Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội cử hành lễ Lòng Chúa Thương Xót. Vì vậy, chúng ta đến với Chúa hôm nay không phải để “xem” lễ, xem những gì xảy ra trong thánh lễ và trở về không có thay đổi nào trong cuộc sống. Chúng ta đến với Chúa trong thánh lễ này để cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa và đồng thời được mời gọi để diễn tả lòng thương xót của Chúa cho người khác, nhất là những người trong gia đình, trong khu xóm, trong giáo xứ của chúng ta. Đừng để lòng thương xót của Chúa trở nên vô hiệu trong cuộc đời của chúng ta. Muốn được như thế, chúng ta hãy để Lời Chúa hướng dẫn chúng ta.
Lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ cách trọn vẹn nơi Chúa Giêsu. Chúng ta thấy rõ điều này nơi thái độ của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ và nhất là với Tôma được trình bày trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta thấy bài Tin Mừng hôm nay được chia ra ba phần: (1) Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ; (2) Chúa Giêsu hiện ra với Tôma; (3) mục đích của Tin Mừng. Trong phần đầu, chúng ta thấy Thánh Gioan sử dụng câu chuyện truyền thống của Chúa Giêsu hiện ra cho các môn đệ ở Giêrusalem để chỉ ra rằng những lời hứa về việc Chúa Giêsu trở lại sẽ được hoàn thành trong ‘giờ’ Chúa Giêsu được tôn vinh. Chi tiết đầu tiên chúng ta có thể suy gẫm là món quà đầu tiên của Chúa Giêsu Phục Sinh cho các môn đệ: “Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” (Ga 20, 19). Thánh Gioan đã thêm vào câu chuyện chi tiết các môn đệ sợ người Do Thái để giới thiệu câu chuyện. Những chi tiết khác như việc Chúa Giêsu bất ngờ hiện ra giữa các ông và chúc các ông được bình an thì được tìm thấy trong truyền thống (x. Lc 24, 36). Trong chi tiết đầu tiên này, Thánh Gioan chỉ cho thấy không có gì có thể so sánh với món quà “bình an” giữa những lo lắng và sợ hãi của cuộc sống. Chỉ có món quà bình an mới có thể giúp cho họ nhìn thấy ý nghĩa của những gì đã xảy ra trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Đây chính là món quà mà Chúa Giêsu cũng ban cho mỗi người chúng ta trong những giây phút đau buồn. Chỉ có như thế, chúng ta mới hiểu hết được ý nghĩa của những đau khổ mình phải chịu. Điều này được Thánh Gioan trình bày qua việc Chúa Giêsu cho các môn đệ xem các vết thương của Ngài. Với món quà bình an, xem xong các “môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20, 20). Thật vậy, Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ biết rằng Đấng Phục Sinh cũng chính là Đấng Chịu Đóng Đinh. Điều này cũng là một phần của truyền thống (x. Lc 24, 39). Nhưng trong bối cảnh của Tin Mừng Thánh Gioan, chi tiết này nhằm mục đích trả lời cho câu hỏi: “Họ đã để Ngài ở đâu?” “Họ đã không để thân thể Chúa Giêsu ở đâu cả. Thân thể Ngài được đưa vào trong vinh quang thiên đàng của Chúa Giêsu Phục Sinh. Điều này mang lại niềm vui cho các môn đệ. Niềm vui của các môn đệ là sự hoàn thành của lời hứa mà Chúa Giêsu đã nói, niềm vui của họ sẽ được canh tân và nên trọn vẹn (x. Ga 14, 27).
