Vâng…

Vâng…

Không sắc, không huyền, không hỏi, không ngã, không nặng…Tiếng “vâng”  làm ai cũng liên tưởng nó như một làn gió nhẹ tâng. Ấy thế cơ mà, cứ thử gẫm lại sau mỗi lần cất tiếng vâng…bạn và tôi, tất cả chúng ta chắc gì đã làm được cho tròn chữ vâng…

Vâng- là từ thường dùng để trả lời cho một câu hỏi hay một lời đề nghị. Trước khi tiếng vâng được phát ngôn ra là cả một quá trình không hề ngắn để suy nghĩ, đắn đo. Và rồi sau khi nó được cất lên thành lời thì lại là cả một hành trình chất chứa những khó khăn thử thách. Ngược lại dòng lịch sử của nhân loại, khởi đi từ tiếng thưa vâng của các Tổ phụ, các Ngôn sứ hay các Thánh nhân chúng ta đều gật gù nghiêng mình thán phục về tiếng thưa vâng “to gan” của các Ngài.

Apraham đã thưa vâng để rời bỏ tất cả đến vùng đất mà ông “mù tịt” thông tin về nó, không hề biết tương lai ra sao nhưng vẫn vâng và đi.

Đức Trinh Nữ Maria đã cất tiếng xin vâng “trong nháy mắt” sau khi nhận được câu trả lời của sứ thần cho một câu hỏi ngạc nhiên rất bình thường của một cô gái còn xuân trẻ.

Các thánh tử đạo đã mạnh dạn và oai tráng nói tiếng vâng trước binh lính quan quyền nhận mình là người theo đạo Chúa, dẫu biết rằng sau tiếng vâng ấy là cảnh đầu rơi máu chảy, tan xương nát thịt.

Phần tôi và bạn…

Tiếng vâng ít là hơn một lần đã vang lên trong cuộc đời của mỗi chúng mình. Có lẽ cả tôi và bạn khi còn nhỏ đều có cùng tiếng vâng mỗi khi được cha mẹ khuyên răn dạy bảo hay khi được thầy cô hướng dẫn học hành.

Và rồi lớn lên chúng ta lại có tiếng vâng riêng, mỗi người tự quyết định hướng đường tương lai của mình. Vâng khi nắm tay người bạn đời trong thánh lễ hôn phối và nguyện cùng người ấy đi hết quãng đường còn lại. Vâng khi được xướng tên tiến lên cung thánh đặt tay nói lời kết ước qua nghi thức tuyên khấn hay ngày chịu chức linh mục. Vâng trong hạnh phúc nhưng đôi lúc là vâng trong nỗi đau quặn lòng khi đón nhận tin buồn từ người thân, là vâng trong nước mắt với những trái ý cực lòng. Tiếng thưa vâng như đã được tiền định để chúng ta thi hành.

Tuy thế mà có mấy lần chúng ta dành thời gian để gẫm, để ngẫm, để suy, để đi lại tiếng vâng năm nào. Đấy là chưa kể không thiếu những lần, những lúc chúng ta vâng để đấy, vâng lấy lệ, lấy lòng. Thiết nghĩ, mỗi lần như thế ta hãy nhìn lên Thánh Giá – nơi tiếng thưa vâng được thể hiện tột đỉnh qua việc Ngôi Hai Con Thiên Chúa chịu thân trần chết đau đớn nhục nhã vì tội tôi và bạn.

Cũng bằng đấy tiếng trong một ngày, cũng bằng đấy ngày trong tuần và bằng đấy tuần trong một tháng. Thế nhưng, những ngày chay thánh là cơ hội sát nhất để chúng ta rà soát – xét lại đời sống tâm linh của mình trong mối tương quan với Chúa, với tha nhân và với bản thân. Đây cũng là thời gian, là lúc để mỗi người thêm một lần nữa thưa và đáp tiếng xin vâng của đời mình cho nên hoàn thiện hơn mỗi ngày.

Tác giả: Trần Trần, FMSR.

Check Also

TẶNG PHẨM TÌNH YÊU

   Tình yêu luôn là một đề tài muôn thuở. Có biết bao tác phẩm …