TÌM NIỀM VUI TRONG CHÚA

Ơn gọi làm tông đồ cho dân ngoại ngày càng trở nên rõ nét hơn nơi Thánh Phaolô. Khi làm việc cho người Do Thái, Thánh Phaolô cũng gặp được những người cộng tác với ngài. Họ cũng là những người rất quảng đại với ngài, như Aquila và vợ là Pơrítkila (x. Cv 18, 1-3)). Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngài cũng bị chính những người đồng bào của mình chống đối và nói lộng ngôn (x. Cv 18, 6). Điều này nhắc nhở chúng ta rằng : chúng ta không thể làm hài lòng hết mọi người. Dù chúng ta có sống tốt, sống vui và làm những điều tốt đẹp đến đâu, vẫn có người chống đối và nói những lời không tốt về chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng để cho mình bị chi phối bởi một sự chống đối của một vài người mà ngừng làm việc tốt, ngừng làm chứng cho Chúa qua đời sống yêu thương, cảm thông và tha thứ của chúng ta.

Kinh nghiệm thường ngày dạy chúng ta rằng, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể cảm nghiệm được sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa. Có những lúc chúng ta thấy Chúa rất gần, nhưng cũng có lúc chúng ta thấy Chúa quá xa vời. Điều này được diễn tả cách trung thực qua lời nói của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay : “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy” (Ga 16, 16). Trong câu này, Chúa Giêsu chuyển sự tập trung của các môn đệ từ “nơi Ngài đi” đến “ít lâu nữa,” từ “nơi chốn” đến “thời gian”.

Đề tài “ít lâu nữa” được xem là “tiền đề” của “câu đố” mới cho các môn đệ.  Các môn đệ đã cố gắng tìm câu trả lời nhưng cuối cùng, họ không thể tìm thấy câu trả lời : « ‘Ít lâu nữa’ nghĩa là gì? Chúng ta không hiểu Người nói gì!”. Thấy thế, Chúa Giêsu luôn đi bước trước. Ngài “đã biết” và “đi bước trước” để giải thích cho các môn đệ điều các ông đang thắc mắc. Điều này có ý nghĩa gì với chúng ta? Trong cuộc sống, chúng ta cũng gặp nhiều điều không hiểu. Nhưng chúng ta không dám hỏi Chúa? Nhiều khi chúng ta cứ loay hoay đi tìm câu trả lời cho riêng mình, hay chúng ta tìm sự giúp đỡ từ con người hơn là từ Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng, Chúa luôn đi bước trước. Ngài luôn tìm cách giải thích cho chúng ta bằng nhiều cách: qua lời Ngài, qua các sự kiện xảy ra trong ngày sống hoặc qua những người khác. Liệu chúng ta có nhạy cảm và nhận ra sự hướng dẫn của Ngài không?

Trở lại với “câu đố” và câu giải thích của Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra rằng Chúa Giêsu không cho các môn đệ câu trả lời trắng đen. Ngài giải thích “ít lâu nữa” không phải là thời gian ám chỉ về Ngài, nhưng ám chỉ về các môn đệ: “anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16, 20). Trong những lời này, chúng ta nhận thấy một sự “đổi ngược” mang tính mạc khải. Các môn đệ của Ngài sẽ khóc lóc và lo buồn, thế gian sẽ vui mừng. Nhưng sự khóc lóc và lo buồn của các môn đệ không “tồn tại muôn đời”. Sự khóc lóc và lo buồn của các môn đệ sẽ trở thành niềm vui. Lời hứa về sự “đổi ngược” này sẽ xảy ra trong “tương lai”. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng:  trong cuộc sống, khi gặp phải những khó khăn, thử thách, buồn sầu và lo lắng, chúng ta đừng để cho những điều đó lấy mất đi niềm tin và hy vọng của chúng ta vào một tương lai với nhiều niềm vui và hạnh phúc đang chờ đợi. Những người sống không niềm tin và hy vọng vào một tương lai đầy yêu thương và niềm vui sẽ thấy mỗi giây phút sống của mình rất nặng nề và không có ý nghĩa. Ngược lại, những người đón nhận mọi khó khăn và thử thách trong cuộc sống với con tim của Chúa Giêsu sẽ luôn thấy cuộc sống này thật đẹp và có ý nghĩa.

Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời chúng con có những lúc hạnh phúc bình an, nhưng cũng không thiếu những lần chúng con cảm thấy khó khăn, cô đơn và thất bại như vắng bóng Chúa. Xin cho chúng con luôn nhớ đến lời Chúa đã nói trong Tin Mừng hôm nay, mà vững niềm trông cậy vào Chúa, có niềm hy vọng trong những lúc tuyệt vọng và niềm tin tưởng khi gặp khó khăn. Amen

Hoa Ven Đường

Check Also

Hội Dòng Mừng Bổn Mạng Chị M. Ripsimina Bùi Thị Liễu

Hội Dòng Mừng Bổn Mạng Chị M. Ripsimina Bùi Thị Liễu