SỐNG TRỌN VẸN Ý ĐỊNH BAN ĐẦU CỦA THIÊN CHÚA, THỨ SÁU TUẦN VII – TN

SỐNG TRỌN VẸN Ý ĐỊNH BAN ĐẦU CỦA THIÊN CHÚA

THỨ SÁU TUẦN VII – TN

(Gc 5, 9-12; Mc 10, 1-12)

Về phần mình, Thánh Giacôbê trình bày cho chúng ta biết rằng, để sống niềm vui của việc đón mừng Chúa đến trong ngày sống, chúng ta phải sống kiên nhẫn. Thánh nhân sử dụng hình ảnh của nhà nông để nói lên thái độ chúng ta cần phải có khi chờ đợi ngày Thiên Chúa quang lâm: “Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa” (Gc 5, 7-8). Hơn nữa, trong khi chờ đợi, “anh em đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử. Kìa Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa” (Gc 5, 9). Nhiều người trong chúng ta thường hay phàn nàn kêu trách khi mong chờ một điều gì đó. Chúng ta thường mất kiên nhẫn để rồi có những thái độ hay lời nói làm tổn thương người khác. Chúng ta không thể lớn lên trong đời sống nhân đức nếu chúng ta không có sự kiên nhẫn và một sự thinh lặng thâm sâu của cõi lòng kết hợp với Chúa. Cuối cùng, thánh nhân mời gọi chúng ta noi gương các ngôn sứ, là những vị đã nói nhân danh Chúa, về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn (x. Gc 5, 10). Để đạt được điều này, chúng ta cần sống thật, “hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không” (Gc 5, 12). Thật vậy, những người sống thật là những người có sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn khi bị người khác phàn nàn kêu trách.

Cuộc tranh luận của Chúa Giêsu với mấy người Pharisêu hôm nay nằm trong bối cảnh việc Chúa Giêsu dạy các môn đệ về những thách đố để trở nên môn đệ chân chính của Ngài. Lời dạy của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay phản ánh chính quan điểm của Chúa Giêsu về đời sống hôn nhân và quan điểm của Ngài hoàn toàn khác với quan điểm về hôn nhân tìm thấy trong Cựu Ước và các tôn giáo khác. Để hiểu lời dạy của Chúa Giêsu về hôn nhân tốt hơn, chúng ta xem lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và mấy người Pharisêu.

Chúng ta thấy trong cuộc đối thoại này điều Chúa Giêsu quở trách những người Pharisêu trong chương 7 về việc họ lấy truyền thống cha ông để biện minh cho những việc làm sai trái của họ và không thi hành luật của Thiên Chúa. Cụ thể hơn, mấy người Pharisêu nại vào “phép” của ông Môsê để rẫy vợ, còn Chúa Giêsu thì đưa họ về với ý định ban đầu của Thiên Chúa khi Ngài sáng tạo người nam và người nữ. Ngài muốn tình yêu của họ phản chiếu cách trung thực tình yêu của Ngài, là tình yêu vô điều kiện và trung thành, là tình yêu làm cho Cha, Con và Thánh Thần nên một. Chính vì lẽ đó mà “họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt”. Như vậy, trong ý định của Thiên Chúa, không có việc rẫy nhau. Chúng ta có thể rút ra điều gì ở đây? Nơi nào con người sống theo “ý định ban đầu” của Thiên Chúa, nơi đó có hiệp nhất, có một lòng một trí; còn nơi nào con người sống theo “ý định nhất thời của mình,” nơi đó chỉ có chia rẽ và nước mắt.

Hai chi tiết cuối cùng của bài Tin Mừng hôm nay mà chúng ta đã quen thuộc là: (1) Động lực đến đối thoại với Chúa Giêsu của mấy người Pharisêu là “để thử Người” (Mc 10, 2); (2) Chúa Giêsu giải thích mọi sự cho các môn đệ khi họ “ở trong nhà” với Ngài: “Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy” (Mc 10, 10). Khi đặt hai chi tiết này với nhau, chúng nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết phải “ở một mình với Chúa,” nhưng với một động lực đúng nếu chúng ta muốn biết và hiểu đường lối và mệnh lệnh của Ngài: “Lạy Chúa, trên đường mệnh lệnh Chúa, xin dẫn con đi”.

Hoa Ven Đường

Check Also

Hosanna! Hosanna! Hosanna!…

Hosanna! Hosanna! Hosanna!… Trong tiếng đám đông hô vang từng đợt từng đợt tung hô …