TÌNH YÊU ĐẸP NHẤT TRÊN ĐỜI

TÌNH YÊU ĐẸP NHẤT TRÊN ĐỜI

(Is 52, 13 – 53, 12; Hr 4, 14-16; 5, 7-9; Ga 18, 1 – 19, 42)

Phụng vụ hôm nay tập trung vào thập giá của Chúa Giêsu. Nghi thức hôm nay được gọi là “Suy Tôn Thánh Giá”. Như chúng ta biết, bị đóng đinh trên thập giá là một trong những hình phạt tàn bạo nhất mà người Rôma dùng để trừng trị phạm nhân. Hình phạt này chỉ được sử dụng cho các nô lệ và không bao giờ được áp dụng cho các công dân La Mã. Trong thời đó, thập giá chính là “ác mộng” của các phạm nhân, nhất là những phạm nhân chống lại La Mã. Nếu thập giá là một “ác mộng” khủng khiếp cho mọi người thời đó, nhất là cho các phạm nhân, tại sao chúng ta lại suy tôn thập giá? Thánh giá có gì đặc biệt để chúng ta suy tôn? Chúng ta để lời Chúa trả lời cho chúng ta lý do tại sao chúng lại suy tôn thánh giá Chúa Giêsu hôm nay.

Ngôn sứ Isaia, qua bài ca thứ tư của người tôi tớ của Thiên Chúa trong bài đọc 1 hôm nay, cho chúng ta hay rằng chính người tôi tớ của Thiên Chúa sẽ “được suy tôn đến tột cùng” (Is 52, 13). “Hình ảnh biến dạng” của người tôi trung của Thiên Chúa được Isaia mô tả trong bài đọc 1 chính là hình ảnh của Đức Giêsu được Thánh Gioan trình bày trong Tin Mừng hôm nay: “Người tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người nữa, cũng vậy, người sẽ làm cho muôn dân phải sững sờ, vua chúa phải câm miệng, vì được thấy điều chưa ai kể lại, được hiểu điều chưa nghe nói bao giờ” (Is 52, 14-15). Hơn thế nữa, “người tôi tớ của Thiên Chúa chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như một kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới” (Is 53, 2-3). Một Đức Kitô, không còn dáng vẻ con người, bị treo trên thập giá, có đáng để suy tôn không? Nếu thập giá là “ác mộng” và Đấng bị treo trên thập giá “không còn dáng vẻ con người,” thì chúng ta có lý do gì để suy tôn hôm nay?

Ngôn sứ Isaia đưa ra cho chúng ta những lý do mà qua đó người tôi trung của Thiên Chúa được suy tôn và những lý do đó được hoàn thành nơi Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta suy tôn thánh giá với những lý do sau:

Thứ nhất, trên thập giá, “chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta” (Is 53, 4): Trong suốt cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu, Ngài luôn “mang lấy những bệnh tật” của dân chúng và chữa lành họ. Những đau khổ chúng ta Ngài cũng gánh chịu và chia sẻ với chúng ta. Ngài không chỉ đau khổ với chúng ta, nhưng còn đau khổ vì và cho chúng ta. Đây chính là lý do thứ nhất Chúa Giêsu được Chúa Cha tôn vinh và được chúng ta suy tôn. Lý do đầu tiên mời gọi chúng ta, trong khi suy tôn thánh giá Chúa Giêsu hôm nay, là hãy biết dâng lời tạ ơn Ngài vì đã mang lấy bệnh tật và gánh chịu những đau khổ của chúng ta. Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi để mang lấy bệnh tật và gánh chịu những đau khổ của anh chị em chúng ta.

 Thứ hai, trên thập giá “chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu Người tội lỗi của chúng ta” (Is 53, 5-6). Chúa Giêsu bị đâm thâu vì chúng ta đã phạm tội. Ngài đã mang trên mình tất cả tội lỗi của chúng ta hầu đem lại cho chúng ta ơn tha thứ và bình an. Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thánh giá, chúng ta được mời gọi nhìn lại cuộc sống của mình để dốc lòng tránh những lỗi lầm đã đâm thâu vào con tim của Chúa Giêsu. Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi trở nên khí cụ hoà giải hầu mang bình an đến cho anh chị em của chúng ta.

