TÌM DẤU LẠ Ở ĐÂU?

TÌM DẤU LẠ Ở ĐÂU?

THỨ TƯ TUẦN I – MC

(Gn 3, 1-10; Lc 11, 29-32)

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta nhìn thấy nhiều loại dấu hiệu, nhất là dấu hiệu chỉ đường hoặc dấu hiệu mà bạn bè hoặc người thân tạo ra với nhau. Tự bản chất, dấu hiệu không có ý nghĩa trong chính nó vì nó chỉ là “phương tiện” để đưa chúng ta đến một thực tại mà nó chỉ đến. Khi chúng ta đạt đến thực tại, chúng ta không cần dấu hiệu nữa. Thật vậy, không ai đã đến Sài-gòn mà còn đi tìm những dấu hiệu chỉ đường đi Sài-gòn. Chúng ta có thể nói rằng, điều này đúng trong lãnh vực giao thông hoặc đời sống xã hội. Còn trong đời sống thiêng liêng, nhất là trong tương quan với Thiên Chúa, thì nhiều khi không như thế, vì chúng ta có thể đã được Thiên Chúa đưa đến thực tại rồi mà chúng ta vẫn còn loay hoay đi tìm dấu chỉ. Giống như một tu sĩ được sai đến sống trong một cộng đoàn và trong khi đã sống trong cộng đoàn đó vẫn còn loay hoay đi tìm ý Thiên Chúa: Lạy Chúa, đâu là dấu chỉ cho con biết đây là nơi Ngài muốn con phải đến và làm việc! Đây chính là bối cảnh để chúng ta suy gẫm lời Chúa hôm nay.

Lời Chúa hôm nay tập trung vào dấu lạ của ông Giôna. Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta hành trình biến đổi, của sự sám hối của dân thành Ninivê. Chúng ta có thể chia bài đọc 1 ra làm ba phần: (1) sứ điệp cho dân thành Ninivê qua ông Giôna (Gn 3, 1-4); (2) phản ứng của dân thành Ninivê (Gn 3, 5-9); (3) và phản ứng của Đức Chúa (Gn 3, 10).

Thứ nhất, sứ điệp cho dân thành Ninivê qua ông Giôna là: “Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi.” Ông Giôna đứng dậy và đi Ninivê, như lời Đức Chúa phán. Ninivê là một thành phố cực kỳ rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đường. Ông Giôna bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: ‘Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ’” (Gn 3, 1-4). Chúng ta thấy ở đây xuất hiện con số 40, và chúng ta có thể nói đây là biểu tượng của Mùa Chay. Số thời gian mà Đức Chúa ban cho thành Ninivê là 40 ngày để thay đổi. Và đây chính là sứ điệp của Mùa Chay: là thời gian của thay đổi, của canh tân và trở về với Chúa, nếu không sẽ phải đón nhận sự “trừng phạt” từ Đức Chúa. Chúng ta cũng như dân thành Ninivê, chúng ta cũng được ban cho thời gian của Mùa Chay này để thay đổi và trở về với Thiên Chúa. Đừng để thời gian Mùa Chay này trôi qua mà chúng ta không gần Chúa và gần nhau hơn.

Thứ hai, phản ứng của dân thành Ninivê (Gn 3, 5-9): “Dân Ninivê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. … Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình. Biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại, chẳng bỏ ý định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ, khiến chúng ta khỏi phải chết’.” Dân thành Ninivê mau mắn đáp lại lời mời gọi sám hối của Thiên Chúa qua Giôna. Họ thay đổi lối sống và hành vi của mình. Chúng ta cần học nơi dân thành Ninivê, phải thay đổi “ngay lập tức”. Đừng để đến ngày mai để thay đổi khi chúng ta có thể làm ngày hôm nay.

