SỐNG TINH THẦN MỚI TRONG ĐỨC KITÔ

SỐNG TINH THẦN MỚI TRONG ĐỨC KITÔ

THỨ HAI TUẦN I – MTN

(Mc 2, 18-22)

Cuộc tranh luận về việc ăn chay trong bài Tin Mừng hôm nay thường được đọc trong mùa chay. Trong cuộc tranh luận này, Chúa Giêsu chỉ ra sự khác biệt giữa các môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả và các môn đệ của người Pharisêu với các môn đệ của Ngài (x. Mc 2, 18). Đâu là sự khác biệt? Sự khác biệt nằm ở chủ đề về tiệc cưới chúng ta nghe hôm qua. Nói cách khác, sự khác biệt được ẩn chứa trong hình ảnh chú rể và cô dâu, tình yêu và niềm vui. Hôm nay Chúa Giêsu gọi mình là “chàng rể” và các môn đệ chính là ‘khách dự tiệc cưới’. Các môn đệ của Chúa Giêsu không ăn chay như các môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả và của người Pharisêu. Các môn đệ của Ngài là những người ‘của yến tiệc,’ của niềm vui. Điều này giúp chúng ta khẳng định rằng: Ở đâu có Chúa Giêsu, ở đó có tiệc cưới, ở đó có tình yêu và niềm vui. Và những người môn đệ của Chúa Giêsu là những người của niềm vui. Đức Thánh Cha Phanxicô dùng lời này áp dụng cho những người thánh hiến: Ở đâu có những người thánh hiến, ở đó có niềm vui.

Để hiểu hơn về đề tài ăn chay trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần trình bày cách ngắn gọn ở đây việc ăn chay của người Do Thái. Đọc trong Cựu Ước, chúng ta biết là dân Do Thái chỉ ăn chay trong dịp Lễ Xá Tội (Lv 16). Họ thường ăn chay với hai lý do: (1) để đền tội; (2) khi gặp tai ương hoạn nạn. Tuy nhiên, xét cho cùng thì cũng chỉ là một lý do để họ ăn chay, đó là tội lỗi. Thật vậy, người Do Thái ăn chay là vì tội lỗi đã đẩy họ xa khỏi Chúa. Ăn chay là cách thức để dân xin Chúa rủ lòng thương đến gần và cứu độ họ. Chính trong bối cảnh ăn chay này mà chúng ta nghe lần đầu tiên và hiểu việc Chúa Giêsu nói cách ám chỉ về cái chết của mình (Mc 2,19b-20) để đền tội cho muôn dân: Thiên Chúa, qua Đức Kitô, không chỉ đến gần dân mà trở nên một với họ và chết cho họ để họ được sự sống muôn đời.

Điểm cuối cùng để chúng ta suy gẫm là sự tương phản giữa mới và cũ mà Chúa Giêsu dùng trong bài Tin Mừng: “Chẳng ai lấy vải mới vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!” (Mc 2, 21-22). Điều này ám chỉ sự tương phản giữa lối thực hành đạo đức cũ và mới. Như vậy, với sự xuất hiện của Chúa Giêsu, hình thức thực hành đạo đức cũ đã không còn hợp thời: Người ta không tôn thờ Thiên Chúa trên núi này hoặc tôn thờ Thiên Chúa bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa, nhưng tôn thờ Ngài trong thần khí và sự thật. Nói một cách cụ thể, những người có Chúa Giêsu sẽ sống một lối sống mới, là những người biết đọc dấu chỉ của thời đại: biết vui với người vui và khóc với người khóc. Tuy nhiên, khi chúng ta đọc kỹ điều Chúa Giêsu nói, chúng ta khám phá ra rằng: Ngài không có ý bỏ đi luật cũ; Ngài muốn bảo toàn cả hai. Ngài chỉ muốn hoàn thiện cái cũ: “Ta đến không phải để bãi bỏ lề luật, Ta đến để kiện toàn” (Mt 5, 17). Nhìn từ khía cạnh này, một người có Chúa Giêsu là người biết sử dụng cả cái mới và cái cũ trong kho của mình (x. Mt 13, 52). Điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Một mặt, chúng ta phải tránh thái độ ‘bảo thủ’ đóng kín, không đón nhận cái mới; còn mặt khác chúng ta phải bảo tồn cách khôn ngoan những gì là chân, thiện, mỹ của cái cũ. Trong bối cảnh này chúng ta có thể nói rằng: Người có Chúa Giêsu là người có con tim rộng mở trước thực tại, nhưng biết chọn lựa những gì mang lại niềm vui và hoan lạc trong Thánh Thần.

Hoa Ven Đường

Check Also

Cộng đoàn Mân Côi Bùi Đệ – Trường Mầm non Rosa

Cộng đoàn Mân Côi Bùi Đệ – Trường Mầm non Rosa        Chắp cánh yêu …