THÁNH THẦN LUÔN ĐỒNG HÀNH VỚI CHÚNG TA

Một hình ảnh thật cảm động được trình bày trong bài đọc 1 hôm nay, đó là việc Phaolô và Xila rao giảng Tin Mừng ngay cả trong lúc bị chống đối, đánh đòn và bị lao tù. Các ngài cảm hoá ngay cả viên cai ngục, người “tống hai ông vào phòng giam sâu nhất và cùm chân lại” (Cv 16, 24), hay nói đúng hơn là “kẻ thù” của hai ông. Chính thái độ “lấy ơn báo oán” của các ngài đã cải hoá người cai tù và gia đình ông. Ai trong chúng ta cũng muốn cải hoá người khác, nhất là những người mà chúng ta cho là không tốt, những người làm chúng ta phải rơi lệ. Nhưng cách thức chúng ta cảm hoá họ đôi khi mang tính cách “trả thù” và với thái độ “trịch thượng và dạy đời” hơn là tỏ cho họ sự hiền dịu, yêu thương và tha thứ của Thiên Chúa. Lời mời gọi của Chúa Giêsu cho các môn đệ, hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho những kẻ ghét các con, là một trong những đặc tính của những người Kitô hữu. Chúng ta cần phải tận dụng mọi cơ hội để tỏ cho người khác tình yêu và niềm vui được biết và tin vào Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu trình bày cho chúng ta một cách rõ ràng hơn vai trò của Chúa Thánh Thần trong tương quan với thế gian và các môn đệ. Trước hết, Chúa Giêsu giải thích cho các môn đệ lý do làm các ông phải ưu phiền: “Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy, và không ai trong anh em hỏi: ‘Thầy đi đâu?’ Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nên lòng anh em tràn ngập ưu phiền” (Ga 16, 5-6). Lúc này các môn đệ biết Chúa Giêsu sắp về với Chúa Cha nên tỏ ra ưu phiền. Đó là điều tự nhiên của con người. Chúng ta cũng thế, khi chia tay một người chúng ta yêu mến, chúng ta cũng ưu phiền “đến chết được”. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta thường đau buồn khi chúng ta chia tay với con người. Còn khi “chia tay” với Chúa lúc chúng ta “phạm tội”, chúng ta không mấy đau buồn. Nhiều người trong chúng ta còn sống lì trong tình trạng tội lỗi của mình. Hãy ưu phiền khi chúng ta “mất Chúa” hơn là khi chúng ta “mất của”.

Tiếp đến, Chúa Giêsu nói cho các môn đệ về ích lợi cho họ khi Ngài về với Chúa Cha: “Song, Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16, 7). Từ những lời này, Chúa Giêsu muốn trấn an và làm dịu nỗi ưu phiền của các môn đệ. Một lần nữa, chúng ta thấy Chúa Giêsu rất tâm lý: Ngài nói cho các môn đệ về mối lợi mà các ông sẽ có khi Ngài ra đi về với Chúa Cha. Thường những người gặp ưu phiền rất cần những lời khích lệ và động viên để giúp họ nhận ra được “mối lợi” ẩn sau những ưu phiền của họ. Chúng ta có làm được điều này không? Hay những lời nói của chúng ta càng làm cho họ mất đi sự bình an của tâm hồn hoặc chỉ nhìn thấy mối lợi về vật chất hơn là mối lợi thiêng liêng được ẩn dấu trong Thiên Chúa.

Cuối cùng, Chúa Giêsu giải thích cho các môn đệ về vai trò của Chúa Thánh Thần trong tương quan với thế gian: “Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử: về tội lỗi: vì chúng không tin vào Thầy; về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa; về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi” (Ga 16, 8-11). Trong những câu này, chúng ta thấy vai trò của Chúa Thánh Thần là chứng minh sự sai lầm của thế gian. Ngài kêu gọi họ “đừng xét đoán theo bề ngoài nữa, nhưng hãy xét đoán công minh”. Phía sau câu này là lời mời gọi đừng xét đoán, để chúng ta khỏi bị Thiên Chúa xét đoán. Tóm lại, qua ba điều Chúa Thánh Thần chứng minh cho thế gian, chúng ta rút ra điều đáng suy gẫm sau: Chúng ta được mời gọi tin vào Chúa Giêsu, và niềm tin này được diễn tả trước hết qua việc tìm kiếm và thực hành thánh ý Chúa và không xét đoán anh chị em.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp chúng con thổi bùng lên ngọn lửa hiện diện của Chúa trong cuộc sống chúng con. Xin cho chúng con đón nhận trọn vẹn Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Giêsu đã hứa ban. Amen.

Hoa Ven Đường

Check Also

TẶNG PHẨM TÌNH YÊU

   Tình yêu luôn là một đề tài muôn thuở. Có biết bao tác phẩm …