Thứ ba, trong mầu nhiệm thập giá “bị ngược đãi, cam chịu nhục nhã, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng hề mở miệng. Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu” (Is 53, 7-8). Khi nhìn lên thánh giá Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra ở đó một Con Người rất “hiền lành và khiêm nhường,” một Con Người với những lời thì thầm thật ngọt ngào: “hãy đến với ta hỡi những ai mang gánh nặng nề. Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.

Thứ tư, trong mầu nhiệm thập giá “Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt. Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn, bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa” (Is 53, 8-9). Chúa Giêsu bị đánh phạt vì tội lỗi của chúng ta. Ngài đón nhận hình phạt dù Ngài không phạm tội. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta để cho tính tự ái chiến thắng chúng ta. Chúng ta có thể chịu thiệt một tí, hoặc đơn giản nói lời “xin lỗi”, để có thể cứu được các tương quan mà chúng ta đã gầy dựng và vun đắp từ lâu. Nhưng chúng ta đã không làm điều đó. Hôm nay khi suy tôn thánh giá Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi chấp nhận hình phạt cho người khác, dù chúng ta không lỗi phạm.

Thứ năm, trên thập giá “nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53, 11). Chính qua đau khổ của mình, Chúa Giêsu làm cho tất cả chúng ta được nên công chính. Như vậy, thập giá chính là “công cụ” mà qua đó Chúa Giêsu sử dụng để đánh bại thần chết và làm cho chúng ta nên công chính. Khi suy tôn thánh giá Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi đón nhận những nỗi thống khổ của mình và của người khác để sinh ích cho người khác.

Thứ sáu, “Ta sẽ ban cho Người muôn người làm gia sản, và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt, Người sẽ được chia chiến lợi phẩm, bởi vì Người đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thực ra, Người đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (Is 53, 11-12). Qua cái chết của mình, Chúa Giêsu đã được ban cho mọi vinh quang, danh dự trên trời và dưới đất. Và chúng ta được mời gọi để được chia sẻ vinh quang và danh dự với Ngài. Khi suy tôn thánh giá Chúa Giêsu hôm nay, chúng ta được mời gọi từ bỏ những của cải chóng qua thuộc về mình, để chia sẻ với Chúa Giêsu trong gia sản không bao giờ tàn phai của Ngài.

Cuối cùng, chúng ta cùng nhau suy gẫm về cuộc thương khó của Chúa Giêsu mà hôm nay chúng ta được mời gọi suy gẫm. Bài Thương Khó trích từ Tin Mừng Thánh Gioan. Sự kiện Chúa Giêsu chịu đóng đinh đứng ở trung tâm của sự mặc khải về tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu được Thánh Gioan trình bày, chúng ta rút ra được điều gì từ hình ảnh của thập giá cho đời sống của mình trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân? Từ bài thương khó, chúng ta có thể suy gẫm trên ba điểm sau:

