Trong Mùa Chay, phụng vụ Giáo Hội cử hành long trọng hai lễ mừng kính hai người có liên quan đặc biệt đến cuộc đời Chúa Giêsu trên trần thế, đó là Thánh Giuse và Mẹ Maria. Thánh Giuse được mừng kính trọng thể vào ngày 19 tháng 3 vừa qua, và sau một tuần, Giáo Hội mừng kính long trọng lễ Truyền Tin. Lễ Truyền Tin cử hành hôm nay được tính từ lễ Giáng Sinh (ngày 25 tháng 12) để nêu lên lý do Chúa Giêsu được Mẹ Maria cưu mang 9 tháng trong dạ như bao nhiêu người khác. Tuy nhiên, khi cử hành hai lễ này trong Mùa Chay, Giáo Hội muốn chúng ta nhìn lên các ngài để học ở các ngài những thái độ cần thiết để đón nhận Chúa Giêsu vào cuộc đời mình. Các ngài cũng đã phải trải qua hành trình “sám hối”, thay đổi kế hoạch sống của riêng mình, thay đổi lối sống, lối suy nghĩ để đón nhận kế hoạch của Thiên Chúa. Đây chính là điều Giáo Hội muốn chúng ta thực hiện trong Mùa Chay.
Chúng ta có thể nói rằng, bài Tin Mừng hôm nay được chia làm hai phần: phần đầu là lời mở đầu của người dẫn và phần hai nói về cuộc đối thoại giữa Thiên Thần Gabriel và Mẹ Maria. Thông thường, mỗi khi nghe đoạn Tin Mừng này, chúng ta tập trung vào lời ‘Fiat” của Mẹ Maria vì câu này đã gợi hứng cho nhiều người bước theo Chúa, nhất là trong đời sống thánh hiến, cũng như khi chịu đau khổ thử thách trong cuộc sống; câu này cũng đã là nguồn cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ, thi sĩ, hoạ sĩ và điêu khắc. Tuy nhiên, lời “Fiat” của Mẹ Maria là đỉnh cao và là đích đến của một quá trình tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa. Mẹ không “xin vâng” theo kiểu mù quáng. Lời “xin vâng” của Mẹ là kết luận của điều mà thần học khẳng định: “đức tin đi tìm sự hiểu biết.” Chúng ta cùng nhau phân tích hành trình đức tin đi tìm sự hiểu biết này của Mẹ qua những phản ứng rất tự nhiên của Mẹ để rút ra những bài học quý giá cho hành trình đức tin của chúng ta.
Phản ứng thứ nhất: Mẹ bối rối và tự hỏi về lời chào của Thiên Thần. Mẹ bối rối vì tình yêu Thiên Chúa dành cho Mẹ quá lớn lao. Mẹ chỉ là một thiếu nữ bình thường, đơn sơ, không có gì nổi bật. Mẹ chỉ có một con tim thao thức và khao khát ơn cứu độ của những “người nghèo của Thiên Chúa.” Mẹ bối rối và tự hỏi vì lời chào khó hiểu của Thiên Thần là Mẹ phải vui lên. Làm sao Mẹ có thể vui khi dân của Mẹ đang sống trong cảnh bị đô hộ và đau khổ? Mẹ bối rối và tự hỏi về câu nói của Thiên Thần Gáprien: “Thiên Chúa ở cùng bà.” Đây chính là “điệp khúc” luôn được lặp lại trong Cựu Ước mà Thiên Chúa nói với những người Ngài chọn cho một sứ mệnh nào đó của Ngài. Thật vậy, Mẹ bối rối và tự hỏi: không biết sứ mệnh Thiên Chúa muốn mời gọi Mẹ là gì? Và Thiên Thần nói cho Mẹ về sứ mệnh mà Thiên Chúa mời gọi Mẹ cộng tác là: “bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.” Đứng trước sứ mệnh cao trọng và vượt khỏi trí hiểu của con người như thế, Mẹ liền xin lời giải thích. Điều này đưa chúng ta đến thái độ thứ hai của Mẹ.
Phản ứng thứ hai: Mẹ xin lời giải thích chứ không nghi ngờ. Mẹ không nghi ngờ như trường hợp của Dacaria, người có vợ, tức là có tương quan vợ chồng. Còn Mẹ, theo Tin Mừng Thánh Luca thuật lại, chỉ mới đính hôn với Giuse, chứ chưa về chung sống. Nên việc thụ thai là điều không thể hiểu. Chúng ta cần lưu ý đến chữ “biết” trong câu hỏi của Mẹ Maria: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” Chữ này trong Kinh Thánh, nhất là trong sách Sáng Thế (chương 1-15) được sử dụng để nói đến “hành vi quan hệ giữa vợ chồng.” Trong ánh sáng này, chúng ta hiểu việc Mẹ hỏi Thiên Thần là một chuyện bình thường, chứ không mang tính nghi ngờ. Trước câu hỏi vượt ra khỏi trí hiểu của con người vì nó nằm trong lãnh vực của “đức tin đi tìm sự hiểu biết,” Thiên Thần Gáprien đã giải thích cho Mẹ. Mẹ lắng nghe lời giải thích. Chỉ một lần! Đúng, chỉ một lần, vì Mẹ lắng nghe với trọn con tim, trọn con người của một người đi tìm thánh ý Thiên Chúa, của một con tim hoàn toàn dành cho Chúa và cho nhân loại. Kết quả của việc lắng nghe này là lời “xin vâng,” là việc “đem ra thực hành.” Điều này có ý nói cho chúng ta biết rằng: Người không lắng nghe với trọn con tim đi tìm thánh ý Thiên Chúa sẽ không thể thối lên lời “xin vâng” như Mẹ. Hãy biết mở rộng cõi lòng và con tim để lắng nghe khi Chúa giải thích cho chúng ta những điều vượt quá trí hiểu của chúng ta qua lời Chúa, qua những sự kiện của cuộc sống hằng ngày, và qua những người chúng ta gặp gỡ.
Phản ứng thứ ba: Mẹ hoàn toàn vâng phục. Lời “Fiat” của Mẹ là đỉnh cao của cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Chúng ta có thể nói rằng: Lời “Fiat” của Mẹ chính là “sự tự hạ,” tự nên trống rỗng để được Chúa đổ đầy với sự hiện diện của Ngài. Mẹ đã “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết”: chết đi cho con người của mình để được Chúa chiếm lấy và sống trong Mẹ, để rồi không còn là Mẹ sống, mà là Chúa Giêsu sống trong Mẹ. Chúng ta cũng được mời gọi để trở nên như Mẹ: biết chết đi cho ý riêng và kế hoạch riêng của mình để chỉ sống cho Chúa và kế hoạch của Ngài. Nếu không có sự chết đi cho chính mình, thì lời “Fiat” sẽ trở nên không thể.
Tóm lại, phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lên Mẹ để tạ ơn Mẹ về lời “xin vâng” của Mẹ đã mang Chúa Giêsu đến cho nhân loại. Hơn nữa, đó cũng là lời mời gọi chúng ta học nơi Mẹ tâm hồn sẵn sàng và dễ dạy với Thiên Chúa hầu để Ngài thực hiện những gì Ngài muốn trên cuộc đời của chúng ta.
Hoa Ven Đường