Trong các mùa của Năm Phụng Vụ, Mùa Chay là mùa ý nghĩa nhất đối với mọi người Kitô giáo. Mùa Chay bắt đầu từ ngày thứ Tư Lễ Tro và kết thúc vào thứ Bảy Tuần Thánh trước Chủ Nhật của lễ Phục Sinh. Là mùa mỗi người nhìn lại chính mình, tâm hồn chìm lắng, để xét mình, ăn năn tội lỗi, giao hòa với Thiên Chúa và giao hòa với tha nhân. Như trong sách Giôen viết: “hãy hết lòng trở về với Chúa, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van, Đừng xé áo, nhưng hãy xé áo lòng”(Ge 2,12-13). Lời tâm tình của bài hát đã thúc dục, đánh động bạn và tôi phải làm thế nào và sống ra sao, để mùa chay đến với tôi, tôi được biến đổi và nhất là đã thức tỉnh gì để sống tâm tình trọn vẹn của ý nghĩa Mùa Chay Thánh.
Mùa Chay thật lạ không giống như các mùa khác, theo sự quan sát ta thấy Phụng Vụ trong Thánh Lễ và các Giờ Kinh Phụng Vụ không có Alleluia. Trên Bàn Thánh, Cha Chủ Tế mặc áo màu tím và không chưng hoa trên bàn thờ, chỉ dùng nhạc cụ để đệm hát mà thôi, trừ Chúa Nhật IV và các ngày Lễ trọng cùng Lễ kính. Có thể dùng màu hồng trong Chúa Nhật IV. Trong các bài Tin Mừng hay các bài Thánh ca của Mùa Chay đều mang ý nghĩa hãy thống hối, sự trở về, cầu nguyện và tình thương xót bao la của Thiên Chúa. Ngay cả trong các việc đạo đức bình dân như ngắm 15 sự thương khó Đức Chúa Giêsu, đi đàng Thánh Giá, suy niệm cuộc thương khó của Chúa ….Tất cả đều diễn tả tâm tình của Mùa Chay, nhằm chuẩn bị cho chúng ta sống mầu nhiệm cuộc Thương khó của Chúa Giêsu, đón nhận cái chết và mừng ngày Phục sinh của Người. Ngoài ra, Mùa Chay còn nhắc cho chúng ta thời gian 40 đêm ngày Chúa ăn chay cầu nguyện, trước khi công khai ra truyền đạo, để mặc khải cho nhân loại sứ mệnh cứu nhân độ thế của Người.
Với sứ điệp Mùa chay năm nay của Đức Thánh Cha Phaxicô được công bố tại Phòng báo chí Tòa Thánh vào sáng thứ Năm 24/02, có chủ đề:“Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu chúng ta không sờn lòng. Vậy bao lâu còn cơ hội, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Gl 6, 9-10a). Hội thánh muốn đón nhận sứ điệp cứu độ với một tấm lòng quảng đại đặc biệt. Chúng ta hay luôn sống tốt, giúp đỡ, chia sẻ và động viên và nhất là sống tình huynh đệ bác ái, phục vụ. Vì thế, Hội thánh rất chú ý lắng nghe những lời của Chúa Kitô loan báo Nước Thiên Chúa. Lời nói cuối cùng của Người chính là cái chết trên cây Thập Tự để làm lễ giao hòa chúng ta với Thiên Chúa. Nên Mùa Chay vẫn luôn mời gọi chúng ra thực hành với 3 điều:
Thứ nhất là cầu nguyện. Trong Tin Mừng, rất nhiều lần Đức Giêsu nói đến cầu nguyện và gắn liền với cầu nguyện. Phải cầu nguyện, liên kết mật thiết với Thiên Chúa chúng ta mới được biến đổi, vì nhờ cầu nguyện, con người chúng ta được lay động thức tỉnh. Và từ đó, chúng ta nhìn ra những điều gì cần phải thay đổi trong đời sống của mình để ăn năn hối cải. Trong Mùa Chay, chúng ta phải cầu nguyện, cố gắng cầu nguyện, tìm thời giờ và những nơi để cầu nguyện. Nhất là cầu nguyện cho những người không có giờ đến với Chúa, những bệnh nhân đang đau ốm và nhiễm covid 19 và những người chúng ta có bổn phận cầu nguyện cho họ.
Thứ hai là ăn chay, ai cũng biết ăn chay là giữ gìn thân xác trong sạch bằng cách tuân giữ các luật lệ và giảm bớt ăn uống, chi tiêu, không chỉ dừng lại điều đó mà chúng ta ăn chay lòng, chay tâm hồn, lời nói, cử chỉ, ánh mắt để diễn tả tâm tình của chúng ta sống mùa Chay Thánh cách tốt đẹp. Như trong bài Kinh Tiền Tụng thứ III của Mùa Chay đã tìm được lời lẽ thích hợp để nói lên điều đó như sau: “Cha dạy chúng con là những kẻ tội lỗi phải ăn chay hãm mình, làm của lễ hy sinh đền tạ. Như vậy, chúng con vừa bớt được tính kiêu căng, vừa biết noi gương Cha từ bi nhân hậu, mà chia cơm xẻ áo cho kẻ đói nghèo…”
Thứ ba là bố thí. Làm việc bác ái trao ban là cử chỉ đẹp đối với người kitô hữu, khi chúng ta trao ban của cải vật chất cho những người kém may mắn hay người thiếu thốn của ăn áo mặc, chúng ta không chỉ dừng lại điều đó mà chúng ta còn phải trao ban sự chân thành, tình yêu thương của Chúa cho họ. Chính vì thế, chúng ta phải tỏ ra cởi mở đối với người khác, biết nhận ra những nhu cầu của họ và cảm thông những nỗi đau buồn của họ, đồng thời tìm cách đáp ứng những nhu cầu đó và làm cho những nỗi đau thương của họ vơi nhẹ đi.
Trong Mùa Chay, chúng ta thường nghe đọc: “Đây là lúc Chúa thi ân, đây là ngày Chúa cứu độ.” Vậy chúng ta hãy tận dụng thời gian này vì là thời thuận tiện và là thời Chúa ban ơn để chúng ta sám hối và tin vào Tin Mừng như Chúa dạy: “Thời kỳ đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào tin Mừng” (Mc 1, 15). Do vậy, Mùa Chay là mùa rất ý nghĩa với chúng ta, là mùa để chúng ta có điểm dừng lại và nhìn nhận ra những điều chưa tốt trong bản thân mình, sự yếu hèn trong con người, và những điều mà Giáo hội kêu gọi mà chúng ta chưa sống và thực hành được thì đây là lúc nhắc nhở, lời tỉnh thức dành cho mỗi người. Để Mùa Chay qua đi chúng ta không cảm thấy nuối tiếc mà qua đó chúng ta được lãnh nhận được ân sủng của Chúa và đem tình yêu của Chúa lan tỏa cho mọi người.
JC. Thầm Lặng. FMSR