SỐNG THA THỨ VỚI TRON CON TIM

SỐNG THA THỨ VỚI TRON CON TIM

THỨ BA TUẦN III – MC

(Đn 3, 25.34-43; Mt 18, 21-35)

 

Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta dụ ngôn người đầy tớ không có lòng tha thứ. Trước khi trình thuật về dụ ngôn, Thánh Mátthêu đưa vào như một lời giới thiệu về giáo huấn của Chúa Giêsu cho các môn đệ được trình bày dưới dạng một cuộc đối thoại: “Khi ấy, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: ‘Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?’ Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 21-22). Trong những lời này, lời tự phụ mang tính ‘khát máu’ của Lamach bị đổi ngược (x. St 4, 14,24). Trong tư tưởng của người Do Thái, con số 7 là con số hoàn hảo. Khi Phêrô hỏi Chúa Giêsu tha đến 7 lần, là ông ám chỉ đến việc tha hết, tha cách hoàn toàn. Nhưng Chúa Giêsu không dừng lại ở số lần, ở sự hoàn toàn, hoàn hảo, mà Ngài đưa các môn đệ đến thái độ tha thứ cách vô điều kiện, tha thứ không cần quan tâm đến số lần người khác xúc phạm đến mình. Nói cách khác, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ biến tha thứ thành ‘bản tính thứ hai’ của mình. Tình yêu mà không tha thứ là tình yêu giả dối. Chỉ những người sống tha thứ mới hiểu thế nào là một tình yêu chân thật.

Dụ ngôn tiếp theo về người đầy tớ không có lòng tha thứ chỉ được ‘thêm vào’ để làm sáng tỏ lời dạy của Chúa Giêsu. Theo các học giả Kinh Thánh, dụ ngôn này được xem là một bài giảng về lời hướng dẫn trong Mt 6, 12,14-15 và có thể được sáng tác bởi chính thánh sử để tạo thành một phần của Lời Kinh Chúa Giêsu dạy mà quen thuộc với các tín hữu của cộng đoàn Ngài [Kinh Lạy Cha: Xin tha cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người mắc nợ chúng con]. Trong dụ ngôn này, chúng ta cần lưu ý đến những điểm sau: (1) đây là dụ ngôn về Nước Trời và mang tính cánh chung. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về việc chúng ta sẽ bị phán xét dựa trên sự tha thứ; (2) Đây là dụ ngôn nói đến sự quảng đại của Thiên Chúa và sự nghèo nàn ích kỷ của con người. Sự quảng đại và kiên nhẫn của Thiên chứng tỏ qua những lời sau: “Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: ‘Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.’ Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ” (Mt 18, 24-27). Đứng trước sự nghèo nàn của con người và những lời khẩn xin tha thiết, Thiên Chúa chạnh lòng thương và tha thứ hết nợ cho con người. Ngài chỉ mong con người cảm nghiệm được sự tha thứ và sự quảng đại của Ngài để đối xử với đồng loại của mình trong tình trạng nghèo khó của mình. Nhưng con người chỉ nghĩ đến sự nghèo khó của mình và trở nên tham lam, ích kỷ hơn, nên cố gắng vơ vét những gì người khác nợ mình dù chỉ là một khoản rất nhỏ, không đáng là gì so với khoản đã nhận được từ sự tha thứ của Thiên Chúa: “Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: ‘Trả nợ cho tao!’ Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: ‘Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.’ Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ” (Mt 18, 28-30). Những lời này khuyến cáo chúng ta rằng: Khi con người không cảm nghiệm được sự quảng đại và tha thứ của Thiên Chúa, sẽ trở nên vô cảm và khép lòng lại trước nỗi khốn khó của anh chị em mình. Liệu chúng ta, những người được Chúa quảng đại ban ơn và tha thứ mỗi ngày, có sẵn sàng tha thứ và mở lòng cho những anh chị em lỗi phạm đến chúng ta không?

Bài Tin Mừng kết thúc với khẳng định của Chúa Giêsu rằng: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18, 35). Những lời này không thể hiểu theo nghĩa loại suy, đó là Thiên Chúa sẽ đối xử với chúng ta theo cách thức chúng ta đối xử với người khác. Nếu làm như thế, chúng ta đã đánh đồng tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa với con người. Theo các học giả Kinh Thánh, lối hành xử của vị vua không phải là một kiểu mẫu mà chúng ta phải học để biết về sự quan phòng của Thiên Chúa. Chi tiết quan trọng nhất của dụ ngôn là sự khác biệt giữa khoản nợ mà người đầy tớ không có lòng thương xót nợ vua với khoản nợ người bạn nợ mình. Đề tài chính của dụ ngôn là sự tha thứ của Thiên Chúa không có giới hạn. Nhưng để được tha thứ, con người cũng phải sẵn sàng tha thứ cho anh chị em mình. Nếu con người không sẵn sàng tha thứ cho người khác, thì cũng sẽ không nhận được sự tha thứ từ Thiên Chúa, vì con người từ chối cho đi cái mình đã nhận.

Hoa Ven Đường

Check Also

WEDNESDAY OF THE 25TH WEEK IN ORDINARY TIME

GOSPEL Lk 9:1-6 Jesus summoned the Twelve and gave them power and authority over all …