THIÊN CHÚA YÊU THẾ GIAN

Ghen tức là một cảm xúc mà ai ai cũng có. Khi ghen tức, chúng ta không còn nhìn mọi sự cách sáng suốt, hay nói đúng hơn, chúng ta không còn nhìn mọi sự theo cách nhìn của Chúa. Khi ghen tức ai, chúng ta chỉ tìm mọi cách để “làm hại” người đó. Điều này đã xảy ra cho Chúa Giêsu và trong bài đọc 1 hôm nay chúng ta cũng thấy xảy ra cho các Tông Đồ: “Bấy giờ, vị thượng tế cùng tất cả những người theo ông – tức là phái Xađốc – ra tay hành động. Đầy lòng ghen tức, họ bắt các Tông Đồ, nhốt vào nhà tù công cộng” (Cv 5, 17-18). Vì ghen tức mà vị thượng tế và những người theo phái Xađốc bắt nhốt các Tông Đồ vào ngục. Tuy nhiên, kinh nghiệm dạy chúng ta rằng: những người ghen tức là những người nếm mùi cay đắng của sự ghen tức. Thay vì tống người khác vào tù, họ tự tống mình vào tù. Những người ghen tức với người khác là những người không biết chính mình. Họ luôn sống trong lo sợ nên không bao giờ có bình an.

Tuy nhiên, chúng ta thấy ở đây nhà tù mà con người lập ra không thể giam cầm những người làm chứng cho đời sống mới trong Đức Kitô phục sinh. Chính Thiên Chúa sẽ giải thoát các chứng nhân của Ngài khỏi sự cầm tù của những người ghen tức họ.

Thánh Gioan trình bày cách rõ ràng cho chúng ta mục đích Chúa Cha sai Con Một đến trong thế gian trong bài Tin Mừng hôm nay. Thánh sử đã đưa vào trong cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với Nicôđêmô câu chuyện nói về việc Chúa Cha sai Con Một đến để mang sự sống cho thế gian. Chúng ta không thể không cảm thấy hạnh phúc và an ủi khi nghe những lời đầy yêu thương này: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Động lực để Thiên Chúa sai Con Một của Ngài là vì yêu chúng ta. Tự bản chất, Thiên Chúa là tình yêu, nên tất cả những gì Ngài làm cũng đều phát xuất từ tình yêu. Những gì phát xuất từ tình yêu luôn mang lại niềm vui và sự sống. Tình yêu luôn vượt qua sự chết và đau khổ. Nhìn từ khía cạnh này chúng ta hiểu được phần nào ý nghĩa của những lời trên. Tuy nhiên, để được sự sống muôn đời, chúng ta cần phải tin vào Con Một Thiên Chúa, là ‘sự nhập thể của tình yêu Thiên Chúa’ cho con người có thể đụng chạm đến và cảm nghiệm cách cụ thể qua đời sống thường ngày.

Đề tài đức tin trở nên tâm điểm của bài Tin Mừng: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3,17-18). Đức tin sẽ là tiêu chuẩn để phân biệt người bị lên án hoặc không bị lên án. Ở đây, chúng ta thấy một câu khẳng định mang tính Kitô học, đó là ơn cứu độ chỉ có được nơi Đức Kitô. Chính niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng yêu thế gian đến nỗi ban con một của mình là điều mang lại cho chúng ta sự an ủi và cũng là một thách đố cho chúng ta. An ủi vì chúng ta biết Thiên Chúa luôn yêu chúng ta và mọi sự Ngài làm cho chúng ta xuất phát từ tình yêu vô bờ bến của Ngài; thách đố vì chúng ta được mời gọi sống xứng đáng với tình yêu đó để không phải bị lên án. Thông thường, chúng ta nghĩ rằng đức tin là một cái gì đó rất trừu tượng. Thật ra, đức tin là ‘sự gặp gỡ cá vị giữa tôi với Chúa.’ Chính trong cuộc gặp gỡ cá vị này mà chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa, cũng như qua đó chúng ta diễn tả tình yêu của mình dành cho Ngài. Tóm lại, chính việc gặp gỡ Chúa Giêsu mỗi ngày sẽ giúp chúng ta hiểu được tình yêu của Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng kết thúc với hình ảnh quen thuộc trong Tin Mừng, đó là sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối: “Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (Ga 3, 19-21). Như chúng ta biết, ánh sáng là một trong những biểu tượng quan trọng trong đêm vọng phục sinh và trong mùa phục sinh. Ánh sáng từ cây nến phục sinh, từ chính Chúa Giêsu phục sinh soi chiếu cho ta “biết bao điều cảm mến sướng vui.” Chính trong ánh sáng của Chúa Giêsu phục sinh mà chúng ta có thể phân biệt được bóng tối của sự chết, của con người cũ đang còn lại trong chúng ta. Thánh Gioan chỉ rõ cho chúng ta thấy ai là người sống trong ánh sáng phục sinh, đó là những người mà việc làm của họ không bị chê trách. Họ là những người luôn sống theo sự thật, nơi họ không có một dấu tích gì của Satan, cha của những kẻ gian dối. Là những người đang sống trong ánh sáng phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta hãy thực hiện tất cả mọi việc của mình trong Thiên Chúa, tức là trong tình yêu.

Hoa Ven Đường

Check Also

Cộng đoàn Mân Côi Bùi Đệ – Trường Mầm non Rosa

Cộng đoàn Mân Côi Bùi Đệ – Trường Mầm non Rosa        Chắp cánh yêu …