Thứ nhất, thập giá là lối diễn tả cách triệt để sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa trong sự hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giêsu. Điều này đã được ám chỉ đến trong hình ảnh của Người Tôi Tớ Đau Khổ của Đức Chúa trong bài đọc 1. Trong bài Tin Mừng, Thánh Gioan trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu luôn giữ thái độ hiền lành trước ‘bạo lực’ và bất công của những người liên quan đến cái chết của Ngài: Ngài hiền lành với Giuđa kẻ nộp Ngài; Ngài hiền lành với những người đến bắt Ngài; Ngài dạy Phêrô hiền lành và không dùng bạo lực để đáp lại bạo lực; Ngài hiền lành với các thuợng tế và nhóm Pharisêu là những người định tâm giết Ngài; Ngài hiền lành với Philatô người không có đủ can đảm để bảo vệ sự thật; Ngài hiền lành với Phêrô kẻ chối Ngài; Ngài hiền lành với các môn đệ là những kẻ bỏ Ngài mà chạy; Ngài hiền lành với những người lính đánh đập Ngài; Ngài hiền lành với những người sĩ nhục Ngài; Ngài hiền lành với người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài; Ngài hiền lành với hai người trộm đóng đinh với Ngài; Ngài hiền lành với hết mọi người không trừ một ai. Sự hiền lành và khiêm nhường của Ngài là lối diễn tả tuyệt hảo nhất việc vâng phục thánh ý Chúa Cha và sự vâng phục đó đã được diễn tả cách triệt để trong mầu nhiệm thập giá.

Thứ hai, thập giá là dấu chứng tình yêu không thay đổi trước sự thay đổi của con người. Điều này chúng ta chứng kiến trong hình ảnh các môn đệ, những người được Chúa Giêsu yêu thương, dạy dỗ nhưng lại nộp, chối và bỏ Ngài mà chạy; hoặc trong hình ảnh đám đông, những người đã chứng kiến các phép lạ Ngài làm rồi mở miệng tung hô Ngài, nhưng sau đó lại kêu lên: ‘Đóng đinh nó vào thập giá’. Đứng trước sự thay đổi này của con người, Chúa Giêsu trung thành với tình yêu của Ngài để bước lên thập giá. Chúng ta chỉ hiểu điều này khi chúng ta đi vào trong mầu nhiệm của Thiên Chúa. Thánh Gioan đã khẳng định rằng: Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4, 8). Điều này cho thấy, tình yêu là bản chất của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là vĩnh cửu, nên tình yêu của Ngài muôn đời tồn tại. Tình yêu không phải là bản chất của con người và con người là một thụ tạo yếu đuối, giới hạn, nên tình yêu không phải là điều nội tại trong con người. Vì lý do này, chúng ta thấy con người dễ dàng thay đổi tình yêu của mình dành cho người khác. Trong bài Thương Khó, chúng ta thấy trên thập giá, Chúa Giêsu diễn tả tình yêu cho đến cùng của mình cho những kẻ thuộc về Ngài. Nhìn lên thập giá, chúng ta được mời gọi sống trung thành với tình yêu của mình dù cuộc đời nhiều đau khổ và nước mắt, dù người khác thay đổi tình yêu của họ dành cho chúng ta.

Thứ ba, thập giá là nơi quy tụ và làm phát sinh gia đình mới của Chúa Giêsu. Chúng ta thấy điều này qua hai hình ảnh sau: (1) tấm bảng treo trên thập giá được viết bằng ba thứ tiếng thông dụng thời đó là Do Thái, Latin và Hy Lạp; (2) việc trao Đức Mẹ cho Thánh Gioan và Thánh Gioan cho Đức Mẹ. Thập giá là dấu chỉ của sự hiệp nhất cho mọi người ở mọi nơi và mọi thời. Khi nhìn lên Đấng chịu đóng đinh trên thập giá, con người được hiệp nhất trong một đức tin, trong một niềm hy vọng và trong một đức ái. Chính điều này tạo ra gia đình mới mà Chúa Giêsu thiết lập dưới chân thập giá qua hình ảnh của Mẹ Maria và Thánh Gioan. Như vậy, thập giá và chiêm ngắm Đấng chịu treo trên thập giá với lòng thành và trọn con tim sám hối chính là phương thuốc chữa lành sự chia rẽ của con người. Chỉ những ai đứng liên lỉ dưới chân thập giá mới có khả năng trở nên những thành viên mới trong gia đình của Chúa Giêsu.

Hoa Ven Đường

Check Also

WEDNESDAY OF THE 25TH WEEK IN ORDINARY TIME

GOSPEL Lk 9:1-6 Jesus summoned the Twelve and gave them power and authority over all …