Hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta mừng kính trọng thể Lễ Thánh Giuse, bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Maria. Trong phụng vụ của Giáo Hội, Thánh Giuse được tưởng nhớ hai lần trong năm phụng vụ: lễ Thánh Giuse, bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Maria mà chúng ta cử hành hôm nay và lễ Thánh Giuse Thợ (mồng 1 tháng 5). Tuy nhiên, theo lòng đạo đức bình dân, chúng ta dành tháng 3 để tưởng nhớ Thánh Giuse cách đặc biệt và nhiều nơi tưởng nhớ Thánh Giuse vào mỗi ngày thứ 4 trong tuần.
Tại sao chúng ta lại có lễ mừng kính Thánh Giuse hôm nay? Như chúng ta biết, thường lễ các thánh được mừng vào ngày qua đời, được coi như ngày sinh vào cõi sống trường cửu. Thế nhưng, đối với thánh Giuse cũng như nhiều thánh thời cổ, thì chúng ta không biết ngày qua đời của họ. Vì thế các ngày lễ thường được ấn định dựa theo một truyền thống địa phương nào đó. Riêng đối với Thánh Giuse, chúng ta nên ghi nhận một điểm quan trọng. Trong khi lễ kính các thánh tử đạo đã xuất hiện từ những thế kỷ đầu tiên, tiếp đến là các lễ kính Đức Trinh Nữ Maria từ thế kỷ IV và các thánh tu hành, thì trong suốt thiên niên kỷ thứ nhất, không nơi nào mừng lễ kính Thánh Giuse. Quả thật Thánh Giuse là một con người thầm lặng, lúc còn sống cũng như sau khi đã qua đời. Mãi đến thế kỷ XIV, lễ kính Thánh Giuse mới được bắt đầu cử hành trong các dòng hành khất, chẳng hạn Dòng Tôi tớ Đức Mẹ (năm 1324), Dòng Phan sinh (năm 1339). Sang thế kỷ XV, lễ kính Thánh Giuse mới được phổ biến rộng rãi hơn. Năm 1467, giáo phận Milano (Italia) ấn định lễ Thánh Giuse vào ngày 20 tháng 3, và chuyển sang ngày 19 tháng 3 từ năm 1509. Phải chờ tới cuộc cải tổ phụng vụ sau công đồng Trentô, do đức Piô V thì lễ Thánh Giuse mới được ghi vào lịch phổ quát của Giáo hội (1568-1570). Lễ được mừng vào ngày 19 tháng 3, và trở thành lễ buộc từ năm 1621, dưới thời đức Grêgôriô XV.
Như chúng ta đã trình bày, Thánh Giuse là con người âm thầm khi còn sống cũng như sau khi đã qua đời. Điều này được chứng minh qua sự kiện là Thánh Giuse được đề cập rất ít trong Tin Mừng. Ngài chỉ xuất hiện vào thời thơ ấu của Chúa Giêsu và không một lời nào của Ngài được ghi lại trong Kinh Thánh. Ngài được xem là “cha nuôi” của Chúa Giêsu và là “người công chính”. Hôm nay mừng kính trọng thể vị “Thánh Cả” trong Giáo Hội, chúng ta muốn học gì ở Ngài? Chúng ta hãy để Lời Chúa hướng dẫn chúng ta.
Bài đọc 1 nói về lời sấm của Nathan. Trong lời sấm này, Nathan nói cho Vua Đavít về lời hứa của Đức Chúa cho ông và con cháu của ông: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi – một người do chính ngươi sinh ra – và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền” (2 Sm 7, 12). Trong bối cảnh gần, lời sấm nói về Solomon, nhưng trong bối cảnh xa, nó tiên báo về Đức Giêsu Kitô, Đấng sẽ làm cho vương quyền và ngai vàng của Vua Đavít được củng cố và bền vững đến muôn đời. Vai trò của Thánh Giuse ở đâu trong lời sấm này? Ngài là một người thuộc “dòng dõi của Vua Đavít,” là một “mắt xích” trong chuỗi mắt xích để chuẩn bị cho Đức Kitô “Con Vua Đavít” (x. Mc 10, 48; Mt 15, 22). Điều Thánh Giuse mang lại cho Chúa Giêsu chính là danh hiệu và vương quyền của Vua Đavít. Chúng ta tìm thấy điều này trong gia phả của Chúa Giêsu được trình thuật trong Tin Mừng Thánh Mátthêu (Mt 1, 1-17) và Luca (3, 23-38). Thật vậy, Thánh Giuse đã trao cho Chúa Giêsu tất cả “danh hiệu và vinh quang của mình.” Hay nói đúng hơn, là Ngài đã trao cho Chúa Giêsu tất cả những gì Ngài có và Ngài là. Còn chúng ta thì thế nào? Chúng ta có sẵn sàng dâng cho Chúa tất cả những gì chúng ta có và chúng ta là không? Hay chúng ta còn giữ lại cho mình “vinh quang và danh dự” thuộc về Ngài?
