VƯỢT QUA SÓNG GIÓ TRONG CUỘC SỐNG VỚI CHÚA GIÊSU
THỨ BẢY TUẦN III – TN
(2 Sm 12, 1-7a.10-17; Mc 4, 35-41)
Câu chuyện được thuật lại trong bài đọc 1 hôm nay nói về một thực tại xảy ra trong lịch sử con người, đó là thân phận tội lỗi của con người và tình yêu đầy thương xót của Thiên Chúa. Sau khi Đavít phạm tội, Thiên Chúa đã sai Nathan đến nói cho Đavít biết tội của mình và hậu quả của tội mà ông gây ra (x. 2 Sm 12, 1-12). Chi tiết này cho thấy, đôi khi trong cuộc sống, chúng ta cũng cần người khác nói cho chúng ta những lỗi phạm của mình. Điều quan trọng là mình có sẵn sàng khiêm nhường nhận ra lỗi phạm của mình để xin Chúa tha thứ và thay đổi như Đavít không? Còn về phần người sửa lỗi, chúng ta cũng cần khôn ngoan khéo léo như Nathan để làm cho người khác nhận ra lỗi của mình mà không cảm thấy bị xúc phạm đến nhân phẩm. Đây là một nghệ thuật mà chúng ta phải học mỗi ngày để giúp anh chị em của mình trên con đường sám hối.
Chi tiết đáng để chúng ta suy gẫm là sự thành khẩn nhận lỗi của Đavít: “Tôi đắc tội với Đức Chúa” (2 Sam 12, 13) và tình yêu bao la của Thiên Chúa: “Về phía Đức Chúa, Người đã bỏ qua tội của ngài; ngài sẽ không phải chết” (2 Sm 12, 13). Đây chính là thực tế trong cuộc sống mỗi người chúng ta. Nhiều lần chúng ta lỗi phạm đến Chúa và chạy đến với Ngài thống hối ăn năn và Ngài tha thứ cho chúng ta vô điều kiện. Tuy nhiên, khi người khác lỗi phạm đến chúng ta và đến xin tha thứ, liệu chúng ta có mau chóng tha thứ cho họ cách vô điều kiện không?
Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu ba hành động mang tính phép lạ của Chúa Giêsu. Câu chuyện Chúa Giêsu đi trên mặt biển ám chỉ đến việc Ngài có uy quyền trên Satan hiện diện trong thiên nhiên. Đây là câu chuyện đầu tiên trong chuỗi những câu chuyện có cùng một cấu trúc hay kiểu mẫu: Một rào cản được vượt qua (biển động), hành động đầy uy quyền của Chúa Giêsu (ra lệnh cho biển im lặng), và một sự khẳng định (biển lặng và các môn đệ kính sợ). Biển là biểu tượng quyền lực của sự hỗn mang và sự dữ đang cố gắng chống lại Thiên Chúa. Bằng việc làm chủ cơn bão trên biển, Chúa Giêsu làm những gì Thiên Chúa làm và đánh bại các mãnh lực của sự dữ. Các đọc giả của Máccô hiểu hình ảnh này được bao nhiêu thì chúng ta không biết. Vì vậy, câu hỏi của các môn đệ ở cuối trình thuật Chúa Giêsu là ai chỉ ra cho chúng ta rằng Thánh Máccô nhấn mạnh đến chân tính của Chúa Giêsu và thiết lập một lời công bố về Kitô học mang tính mặc nhiên về thần tính của Chúa Giêsu, bởi vì Chúa Giêsu làm những gì Thiên Chúa làm.
Hình ảnh đáng để chúng ta suy gẫm là hình ảnh Chúa Giêsu vẫn an tâm ngủ trong khi các môn đệ vất vả chèo chống với trận cuồng phong. Khả năng ngủ của Chúa Giêsu ở đàng lái giữa sóng biển xô dập dồn chỉ cho chúng ta thấy thái độ hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa. Điều này mời gọi chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa giữa biển đời nhiều khó khăn và thử thách. Giống như các môn đệ, chúng ta cũng hoảng sợ và kêu lên: “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?” (4, 39) khi đối diện với những sóng gió trong cuộc sống. Chúng ta nghĩ Chúa không lo lắng gì cho chúng ta. Nhưng chúng ta cần biết rằng nhiều khi Chúa ‘chưa’ làm gì, chứ không phải ‘không’ làm gì. Ngài muốn chúng ta hoàn toàn tín thác vào Ngài giữa sóng gió cuộc đời vì chính Ngài là Người đang nắm giữ vận mệnh của hành trình. Chúng ta có sẵn sàng tín thác để Ngài hướng dẫn hành trình của chúng ta không?
Hoa Ven Đường