SỐNG TRONG SẠCH TỪ TRONG RA NGOÀI
THỨ TƯ TUẦN V – MTN
(1 V 10, 1-10; Mc 7, 14-23)
Ai trong chúng ta cũng muốn được nổi tiếng. Nhiều người trong chúng ta hôm nay thường đánh giá nhau nổi tiếng dựa trên của cải vật chất và tài năng. Ít ai để ý đến những người nổi tiếng vì họ khôn ngoan. Trong bài đọc 1 hôm nay, vua Salômôn được giới thiệu như là người nổi tiếng vì danh Đức Chúa. Vua “giải đáp tất cả những vấn đề bà đưa ra; không có chuyện gì là bí ẩn mà vua không giải đáp được cho bà” (1 V 10, 3). Điều này cho thấy, vua Salômôn có thể giải đáp mọi thắc mắc vì danh Đức Chúa. Nói theo ngôn ngữ của thần học hôm nay, vua Salômôn được chia sẻ trong sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì được chia sẻ trong sự khôn ngoan của Đức Chúa, vua Salômôn đã trở thành mối phúc cho những thần dân của vua như nữ hoàng Sơva nói: “Những điều tôi đã nghe nói ở nước tôi về ngài và sự khôn ngoan của ngài quả là sự thật. Tôi đã không tin những điều người ta nói, cho tới khi tôi đến và thấy tận mắt; nhưng thực ra người ta cho tôi biết chưa tới một nửa. Ngài còn khôn ngoan và giàu có hơn tiếng đồn tôi đã nghe. Phúc thay thần dân của ngài! Phúc thay quần thần của ngài, những kẻ luôn luôn được túc trực trước mặt ngài và nghe biết sự khôn ngoan của ngài! Chúc tụng Đức Chúa Thiên Chúa của ngài, Đấng đã ưu ái đặt ngài lên ngai Isreal; chính vì lòng yêu thương Israel đến muôn đời, mà Đức Chúa đã đặt ngài làm vua, để ngài thi hành luật pháp và công lý” (1 V 10, 6-9). Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình. Chúng ta cũng được mời gọi chia sẻ trong sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Đó là điều chúng ta cần phải cố gắng trở nên “nổi tiếng” mỗi ngày, vì chỉ khi được nổi tiếng vì Danh Đức Chúa, chúng ta mới có thể trở nên nguồn chúc phúc cho những người chúng ta gặp gỡ trong từng ngày sống của mình.
Bài Tin Mừng hôm nay là phần kết của cuộc tranh luận với những người Pharisêu và biệt phái về việc giữ các truyền thống tiền nhân về ăn uống mà chúng ta nghe ngày hôm qua. Nội dung chính của bài Tin Mừng là lời công bố và giải thích của Chúa Giêsu về tính không hợp lý của luật Do Thái về việc ăn uống. Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai phần: Phần 1 (Mc 7, 14-16) – Chúa Giêsu dạy và cống bố cho đám đông về tính không hợp lý của luật Do Thái về thực phẩm [việc ăn uống]; phần 2 (Mc 7, 17-23) – Chúa Giêsu giải thích riêng cho các môn đệ về tính không hợp lý của luật Do Thái về việc ăn uống. Chúng ta thấy ở đây có hai cấp độ: Nghe và hiểu. Có nhiều người chỉ nghe nhưng không hiểu. Để hiểu chúng ta cần phải được giải thích. Lại một lần nữa, Máccô nói cho chúng ta biết việc Chúa Giêsu giải thích cho các môn đệ khi họ ở trong nhà. Điều này đã xảy ra trong chương trước về dụ ngôn gieo giống (Mc 4, 10-12). Chúa Giêsu trách sự ngu muội của các ông giống như những người khác: “Họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu….” (Mc 4, 12). Chúng ta cũng đến với Chúa và lắng nghe lời Ngài mỗi ngày. Chúng ta muốn hiểu lời Ngài và nghĩ rằng mình sẽ hiểu lời Chúa qua bài giảng hoặc đọc những sách chú giải. Những điều này đều tốt. Nhưng cách thức tốt nhất để hiểu và đem ra thực hành lời Chúa là: Ở một mình với Ngài “trong ngôi nhà bé nhỏ của con tim chúng ta”. Ở đó, hai con tim sẽ gặp nhau và nói cùng một ngôn ngữ. Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể hiểu điều Chúa nói với chúng ta và muốn chúng ta thực hiện.
Điểm cuối cùng chúng ta suy gẫm trong bài Tin Mừng ngày hôm nay là việc Chúa Giêsu nói về tầm quan trọng của thế giới bên trong. Thật vậy, thay đổi bên ngoài dễ hơn thay đổi bên trong: Thay đổi kiểu tóc dễ dàng hơn thay đổi thái độ ghen tỵ. Chúa Giêsu xác quyết rằng: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế (Mc 7, 14-15). Vẻ đẹp của con người không hệ tại ở vẻ bề ngoài, nơi thân xác, nhưng nằm bên trong linh hồn, trong con tim tràn đầy yêu thương. Như chúng ta đã trình bày trong những bài chia sẻ trước, khi Chúa Giêsu dùng câu: “Ai có tai nghe thì nghe!” (Mc 7, 16), Ngài muốn nhấn mạnh rằng: Hãy để ý! Đây là điều rất quan trọng. Chúng ta thường để ý đến những thay đổi ở bên ngoài để “hấp dẫn” người khác, để gây chú ý hoặc gây ấn tượng cho người khác. Nhiều khi chúng ta thay đổi bề ngoài của mình để làm vui lòng người khác, nhưng bên trong chúng ta lại không có gì thay đổi hoặc chứa đựng những đắng cay và ghen ghét. Hãy làm mình nên đẹp trước mặt Thiên Chúa và người khác với đời sống nhân đức hơn là những thay đổi bên ngoài.
Hoa Ven Đường