UY QUYỀN GIẢNG DẬY CỦA CHÚA GIÊSU
THỨ BA TUẦN I – MÙA THƯỜNG NIÊN
(Mc 1, 21-28)
Trong bài Tin Mừng hôm qua, thánh Mác-cô tường thuật lại việc Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên. Họ được gọi để chia sẻ với Ngài trong sứ vụ rao giảng và chống lại quyền lực của tội lỗi, của sự dữ: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” (Mc 1, 24). Chúng ta được mời gọi theo Chúa Giêsu để chống lại quyền lực của tội lỗi đang “ám” chúng ta. Chúng ta không được gọi để “chống lại nhau”. Chúng ta được gọi để “ở với Chúa Giêsu, ở với nhau”, để rồi “cùng được Chúa Giêsu sai đi” để tiêu diệt tội lỗi. Khi chúng ta để Chúa Giêsu chiếm lấy cuộc sống của mình, quyền lực sự dữ sẽ không còn chỗ trong chúng ta.
Nếu chúng ta để ý, sợi chỉ nối kết lời Chúa ngày hôm nay chính là “danh tiếng” Chúa Giêsu được loan truyền: “Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê” (Mc 1, 28). Vậy danh tiếng Ngài được loan truyền khắp nơi vì điều gì? Trong bài Tin Mừng, danh tiếng Người được loan truyền khắp nơi vì lời giảng dạy của Ngài có uy quyền. Chúng ta có thể rút ra được điều gì từ lý do này? Điều chúng ta có thể rút ra là: danh tiếng của Chúa Giêsu được tán dương và loan truyền khắp nơi vì lời giảng dạy của Ngài có uy quyền; và lời giảng dạy của Ngài có uy quyền vì Ngài để Chúa Cha nói với chúng ta qua Ngài. Như vậy, để danh tiếng của mình cũng được tán dương và loan truyền, hãy để Chúa nói qua chúng ta. Nói cách khác, hãy dùng lời của chúng ta để nói lời yêu thương và an ủi. Đừng dùng lời nói để nói xấu, hay chỉ trích và làm mất danh tiếng của người khác.
Cuối cùng, Thánh Mác-cô trình bày cho chúng ta sự khác biệt giữa việc giảng dạy của Chúa Giêsu và các kinh sư: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1, 22). Đâu là sự khác biệt trong lời giảng dạy của các kinh sư và của Chúa Giêsu? Sự khác biệt nằm ở “uy quyền” của người giảng dạy. Các kinh sư giảng dạy dựa trên uy quyền của Môisen và các ngôn sứ, còn Chúa Giêsu giảng dạy với uy quyền “của chính mình” như “Con Thiên Chúa” (Mc 1, 1). Uy quyền của Chúa Giêsu không chỉ được thể hiện qua lời nói, nhưng còn qua việc làm, nó có sức mạnh, sức mạnh biến những lời đó thành hiện thực. Quả vậy, Chúa Giêsu không giảng dạy chỉ bằng lời như các kinh sư. Lời dạy của Ngài còn được thể hiện qua việc làm phép lạ, và bài Tin Mừng hôm nay là một điển hình. Dân chúng sững sờ trước phép lạ của Chúa Giêsu: “Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” (Mc 1, 27). Uy quyền của Chúa Giêsu không nhằm tìm kiếm gì cho bản thân ngoài ân sủng giúp lay chuyển lòng con người đưa đến hoán cải và ơn cứu độ. Đối với dân chúng, những lời của Chúa Giêsu thật mới mẻ và có sức đánh động. Đức Thánh Cha Phaolô VI có viết: “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dậy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng”( Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, số 41). Điều này thật đúng trong mọi thời: Một thầy dạy tuyệt hảo nhất là người sống những điều mình dạy. Bài học tuyệt hảo nhất mà chúng ta muốn dạy người khác đó là gương sáng. Chính chúa Giê-Su đã nêu gương cho chúng ta, Ngài đã tự hạ làm kiếp phàm nhân để chung chia cảnh đời cơ cực với con người, Ngài đã yêu thương không chỉ dừng lại ở lời hứa qua miệng các ngôn sứ mà Ngài đã thể hiện tình yêu đó với loài người một cách sống động qua việc hiến dâng tất cả chỉ vì tình yêu. “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 15; x. 1Pt 2, 21).
Hoa Ven Đường