TRAO CHO CHÚA GIÊSU TẤT CẢ

Bối cảnh của bài Tin mừng là một bữa ăn tối trong gia đình: “Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đến làng Bêtania, nơi anh Ladarô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giêsu; cô Mácta lo hầu bàn, còn anh Ladarô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người” (Ga 12,1-2). Trong Tin Mừng Thánh Gioan, bữa tiệc hoặc bữa ăn luôn là giây phút của chia sẻ, niềm vui và tình yêu. Đây có thể nói là một bữa cơm gia đình cám ơn Chúa Giêsu đã cho Ladarô sống lại. Chúng ta thấy Mácta vẫn làm công việc nội trợ của mình. Chi tiết này dường như lặp lại điều Thánh Luca trình bày trong Tin Mừng của mình (x. Lc 10, 40). Những chi tiết trên đưa chúng ta vào bối cảnh của vở kịch mà Thánh Gioan đã tài tình viết lên. Những gì được trình bày chỉ là lời kể. Mọi sự thay đổi với sự xuất hiện của Maria: “Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm” (Ga 12, 3). Chi tiết đáng lưu ý nhất trong sự kiện này là hình ảnh dầu thơm. Loại dầu này được tinh chiết từ rễ của một loại cây mọc ở miền núi ở phía bắc Ấn Độ. Thông thường, người ta không dùng nó để xức chân. Trong Tin Mừng Thánh Máccô, người phụ nữ xức dầu trên đầu Chúa Giêsu, trong khi đó trong Tin Mừng Thánh Luca, người phụ nữ lại lau chân Chúa Giêsu. Việc làm này là để chủ nhà tỏ lòng hiếu khách đối với khách mời, chứ không mang thêm ý nghĩa gì khác. Thánh Gioan đã thêm ý nghĩa của việc chuẩn bị cho ngày mai táng của Ngài: “Đức Giêsu nói: ‘Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu’ (Ga 12, 7-8). Như vậy, việc Maria xức dầu chân Chúa Giêsu với dầu thơm mang hai ý nghĩa: diễn tả sự hiếu khách và báo trước cái chết của Ngài. Theo các học giả Kinh Thánh, bản văn trong Tin Mừng Thánh Gioan có thể là kết quả của hai câu chuyện độc lập về việc xức dầu cho Chúa Giêsu. Thánh Gioan không chỉ nói đến giá trị của dầu thơm mà còn cung cấp cho chúng ta trọng lượng của số dầu được dùng giống như thánh sử đã nêu ra trong sự kiện mai táng Chúa Giêsu (x. Ga 19, 39). Chúng ta rút ra được điều gì trong việc xức dầu của Maria? Chúng ta được mời gọi học ở sự quảng đại và hiếu khách của Maria dành cho Chúa Giêsu. Bình dầu thơm là kho tàng quý giá nhất của người phụ nữ. Maria đã không tính toán với Chúa Giêsu, cô đã quảng đại dốc hết bình dầu thơm để xức chân Chúa Giêsu. Chính sự quảng đại, chính sự đổ hết bình dầu, hay đúng hơn, chính sự trao ban trọn vẹn đã làm cho “cả nhà sực mùi thơm.” Như vậy, ở đâu có sự trao ban trọn vẹn cho Chúa Giêsu và vì Chúa Giêsu, ở đó có mùi thơm của tình yêu, cảm thông và tha thứ.

Hình ảnh quảng đại của Maria được đặt đối ngược với hình ảnh của Giuđa Ítcariốt: “Một trong các môn đệ của Đức Giêsu là Giuđa Ítcariốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: ‘Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?’ nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung” (Ga 12, 4-6). Giuđa chống lại sự quảng đại của Maria dành cho Chúa Giêsu. Chúng ta có thể nói là hiểu sai và cắt nghĩa sai hành động của Maria. Đây là điều chúng ta được khuyến cáo trong sự kiện này. Nhiều lần chúng ta cũng hiểu sai và cắt nghĩa sai những hành động tốt của anh chị em chúng ta. Hãy luôn luôn bình tâm trong mọi sự để nghĩ tốt và nói tốt cho anh chị em mình. Nếu chúng ta không làm được điều đó, chúng ta cần phải giữ thinh lặng để cảm nghiệm và hiểu mọi sự với sự cảm thông của con tim. Bên cạnh việc chỉ ra Giuđa là người không đồng ý về hành động của Maria, Thánh Gioan còn cho chúng ta thấy nguyên nhân dẫn đến sự chống đối, đó là Giuđa là ‘kẻ sẽ nộp Chúa Giêsu,’ ‘là người không lo cho người nghèo và là một tên ăn cắp.’ Thật vậy, Giuđa và Maria là hai hình ảnh trái ngược nhau: Maria là ‘bạn’ của Chúa Giêsu, là người đã cung cấp những thứ quý giá nhất chuẩn bị cho việc mai táng của Ngài, trong khi đó, Giuđa, là người nộp Chúa Giêsu, là một tên trộm mà việc ra đi để nộp Chúa Giêsu của Giuđa bị hiểu lầm là mua những gì cần thiết cho Lễ Vượt Qua hoặc bố thí cho người nghèo (x. Ga 13, 29). Trong hai hình ảnh đối ngược này, chúng ta đang đóng vai nào?

Sự kiện Chúa Giêsu đến dùng bữa và được xức dầu trong nhà Ladarô đã trở thành nguyên nhân để Chúa Giêsu [và Ladarô] bị các thượng tế âm mưu giết: “Một đám đông người Do Thái biết Đức Giêsu đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giêsu, nhưng còn để nhìn thấy anh Ladarô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Các thượng tế mới quyết định giết cả anh Ladarô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do Thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giêsu” (Ga 12, 9-10). Trong những lời này, chúng ta nhận ra đám đông đến với Chúa Giêsu chỉ vì tò mò và không hoàn toàn vì Chúa Giêsu, nhưng vì Ladarô. Chính qua Ladarô mà nhiều người tin vào Chúa Giêsu. Chi tiết này nói lên tầm quan trọng của đời sống chứng tá của người môn đệ sau khi được Chúa Giêsu cho sống lại từ cõi chết. Có nhiều người đến với Chúa Giêsu, nhưng đức tin của họ còn yếu kém. Họ cần được nâng đỡ bởi những người đã được Chúa Giêsu đụng chạm đến và cuộc sống đã được biến đổi. Chúng ta được mời gọi trở nên những chứng tá về đời sống mới trong Đức Kitô cho anh chị em mình, dù phải chấp nhận những đau thương và nhiều khi phải chấp nhận cái chết vì Chúa Giêsu.

Hoa Ven Đường

Check Also

TẶNG PHẨM TÌNH YÊU

   Tình yêu luôn là một đề tài muôn thuở. Có biết bao tác phẩm …