Trong phần 1, chúng ta cũng nghe về việc chúa Giêsu sai các môn đệ đi để mang sứ điệp tha thứ đến cho mọi người: “Người lại nói với các ông: ‘Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.’ Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ’” (Ga 20, 21-23). Để trở thành người được sai đi mang sứ điệp tha thứ, các môn đệ cần món quà bình an qua sự hiện diện của Thánh Thần. Bình an là một món quà được hứa ban cho các môn đệ (x. Ga 14, 27). Theo các học giả Kinh Thánh, sự sai đi trong Tin Mừng Thánh Gioan có thể được áp dụng cho toàn bộ cộng đoàn những người tin chứ không chỉ một nhóm cụ thể nào trong cộng đoàn, ví dụ như nhóm Mười Hai. “Quyền” tha thứ có thể được diễn tả qua việc trao ban Thánh Thần trên những ai tin như là kết quả của sứ vụ của các môn đệ và những ai gia nhập cộng đoàn hơn là quyền để đối xử với những thành viên phạm tội trong cộng đoàn. Chi tiết này cho thấy, chỉ những người có sự bình an của Chúa Phục Sinh mới trở nên khí cụ hữu hiệu để mang ơn tha thứ đến cho người khác. Nói cách cụ thể hơn, chỉ những người cảm nghiệm được sự bình an đến từ sự hiện diện của Thánh Thần, Đấng thánh hoá và tha thứ mọi tội lỗi của họ, mới có thể hiểu được ý nghĩa của sự tha thứ và như thế trở nên nhân chứng của sự tha thứ.
Phần 2 trình bày cho chúng ta hành trình cá vị hoá đức tin của mỗi người qua hình ảnh của Tôma. Nhiều người trong chúng ta sống theo số đông: ai làm gì, tôi làm đó; ai tin gì, tôi tin đó mà không biết cá vị hoá đức tin của mình. Nói cách khác, một người có đức tin vững mạnh là người biến những gì “chúng tôi tin” thành những gì “tôi tin”. Chúng ta thấy Tôma không dễ dàng tin những điều các môn đệ khác nói: “Các môn đệ khác nói với ông: ‘Chúng tôi đã được thấy Chúa!’ Ông Tôma đáp: ‘Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin’” (Ga 20, 25). Chúng ta thường cho rằng Thánh Tôma là ông thánh nghi ngờ. Không phải vậy! Hành trình đức tin của Thánh Tôma là hành trình đức tin của mỗi người chúng ta. Nhất là trong Tin Mừng của mình, qua hình ảnh Thánh Tôma, Thánh Gioan muốn tóm kết là những đặc điểm chính trong hành trình đức tin mà thánh sử đã trình bày qua nhiều hình ảnh trong Tin Mừng. Hành trình đức tin này bao gồm những đặc tính sau: (1) Lời mời gọi trở thành người tin để đón nhận món quà bình an: “Rồi Người bảo ông Tôma: ‘Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin’” (Ga 20, 27); (2) Thánh Tôma tuyên xưng đức tin: “Ông Tôma thưa Người: ‘Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!’” (Ga 20, 28); (3) và phúc lành cho những ai qua ông mà tin: Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!’” (Ga 20, 29). Tóm lại, hành trình đức tin bao gồm: lời mời gọi – tuyên xưng – sai đi làm chứng nhân. Như vậy, đức tin không phải là một cái gì chết, nhưng là một động lực sống động hay đúng hơn là sức mạnh làm cho chúng ta trở nên những chứng nhân của bình an và sự tha thứ mà Chúa Giêsu Phục Sinh đã mang lại cho chúng ta.
Bài Tin Mừng kết thúc với việc trình bày mục đích của Tin Mừng: “Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20, 30-31). Mục đích của Tin Mừng là viết lại những “dấu lạ” Chúa Giêsu đã thực hiện. Nhưng những dấu lạ này đưa người xem đến đức tin vào Chúa Giêsu như là Đấng Kitô và là Con Thiên Chúa. Đức tin này chính là suối nguồn của sự sống đời đời (x. Ga 3, 15-16, 36). Trong bối cảnh Tin Mừng Thánh Gioan, việc Chúa Giêsu Phục Sinh có thể được hiểu là “dấu lạ” cuối cùng trong tương quan của Ngài với Chúa Cha, mặc dù thánh sử dường như giới hạn những dấu lạ vào các phép lạ được thuật lại trong phần đầu của Tin Mừng như lời chứng của Chúa Giêsu trước thế gian rằng Ngài là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta rằng lời Chúa chứa đựng thức ăn nuôi dưỡng đức tin chúng ta vào Đức Kitô, đồng thời mang lại cho chúng ta sự sống đời đời. Đây chính là mục đích tối hậu của lòng thương xót Chúa dành cho mỗi người chúng ta.
Hoa Ven Đường