Thương nhớ Bác Cồ

Thương nhớ Bác Cồ

Ngày này năm trước em nghe tin báo buồn, Bác được Chúa gọi về mà lòng thấy bàng hoảng sửng sốt.

Ngày này năm nay khi nhìn bảng tin ghi ý cầu nguyện cho linh hồn Bác Mến giỗ 1 năm mà em thấy sửng sốt bàng hoàng vì mới đó mà đã một năm trôi qua rồi.

Thời gian sao nhanh quá là nhanh vậy cơ chứ!

Em nhớ ngày em bước chân vào nhà dòng, hình ảnh Bác xuất hiện lần đầu trong tâm trí em là một nữ tu với dáng người “đỡ thon”. Bác thường mặc chiếc áo đen chấm bi trắng, bên vai phải vá một miếng vải “khác loại đồng mầu”. Tuy nó không lộ rõ là áo vá nhưng nhìn là biết đó không phải là thiết kế ban đầu của chiếc áo. Mỗi lần đi làm việc bổn phận, Bác lại đội chiếc nón Huế cũ kỹ mỏng tèo tèo, quai nón là chiếc khăn mùi xoa, đồng thời giữ luôn nhiệm vụ làm khẩu trang chắn bụi. Bác đơn giản hết sức trong cách sống nhưng lại “có dư” lòng mộ mến Đức Trinh Nữ Maria- Mẹ Diễm Phúc. Bất kể lúc nào gặp Bác, mọi người đều thấy Bác cầm cỗ tràng hạt trên tay.

Em nhớ lắm ngày hôm đó, em được phân công đi hái mấy chùm sấu ngoài bệnh xá. Em loay hoay mãi không biết đặt chiếc thang sắt vào đâu cho hợp lý vì có một đống đá ngay bên cạnh gốc cây, rất khó “sắp xếp trận địa” sao cho thuận tiện để vừa hái được quả mà không bị ngã. Nhìn thấy em vụng về quá, Bác lại gần nói em cứ để chiếc thang gần vào thân cây rồi một chân đứng trên thang, còn một chân đứng lên vai Bác. Em ngại ngùng một hồi rồi cũng đành làm theo vì không còn cao kiến nào hay hơn. Không ngờ đôi vai của Bác ở tuổi đã quá ngũ tuần mà vẫn “gánh đỡ một bông hồng xinh tươi” nặng đến 60 cân như thế.

Sau vụ hái sấu đình đám đó, em còn được Bác quan tâm, giúp đỡ nhiều vụ khác nữa. Bác luôn hỏi thăm và động viên em cố gắng “tu cho hẳn hoi”. Bác dặn em làm gì cũng phải bám lấy Chúa và bám lấy tay Đức Mẹ. Lần nào gặp Bác cũng căn dặn chỉ bằng đấy chuyện. Và rồi, sau một lần căn dặn cũng nội dung như thế em nghe Bác nói cầu nguyện cho Bác…. Bác đang phải vượt qua biển đỏ của cuộc đời với căn bệnh nan y. Nói Bác bệnh, ai cũng thấy ngạc nhiên và thêm “xác tín” vào chữ “không ngờ”. Mọi người kể hồi còn trẻ, trong nhà dòng Bác là người chuyên làm những công việc mà các đấng nam nhi vẫn làm. Đi cày, cuốc đất…những công việc nặng nhọc đều có mặt Bác. Vậy nên có lẽ vì thế mà Bác được gọi với cái tên rất thân thương “BÁC CỒ”, nhiều người gọi Bác là GÔ-LI-ÁT nữa.

Thời gian chiến đấu với bệnh tật, Bác tự thân vận động mà không cần ai phải giúp. Bác không muốn phiền mọi người vì Bác nghĩ mình vẫn đủ sức để lo được cho bản thân. Thế rồi theo phác đồ điều trị, cứ đến lịch hẹn là Bác lại khăn gói “tiến lên thành Giêrusalem” chịu đau thương cùng Chúa với những lần xạ trị, truyền máu, xét nghiệm…đủ kiểu.

Ai cũng phải thán phục với ý chí vượt khó của Bác. Có lẽ Chúa đã chuẩn bị cho Bác một sức khoẻ bền dẻo của thời bẻ gãy sừng trâu để bây giờ Bác đủ sức vác Thánh giá bệnh tật của mình. Người ta nhìn thấy sức dẻo của Bác qua nụ cười lạc quan, nói chuyện vui và động viên các bệnh nhân cùng phòng. Người ta nhìn thấy sức dẻo của Bác qua những thánh lễ, giờ kinh với lời thưa đáp rất sốt sắng. Người ta nhìn thấy sức dẻo của Bác qua những chén cơm ly nước Bác ăn rất ngon miệng mặc dù độ dinh dưỡng của nó không cao. Người ta nhìn thấy sức dẻo của Bác khi Bác vẫn tham gia chạy mưa, thu thóc với nhóm tập sinh, với đoàn học viện. Và người ta nhìn thấy sức dẻo của Bác trước cuộc giao tranh của sự sống và cái chết.

Bác Cồ à! Với tất cả những hy sinh vất vả và những công trạng mà Bác đã làm cho Hội Dòng, cho tha nhân và cho các linh hồn, em tin Chúa đã “ưng ý gật đầu” và đón nhận Bác vào hưởng vinh phúc với Ngài.

Bác Cồ ơi! Khi được hưởng nước thiên đàng xin Bác nhớ đến Mẹ Dòng, nhớ đến hết thảy mọi người còn đang vất vưởng nơi thế trần này trong đó có cả em nữa.

Em xin “ kính tặng” Bác nén hương trầm tỏ lòng mến mộ và tri ân về tất cả những điều em đã học được nơi Bác.

TRẦN TRẦN, FMSR

Check Also

TÂM TÌNH THƠ MỌN BÊN CHA

TÂM TÌNH THƠ MỌN BÊN CHA                    …