Trong bài đọc 2, Thánh Phaolô nói về đức tin của Ápraham. Chính đức tin này đã làm cho ông trở nên công chính. Chúng ta thấy đức tin của ông làm cho ông hoàn toàn trông cậy khi không còn gì để trông cậy (x. Rm 4, 18). Nói cách khác, ông đã vững tin và trông cậy khi không còn lý do con người nào có thể thuyết phục ông để tin, vì như chúng ta đã biết, ông đã già và vợ ông đã cao niên thì làm sao mà có thể trở nên tổ phụ của nhiều dân tộc (x. St 18, 9-13). Giáo Hội chọn bài đọc này để nói đến Thánh Giuse, người cũng có niềm tin son sắt như Ápraham và cũng chính đức tin đó đã làm cho Ngài được kể là người công chính. Ngài đã tin khi không còn lý do con người để tin vào việc thụ thai đồng trinh của Đức Trinh Nữ Maria. Học ở gương Thánh Giuse, chúng ta phải vững tin và trông cậy, nhất là khi chúng ta không thể tìm thấy một lời giải thích hợp lý nào của con người hoặc không còn lý do con người nào để tin và trông cậy khi những đau khổ và thập giá xảy ra trong cuộc đời của chúng ta. Để được như thế, chúng ta phải luôn chìm đắm trong thinh lặng cầu nguyện. Đây là điểm thứ ba mà chúng ta sẽ học nơi Thánh Giuse trong bài Tin Mừng hôm nay.
Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu với một câu trích trong gia phả của Chúa Giêsu: “Ông Giacóp sinh ông Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1, 16). Những lời này liên kết Chúa Giêsu với vương quyền của vua Đavít. Bên cạnh đó, những lời này cũng đặt nền tảng Kinh Thánh cho thánh lễ hôm nay, đó là việc Thánh Giuse là ‘chồng của bà Maria.’ Thánh Giuse là người chồng như thế nào được trình bày trong những lời sau đây: “Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1, 18-19). Những lời này cho chúng ta thấy Thánh Giuse luôn nghĩ đến lợi ích của người khác hơn chính mình. Thánh nhân là một người rất khôn ngoan, luôn cân nhắc thật kỹ mọi vấn đề trước khi quyết định. Ngài sống ‘công chính hơn các luật sĩ và người Pharisêu’ vì thánh nhân không chỉ giữ đúng luật nhưng sống ‘tinh thần’ của luật, đó là tình yêu. Nếu thánh nhân theo luật thì Mẹ Maria đã bị ném đá. Tình yêu chân thật đã làm cho thánh Giuse chọn giải pháp tốt nhất để bảo vệ Mẹ Maria và Chúa Giêsu dù chính bản thân mình phải chịu thiệt thòi. Trong cuộc sống, khi chúng ta tìm hạnh phúc và ích lợi cho riêng mình, vô tình hay cố ý chúng ta sẽ chà đạp trên hạnh phúc và lợi ích của người khác. Tình yêu chân thật xuất phát từ Thiên Chúa dạy chúng ta tìm hạnh phúc và lợi ích của người khác hơn của chính mình.
Trình thuật Tin Mừng hôm nay có sự khác biệt giữa Thánh Mátthêu và Luca. Thánh Giuse là hình ảnh trung tâm và chủ động trong Tin Mừng Thánh Mátthêu. Thánh nhân là người nhận được sự mặc khải của Thiên Chúa qua một giấc mơ: “Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: ‘Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ’” (Mt 1, 20-21). Thánh Mátthêu không nói đến Nadarét như là chỗ ở trước khi Chúa Giêsu sinh ra. Chi tiết này giống với Tin Mừng Thánh Luca về sự ra đời và thời thơ ấu của Chúa Giêsu ở Nadarét. Trong những lời trên, Thánh Giuse được ‘truyền tin’ cho biết việc sinh ra của Chúa Giêsu và ngài sẽ phải làm gì. Chi tiết đáng lưu ý là việc đặt tên cho Chúa Giêsu. Trong mọi nền văn hoá, nhất là ‘văn hoá của Kinh Thánh,’ đặt tên là khẳng định sự sở hữu. Nói cách khác, khi đặt tên cho ai hoặc vật gì thì vật đó hoặc người đó thuộc về mình. Qua việc đặt tên cho Chúa Giêsu theo lời Thiên Thần truyền, Thánh Giuse khẳng định Chúa Giêsu thuộc về Ngài, thuộc về dòng dõi Đavít. Nhưng nếu nhìn từ khía cạnh khác, qua việc đặt tên, Thánh Giuse khẳng định ngài thuộc về Chúa Giêsu.
Điểm cuối cùng chúng ta có thể học nơi Thánh Giuse là sự mau mắn thi hành thánh ý Thiên Chúa: “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy” (Mt 1, 24a). Trước mạc khải của Thiên Chúa, con người được mời gọi đáp trả với trọn con người của mình. Chúa cũng mạc khải chính mình cho chúng ta mỗi ngày qua những người chúng ta gặp gỡ, qua những biến cố trong cuộc sống. Chúng ta có mau mắn làm theo những điều Thiên Chúa mời gọi chúng ta không?
Hoa Ven Đường