyện, là cảm nghiệm tình Cha của Thiên Chúa như Chúa Giêsu cảm nghiệm.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp chúng con mỗi ngày biết sống gắn bó mật thiết hơn với Chúa và được đi sâu vào mối tương quan thân mật với Chúa Cha. Nhờ đó, chúng con mới đủ tình yêu, đủ nghị lực để vượt qua mọi thách đố, gian nan, tiến đến một sự hiệp nhất yêu thương trong tình yêu Chúa và tình đồng loại. Amen.

Hoa Ven Đường

Check Also

WEDNESDAY OF THE 25TH WEEK IN ORDINARY TIME

GOSPEL Lk 9:1-6 Jesus summoned the Twelve and gave them power and authority over all …