VIẾT CHO CON (nhân ngày lễ cổ võ ơn gọi Thánh hiến)

Con hỏi cha: “Đi tu rồi có còn được yêu nữa không? Con hỏi thế là cha biết con đang phải đối diện với sự giằng co giữa một bên là con người thật của mình với trái tim biết “nhảy múa” và một bên là những quy chuẩn xã hội. Nỗi băn khoăn này cha biết không phải chỉ riêng con, bởi lẽ dường như nó xuất phát từ một lối nhìn chịu ảnh hưởng khá nặng của văn hoá Phật giáo (?) mấy thập kỷ qua. Theo đó, phàm ai đã đi tu là phải bỏ gia đình, bỏ đời, phải giống như gỗ đá, vô tri vô giác. Xem như càng tu đắc đạo thì phải càng khô như ngói, phải rũ bỏ mọi tình cảm, có thế mới là chân tu. Vấn đề khúc mắc dễ gây hiểu lầm ở đây chính là chữ “đời”.
Theo Phật Giáo, bỏ “đời” là bỏ cái đời sống này, cái đời là bể khổ này, là xa lánh thế gian. Thế nhưng con ạ, theo Kinh Thánh, đặc biệt là theo thánh Gio-an và Phao-lô thì chữ “đời” có hai ý nghĩa. Một đàng, nó ám chỉ lực lượng xấu xa tội lỗi, đối nghịch lại với Thiên Chúa, với tình yêu. Đôi khi chúng ta còn gọi với tên khác là “thế gian”, “trần gian” và có người tán thêm là “gian dối”, “gian tham”, “gian xảo”. Dưới khía cạnh này, cái “đời” bị Kinh Thánh lên án: “anh em đừng chạy theo đời” (Rm 12, 2); “anh em đừng có yêu đời, ai yêu đời thì sẽ không được Chúa yêu” (1 Ga 2, 15). Mặt khác, tiếng “đời” còn có nghĩa là tất cả những gì mà Chúa đã dựng nên, đặc biệt là thế giới con người, mà chúng ta có thể gọi là trần thế. Đối với cái trần thế ấy, Giáo hội mang một trách nhiệm phải rao giảng Tin Mừng, bày tỏ tình thương cứu độ của Thiên Chúa, và để được như vậy thì phải “vào đời”, phải “yêu đời”.
Vì thế, con không được phép sống bất cần đời, bỏ đời, để rồi khi gặp đau khổ thì lại: “Người lạ ơi, xin cho tôi mượn bờ vai, tựa đầu gục ngã, vì mệt mỏi quá”. Nhục lắm con ạ! sống thì không cần biết đến ai, là bơ, là bỏ…, lúc đau khổ thì lại đi mượn… Hơn nữa, thử hỏi một người mà con tim không còn biết rung động thì liệu họ có dám xả thân vì bạn hữu không? Có dám bỏ 99 con chiên để đi tìm con chiên lạc không? Có dám đồng bàn với hạng gái điếm và người tội lỗi không? Có lẽ họ sẽ mãi luôn là người thận trọng và dè dặt. Chỉ những người có khả năng yêu thương tích cực mới có thể hành động theo đam mê của sứ vụ, mới có khả năng đạt đến “tình thương cao cả nhất là sẵn sàng hy sinh tính mạng cho người mình yêu” (Ga 15,13). Con hãy nghe lời mời gọi của Chúa Giê-su với anh thông luật, khi trả lời cho anh về thắc mắc ai là người thân cận của mình trong dụ ngôn người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu: “hãy đi và làm như vậy” (Xc. Lc 10, 25-37). Hãy đi và làm cho mình trở thành người thân cận với anh chị em của mình. Hãy đi và thực thi kế hoạch lòng thương xót của Chúa…
Tuy nhiên, khi sống ở trần gian, Đức Giêsu xuất hiện như một con người mà theo ngôn ngữ của anh ca sĩ Sơn Tùng MTP là “không phải dạng vừa đâu”, bởi vì Ngài vừa giỏi giang, vừa là người thầy giảng dạy ở khắp nơi, vừa lao động và cầu nguyện, vừa chữa bệnh, vừa quan tâm đến người nghèo, vừa bênh vực những người thấp cổ bé miệng, quan tâm đến trẻ em, vừa là mục tử nhân lành… nhiều lắm. Còn chúng ta chỉ là những con người “vừa vừa” thôi, thế cho nên trong thực tế, cùng là theo Đức Kitô, cùng khao khát nên một với Đức Kitô, nhưng nhờ Thần Khí thúc đẩy, mỗi hội dòng hoạ lại một khía cạnh độc đáo của Đức Kitô mà ta vẫn quen gọi là đoàn sủng. Cụ thể chúng ta thấy ơn gọi của quý cha trong Giáo phận là đang bước theo Đức Giêsu trong ơn gọi vị mục tử nhân lành, chủ chăn. Bước theo Đức Giêsu đặc biệt quan tâm đến thanh thiếu niên có quý cha Dòng Don Bosco. Bước theo Đức Giêsu chữa lành những người đau ốm bệnh tật có quý cha quý thầy Dòng Gioan Thiên Chúa. Bước theo Đức Giêsu âm thầm lao động và cầu nguyện tại làng Nazareth xưa có quý cha Dòng Biển Đức; kính trọng và yêu mến Đức Mẹ có dòng Con Đức Mẹ, chấp nhận Thánh Giá để vâng phục Thánh ý Chúa Cha có quý sơ dòng Mến Thánh Giá … Nhiều lắm, mỗi Hội Dòng mà con thấy là một ơn gọi như vậy.
Như vậy, con có qúa nhiều chọn lựa phải không? con thấy mình phù hợp với ơn gọi nào, muốn bước theo Đức Giê-su trong đoàn sủng nào thì cứ việc chọn con nhé. Quý cha, quý thầy, quý sơ các hội dòng luôn sẵn sàng đón tiếp con.
Có điều, để ơn gọi của con trở thành hiện thực, con hãy nghe lại lời Chúa Giê-su nói trong bài Tin Mừng hôm nay: “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi”. Cái chữ “biết” của người Do Thái nó diễn tả một cái mối quan hệ thân thiết lắm. Cho nên Chúa Giê-su nói “Chiên của tôi biết tôi” là một lời mời gọi đặc biệt với con đấy! Ngay từ bây giờ, con cần có một đời sống và mối quan hệ thân thiết với Chúa Giê-su như người yêu, như thần tượng, như lẽ sống của đời mình. Có như vậy ơn gọi của con mới trở thành hiện thực được con ạ. Chọn con đường tu trì mà lại dễ dãi buông mình cuốn vào những thú vui hưởng thụ hoặc cắm đầu tìm kiếm những giá trị trần thế, thì có lẽ ước mơ cũng mãi chỉ là ước mơ thôi!

Tác giả bài viết: Gã Khờ

Check Also

TÂM TÌNH THƠ MỌN BÊN CHA

TÂM TÌNH THƠ MỌN BÊN CHA                    …