XIN CHO CON ĐỨNG LÊN ĐẾN VỚI CHÚA

XIN CHO CON ĐỨNG LÊN ĐẾN VỚI CHÚA
THỨ SÁU TUẦN I – MÙA THƯỜNG NIÊN
(Mc 2, 1-12)

Hôm qua, Thánh Mác-cô tường thuật về phép lạ chữa người phong cùi, hôm nay chúng ta lại chứng kiến một phép lạ khác, đó chính là chữa người bại liệt. Phong cùi là bệnh ngăn cách chúng ta đến với Chúa và với nhau. Như vậy, một cách nào đó nó gần giống với căn bệnh bại liệt. Chỉ khác ở chỗ là: Có thể đi đến mà không thể đến và không thể đi đến nên không thể đến. Điểm khác biệt thứ hai đó là người mắc bệnh phong cùi không thể đến với ai và không ai có thể đến với mình, còn bệnh bại liệt thì mình không thể đến với người khác nhưng người khác có thể đến với mình. Nhìn từ khía cạnh này thì hai căn bệnh này có liên quan chặt chẽ với nhau.
Chi tiết đầu tiên chúng ta thấy trong Tin Mừng hôm nay là: “Người ở nhà, dân chúng tụ tập lại” (Mc 2, 1-2). Chi tiết này dường như ít người để ý nhưng nó rất quan trọng. Nếu chúng ta đặt chi tiết này trong bối cảnh của những gì theo sau, Chúa Giê-su gọi Lêvi và ăn uống “trong nhà của Lêvi” (Lc 2, 15). Chúng ta thường tìm Chúa ở bên ngoài, nhưng quên mất Chúa đang ở “trong nhà”. Chúa Giê-su dạy chúng ta khi cầu nguyện, hãy vào trong phòng, đóng kín cửa lại (x. Mt 6, 6). Điều này có nghĩa là, chúng ta chỉ có thể gặp Chúa trong con tim của mình, trong “khả năng yêu thương,” vì chính khả năng yêu thương này làm cho chúng ta giống Thiên Chúa, Đấng là tình yêu (x. 1Ga 4, 8).
Chi tiết thứ hai là cuộc gặp gỡ của Chúa Giê-su với người bệnh. Người bệnh không thể cựa quậy được, anh ta nằm trên chõng để người ta khiêng. Vì « dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được » (Mc 2,4a) nên những người thân nhân của người bất toại phải trèo tường dỡ mái nhà, làm mọi cách để giúp người thân tiếp cận với Chúa, cho thấy niềm tin vào quyền năng của Chúa Giê-su và lòng yêu thương dành cho người anh em đang phải khốn khổ vì bệnh tật. Đám đông như một chướng ngại trên con đường đi tìm ơn chữa lành. Làm sao đây? Với những người tin thì không gì là không thể, vì chính Giêsu đã nói rằng: “Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin” (Mc 9,23). Hơn nữa, niềm tin và niềm hy vọng về sự chữa lành, về ơn cứu rỗi sẽ giúp cho con người tìm được «lối vào ». Vâng, cái khó nó ló cái khôn. « Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống » (Mc 2, 4b). Một con đường không qua cửa chính, mà xuyên qua mái nhà. Khi lối chính đã «bị chặn», thì vẫn còn lối khác để vào. Cứ tin tưởng và chính niềm tin sẽ làm phát sinh sáng kiến. Khi nào còn tin tưởng, thì con người không bất động ngồi chịu trận một mình. Và chúng ta đã thấy niềm tin và niềm hy vọng của người bại liệt và của mọi người đã được đáp trả xứng đáng. Chúa Giê-su không chỉ thấy sự đau khổ của người bất toại mà còn thấy niềm tin của những người khiêng anh ta đến. Thánh Mác-cô nói rõ rằng thấy lòng tin của họ như vậy, Người đã chữa lành… Chúng ta trở về lại với cuộc đời mình và tự hỏi xem, có khi nào chúng ta trở nên bất lực hoàn toàn, bị những cơn bệnh, bị những thế lực tội lỗi và sự dữ chế ngự, chúng ta cảm thấy như thế nào? Khi gặp thử thách gian nan, khó khăn, chúng ta còn hy vọng gì nữa không? Niềm tin vào Chúa còn sống động trong lòng không? Còn nếu trong vai là những anh chị em hay người thân của người bị bệnh, chúng ta lo lắng như thế nào? Chúng ta có sẵn sàng dấn thân, vác người thân đang bị bệnh trên chõng, để đến với vị thầy thuốc tốt lành không?

Chi tiết thứ ba là lời của Chúa Giê-su: “Này con, tội con được tha rồi” (Mc 2, 5). Chính điều này đã làm cho các luật sĩ cảm thấy khó chịu. Họ khó chịu vì những lời của Chúa Giê-su khó nghe. Đối với họ, chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Họ không chấp nhận một Thiên Chúa-Con Người cũng có quyền tha tội. Giê-su đã phản ứng ra sao trước thái độ của các kinh sư? Đức Kitô đã thấu hiểu được mấy kinh sư nghĩ gì, nhưng Ngài chẳng sợ gì cả, rồi Ngài “đi thẳng vào trong bụng của mấy kinh sư, bằng cách Ngài hỏi: “Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy?” (Mc 2, 8) Câu hỏi của Giê-su như là đã đụng tới cái tâm sâu sa hẹp hòi của các kinh sư. Một cái tâm hẹp hòi thiếu thông cảm và nhân hậu với người nghèo khổ và bệnh tật. Câu hỏi của Giê-su thực là một câu hỏi chất vấn không chỉ các kinh sư, mà còn chất vấn từng người trong chúng ta. Có nhiều khi trong cuộc sống, trận chiến ở ngoài đã kết thúc từ lâu, nhưng trận chiến trong tâm hồn lại kéo dài cho đến khi xuống mồ. Chúng ta cũng thử nhìn lại chính mình xem, có bao giờ chúng ta hẹp hòi với Chúa, với anh chị em, đặc biệt anh chị em nghèo khổ? Khi nào chúng ta cảm thấy mình hơn người khác, mình có quyền kết án người khác? Hôm nay, nghe lại câu hỏi chất vấn của Giê-su, chúng ta cần phải trả lời và thay đổi thái độ sống của mình như thế nào đây?
Chi tiết cuối cùng là: Thấy người bại liệt được chữa lành, mọi người sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa (x. Mc 2, 12). Chính điều này nói lên “vẻ đẹp” của Chúa Giêsu trong khi thi hành thánh ý của Chúa Cha. Ngài không để cho ngay cả cái bóng của mình che khuất đi hình ảnh của Chúa Cha trong tất cả những gì Ngài làm. Mục đích chính của Ngài trong mọi việc là mặc khải cho chúng ta biết về tình yêu của Thiên Chúa và để vinh danh Thiên Chúa.
Hoa Ven Đường

Check Also

TẶNG PHẨM TÌNH YÊU

   Tình yêu luôn là một đề tài muôn thuở. Có biết bao tác phẩm …