Sứ Mạng Truyền Giáo – Sứ Mạng Tình Yêu

Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn một Giáo Hội đi ra ngoài là Giáo hội đến với nam nữ giáo dân và các hoàn cảnh cụ thể của thế giới để mang Tin Mừng đến bằng lời nói và hành động. Truyền giáo hay loan báo Tin Mừng là lý do cho sự tồn tại của Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng cũng nhấn mạnh một sự thật thiết yếu, truyền giáo phải phát sinh từ cuộc gặp gỡ sâu đậm với Chúa Giê-su, từ một kinh nghiệm đức tin và xác tín Chúa Giê-su yêu thương và cứu độ chúng ta, từ một trái tim tràn đầy niềm vui mà chỉ có Tin Mừng mới có thể mang lại, một trái tim được Chúa Thánh Thần lay động để chia sẻ với người  khác, để niềm vui của chúng ta và của họ được nên trọn vẹn (1Ga 1,4). Hơn nữa, người nữ tu có một “trái tim không ngủ yên” luôn bừng cháy nhiệt huyết phục vụ, luôn nồng nàn với ngọn lửa dấn thân. Không có Chúa Giê-su và không có Chúa Thánh Thần, truyền giáo không phải là sự tiến bước từ Chúa Cha. Nó trở thành một chương trình xã hội và dân sự, điều đó, tự chính nó có thể là tốt nhưng không thể là việc truyền giáo của Ki-tô giáo hay của Giáo hội đúng nghĩa thật của chữ truyền giáo. Chúng ta cần các nhà truyền giáo đích thực, chứ không chỉ là những người thợ.[1]

Ngoài ra, Hiến chế Gaudium et Spes nói lên sự liên kết của Giáo Hội với toàn thể gia đình nhân loại: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô”.[2] Lời Đức Cha tổ phụ dạy: “Riêng đối với các chị em Mân côi, sứ mệnh Tông đồ truyền giáo còn là nhiệm vụ tất yếu, phát xuất từ tinh thần bác ái của Dòng. Chị em được gọi để biểu lộ tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân bằng cách dâng hiến cuộc sống làm cho Nước Chúa trị đến và mọi người được hưởng ơn cứu độ”(NQ số. 252). Lời mời gọi làm chứng cho tình yêu mở ra cho người nữ tu Mân côi một sứ mạng thiết yếu, mời gọi từng chị em không ngừng ra đi đến với mọi nơi, mọi hoàn cảnh.

Lời mời gọi cấp bách hơn khi nhân loại đang nằm giữa đại dịch Corôna, Đức thánh Cha Phanxico trong bài giảng nhấn mạnh “Trong thời điểm khủng hoảng vì đại dịch này, sự gần gũi đòi hỏi chúng ta thể hiện nhiều hơn, gần gũi trong lời cầu nguyện và sự nâng đỡ”.[3] Con người sống trong sự cô lập, sự hận thù và chết chóc, nỗi bất an và lo sợ, tội ác và bạo lực, bất công và chiến tranh. Thế giới hôm nay đang chờ mong các người thánh hiến phản ánh cụ thể cách thức hành động của Đức Giê-su, tình yêu Người dành cho mỗi người không phân biệt, kỳ thị. Thế giới đang cần một trợ lực tình yêu và chia sẻ, quan tâm và thông cảm. Hơn lúc nào hết, đã đến lúc cần thổi bùng lên ngọn lửa chiếu tỏa chứng tá thánh thiện và bác ái nơi người thánh hiến để tình yêu của Đức Ki-tô sẽ được chứng thực giữa mọi người.

Thánh Phao-lô đã lên đường, ngài lên đường ra đi không biết mỏi mệt “miễn sao Lời Chúa được rao giảng” (Pl 1,18). Thật vậy, việc loan báo Tin Mừng lúc này của Giáo hội nói chung và các nữ tu Mân côi nói riêng, không được phép chần chừ, trì hoãn vì bất cứ lý do nào. Mọi không gian, thời gian, mọi biến cố, mọi sinh hoạt của con người đều là cơ hội, đều là dịp để Tin Mừng của Chúa đụng chạm, thấm nhập đến từng cá nhân, từng hoàn cảnh sống.

Tác giả bài viết: Giêrônimô Nguyễn

[1] https://phanxico.vn/2020/03/13/hong-y-tagle-bay-nam-voi-duc-phanxico-mot-du-ngon-gan-gui-voi-chua/

[2] Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 1, ngày 7.12.1965.

[3]https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-03/dtc-cau-nguyen-cac-nhan-vien-y-te-qua-doi-vi-virus-co.html?fbclid=IwAR2PQogoagn20zpodC6wVAk1ZTp8ngSB-n8w0EfrpijAWPHfzMCS3fUdi80.

Check Also

TẶNG PHẨM TÌNH YÊU

   Tình yêu luôn là một đề tài muôn thuở. Có biết bao tác phẩm …