SỐNG THA THỨ YÊU THƯƠNG

SỐNG THA THỨ YÊU THƯƠNG

Một người Kitô hữu hay một tu sĩ tốt, thánh thiện là người cầu nguyện luôn. Chúng ta thường cầu nguyện một mình hay cầu nguyện với người khác. Nhưng điều chúng ta có thể rút ra từ bài đọc 1 hôm nay là: hãy cầu nguyện như chúng ta là. Điều này có nghĩa là gì? Nó đơn giản là: nếu chúng ta là những người cha, người mẹ thì hãy cầu nguyện như những người cha người mẹ; nếu là một người thầy, người cô, thì cầu nguyện như một người thầy, người cô; nếu là một người thánh hiến cho Thiên Chúa, thì hãy cầu nguyện như một người thánh hiến cho Thiên Chúa, v.v. Lời cầu nguyện và cách thức cầu nguyện phải tương hợp với mình là ai trước mặt Chúa và trước mặt anh chị em mình.

Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta một mẫu cầu nguyện của một vị ngôn sứ, người cầu nguyện trên danh nghĩa của toàn dân. Chúng ta thấy trong mẫu cầu nguyện này những yếu tố cần thiết như sau: (1) nhận ra Thiên Chúa là ai (Đn 9, 4b); (2) nhận ra mình là ai trước mặt Chúa (Đn 9, 5-6); (3) nhận ra sự khác biệt giữa Thiên Chúa với chúng ta (Đn 9, 7); (4) xin Thiên Chúa giúp để trở nên giống Ngài hơn (Đn 9, 8-10).

Điều chúng ta cần suy gẫm trong bài đọc 1 hôm nay là việc Đanien nêu ra nguyên nhân tội lỗi của dân Israel, đó là, “chúng con đã không nghe lời các tôi tớ Chúa là các ngôn sứ”, những người “đã nhân danh Chúa mà nói với vua chúa quan quyền, với cha ông chúng con và toàn dân trong xứ (Đn 9, 6) và “chúng con đã không nghe tiếng của Đức Chúa là Thiên Chúa chúng con” (Đn 9, 10). Kinh nghiệm thường ngày dạy chúng ta điều này. Khi chúng ta không lắng nghe và đem ra thực hành lời của Thiên Chúa, chúng ta dễ dàng phạm tội và từ chối tình yêu và đường lối của Ngài. Nghe là một trong những thái độ cần thiết khi đến với Lời Chúa. Nhưng nghe với đôi tai thể lý thì chưa đủ; chúng ta phải nghe với đôi tai của tâm hồn. Chỉ có như thế thì lời Chúa mới có thể ở lại trong con tim của chúng ta và làm chúng ta trở nên giống Chúa mỗi ngày một hơn. Đây chính là điều mà bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta.

Bài Tin Mừng hôm nay bao gồm lời mời gọi của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ nhằm chỉ ra cho họ mục đích sống ơn gọi của họ là: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6, 36). Thánh Luca sử dụng từ “lòng nhân từ” thay vì “hoàn hảo” như Thánh Mátthêu. Trong Cựu Ước, lòng nhân từ là thuộc tính của Thiên Chúa, rất ít khi được gán cho con người, trong khi đó sự hoàn hảo là mục đích mà mỗi con người tìm kiếm. Nhìn từ khía cạnh này, Thánh Luca chỉ ra cho các môn đệ rằng mục đích mà họ tìm kiếm chính là trở nên giống Thiên Chúa mỗi ngày. Để trở nên giống Thiên Chúa là Cha trên trời, người môn đệ phải thực hiện những việc sau:

Thứ nhất người môn đệ không xét đoán người khác: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán” (6, 37). Trong Kinh Thánh, ‘xét đoán’ không đơn giản là đưa ra một ý kiến để chỉ cho biết một điều gì đó đúng hay sai. Điều này chắc chắn là không tránh khỏi. Từ ‘xét đoán’ ở đây có nghĩa là ‘xét đoán cách gay gắt’ để kết tội hoặc chỉ trích. Đây chính là tiền đề của những gì Chúa Giêsu nói trong điều thứ hai mà các môn đệ phải tránh. Trong những lời trên, chúng ta được khuyến cáo rằng: Chúng ta thường xét đoán người khác, nhưng chúng ta phải ý thức rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa về những xét đoán của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng việc một người xét đoán người khác cách không công bằng không có nghĩa là Thiên Chúa sẽ đối xử với người đó với thái độ không công bằng. Ý nghĩa của những lời trên là: xét đoán anh chị em mình cách khắc nghiệt sẽ bị trừng phạt, nhưng theo lẽ công bằng. Nói cách đơn giản hơn, mình sẽ nhận lại những gì mà mình đã làm.

Thứ hai, người môn đệ không lên án anh chị em mình: “Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án” (6, 37). Xét đoán và lên án thường là hai hành động đi đôi với nhau. Thông thường, chúng ta lên án người khác dựa trên những gì chúng ta quan sát được, nhưng chúng ta không thể nào nhìn thấy những gì đang xảy ra trong họ. Vì vậy, chúng ta thường lên án anh chị em mình cách bất công. Chúa Giêsu chỉ ra cho các môn đệ rằng Thiên Chúa là Đấng duy nhất thấu suốt tâm can con người, chỉ mình Ngài mới có thể lên án. Nhưng dù có quyền kết án, Thiên Chúa sai Con Một Ngài đến để cứu chúng ta chứ không phải để kết án chúng ta. Là những môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi sống đời cảm thông và tha thứ khi anh chị em mình lầm lỗi, xúc phạm đến chúng ta. Đây chính là điều thứ ba mà Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ thực hiện.

Thứ ba, người môn đệ mau mắn tha thứ cho người khác: “Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (6, 37). Tha thứ cho người khác làm cho chúng ta nên giống Thiên Chúa, vì chỉ mình Thiên Chúa mới có thể tha tội (x. Mc 2, 7). Đời sống thường ngày dạy chúng ta rằng tha thứ là một trong những thách đố lớn nhất của mỗi người chúng ta. Để tha thứ, chúng ta phải chết đi con người của mình. Nhiều người thướng nói: tôi tha thứ chứ tôi không bao giờ quên điều người khác làm cho tôi. Thật sự là như vậy. Nhưng điều quan trọng là việc tôi ‘giữ trong lòng’ điều người khác làm cho tôi có cản trở việc tôi đến với người làm tổn thương tôi và làm tốt cho họ không? Chúng ta chỉ tha thứ thật cho một người khi chúng ta nối lại tương quan bị rạn nứt hay cắt đứt trước kia và làm tốt cho người đã làm mình đau khổ.

Cuối cùng, người môn đệ sống đời trao ban cách quảng đại: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (6, 38). Những lời này nhắc nhở người môn đệ về sự quảng đại của Thiên Chúa đối với họ. Tất cả những gì họ là và có đều đến từ Thiên Chúa. Họ chỉ là những người quản gia trung tín mà thôi. Chỉ những ai hiểu được chân lý này mới sống một đời sống quảng đại với anh chị em mình. Nói cách khác, chỉ những ai nhận ra rằng Thiên Chúa luôn quảng đại với mình thì mới có khả năng rộng mở bàn tay để trao ban cho kẻ khác.

Hoa Ven Đường

Check Also

TÂM TÌNH THƠ MỌN BÊN CHA

TÂM TÌNH THƠ MỌN BÊN CHA                    …