Thứ ba, phản ứng của Đức Chúa (Gn 3, 10): “Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, và đã không giáng xuống nữa.” Có người nói rằng: Thiên Chúa “không hoàn hảo” vì Ngài cũng có “điểm yếu.” Điểm yếu của Thiên Chúa chính là Ngài quá yêu chúng ta, nên dù chúng ta có lỗi phạm đến Ngài bao nhiêu đi nữa, nhưng khi chúng ta chạy đến với Ngài và tỏ lòng thống hối xin tha thứ là Ngài tha thứ ngay cho chúng ta. Còn chúng ta thì sao? Khi anh chị em chúng ta lỗi phạm đến chúng ta và tỏ lòng “thống hối,” chúng ta có tha thứ ngay cho họ không? Hãy học nơi Thiên Chúa sự sẵn sàng tha thứ cho người khác. Dù người khác không đến nói lời xin lỗi, nhưng họ chỉ tỏ ra hối hận qua hành động thay đổi của họ, thì chúng ta phải tha thứ cho họ ngay. Đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn!

Trong trình thuật Tin Mừng, Thánh Luca mô tả một dấu lạ khác của việc lắng nghe lời Chúa với lòng ăn năn sám hối. Những kẻ chống đối Chúa Giêsu nghĩ về dấu lạ đơn giản như một phép lạ, một việc phi thường. Tuy nhiên, Chúa Giêsu nói về dấu lạ như một cách thức đạt đến ơn cứu độ, và có thể nói, giống như thập giá, dẫn đến một cuộc biến đổi bên ngoài cách thần kỳ: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna. Quả thật, ông Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy” (Lc 11, 29-30). Trong những lời này, chúng ta thấy Thánh Luca không quan tâm đến việc Giôna ở trong bụng cá ba đêm ngày. Điều thánh sử quan tâm là với lời rao giảng của Giôna về lời của Thiên Chúa như là một dấu lạ, thì dân thành Ninivê sám hối. Thật vậy, sức mạnh của lời Chúa trong lời rao giảng của Giôna đã được chứng minh bằng sự hoán cải của toàn thành Ninivê. Nơi Chúa Giêsu, quyền năng vĩ đại hơn của Thiên Chúa hiện diện. Như thế, những người thuộc thế hệ của Chúa Giêsu [và thế hệ thánh sử] phải lắng nghe và giữ lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Đây cũng là lời mời gọi cho mỗi người chúng ta, những người thường đi tìm dấu lạ ngoài Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài.

Thánh Luca đưa chúng ta ra khỏi dấu lạ của Giôna bằng cách hướng chúng ta về hai hình ảnh Salômôn và nữ hoàng Phương Nam: “Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn; mà đây thì còn hơn vua Salômôn nữa” (Lc 11, 31). Hai hình ảnh này cũng được Thánh Luca sử dụng để so sánh sự khác biệt lớn lao giữa khôn ngoan của Salômôn và của Chúa Giêsu. Sự khôn ngoan của Salômôn là một món quà từ Thiên Chúa, hay nói đúng hơn là được chia sẻ trong sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Trong khi đó, Chúa Giêsu chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Điều này khuyến cáo chúng ta rằng, nhiều lần chúng ta đi tìm sự khôn ngoan của con người và nơi con người hơn là tìm sự khôn ngoan của Thiên Chúa và nơi Thiên Chúa. Để có sự khôn ngoan của Thiên Chúa, chúng ta phải đến với Chúa Giêsu và trở thành môn đệ của Ngài để thi hành thánh ý Chúa Cha.

Bài Tin Mừng kết thúc bằng việc đưa chúng ta về lại với Giôna và dân thành Ninivê, nhưng đặt trong sự so sánh với Chúa Giêsu và những người thuộc thế hệ Ngài trong bối cảnh của cánh chung: “Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ninivê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa” (Lc 11, 32). Trong những lời này, chúng ta đọc thấy sứ điệp Chúa Giêsu muốn nói với những người thế hệ của Ngài, và đây cũng là sứ điệp quan trọng để giúp chúng ta đối diện với ngày Phán Xét, đó là sám hối: Sám hối [metanoia] là thay đổi tận căn lối suy nghĩ, cái nhìn, cách hành động, cách yêu thương. Nói tóm lại, chúng ta phải thay đổi lối sống của chúng ta cho xứng hợp với lời dạy của Chúa Giêsu, thì chúng ta sẽ đứng vững trong cuộc Phán Xét.

Hoa Ven Đường

Check Also

Cộng đoàn Mân Côi Bùi Đệ – Trường Mầm non Rosa

Cộng đoàn Mân Côi Bùi Đệ – Trường Mầm non Rosa        Chắp cánh yêu …