THỨ NĂM TUẦN II – MC
(Gr 17, 5-10; Lc 16, 19-31)
Bài Tin Mừng hôm nay kể về dụ ngôn Người Phú Hộ Giàu Có và Ladarô. Bài Tin Mừng tiếp tục đề tài về chia sẻ của cải cho người khác, đặc biệt là những anh chị em đang túng thiếu, mà dụ ngôn Người Quản Gia Bất Tín tuần trước đã thuật lại cho chúng ta. Dụ ngôn hôm nay cho chúng ta thấy mọi sự dường như bị đảo ngược trong sự sống đời sau. Bài Tin Mừng là một “câu chuyện hai tầng” tập trung vào ông nhà giàu, năm người anh em và người đọc câu chuyện. Câu hỏi được câu chuyện đặt ra là: Liệu năm người anh em và người đọc sẽ sống theo lối sống của ông nhà giàu hay làm theo lời dạy của Chúa Giêsu và của Cựu Ước để chăm sóc người nghèo như Ladarô và như thế trở thành con cái Abraham? Nếu năm người anh em và người đọc không theo lời dạy của Chúa Giêsu, họ sẽ không có chỗ trong bàn tiệc của Đấng Messia.
Chúng ta có thể chia bài Tin Mừng làm hai phần: phần 1 [Lc 16, 16-26] trình bày đời sống của ông nhà giàu và người nghèo khi đang sống và sau khi chết. Trong phần 2 [Lc 16, 27-31, chúng ta sẽ tìm thấy lý do tại sao ông nhà giàu bị luận phạt. Khi phân tích cẩn thận phần 1, chúng ta nhận ra rằng ông nhà giàu dường như không làm gì sai về mặt luân lý. Chúng ta đọc thấy: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình” (Lc 16, 19). Chúng ta không thấy ông phạm tội gì trong Mười Điều Răn. Ông đơn giản chỉ “hưởng thụ” những gì ông có, hay đúng hơn được ban cho ông. Bản văn cũng không cho chúng ta thấy Ladarô đúng về mặt luân lý. Điều chúng ta biết về Ladarô là: “Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta” (Lc 16, 20-21). Chúng ta thấy Ladarô không làm việc gì tốt, ngoại trừ “mấy con chó đến liếm ghẻ chốc anh ta.” Điều gì làm cho tình trạng của họ thay đổi sau khi chết?
Chi tiết đáng để chúng ta lưu ý đầu tiên trong phần 1 là “ông nhà giàu” không có tên, trong khi đó “một người nghèo” lại có tên. Trong tư tưởng của người Do Thái, tên rất quan trọng vì nó nói đến nguồn gốc và căn tính của người đó. Tên để được gọi. Tên để thiết lập tương quan. Nhìn từ khía cạnh này, chúng ta hiểu ông nhà giàu không có tên vì ông chỉ có một tương quan duy nhất, đó là với của cải vật chất, những thứ không thể gọi tên người. Chỉ có con người mới gọi tên sự vật và tên nhau, chứ sự vật không thể gọi tên người. Tuy nhiên, Thánh Luca không đặt tên cho ông nhà giàu với lý do là để chính mỗi người chúng ta điền tên mình vào chỗ ông nhà giàu để nhìn lại tương quan của mình với người khác và với của cải vật chất. Bài học của ông nhà giàu cho chúng ta thấy, chỉ có “tương quan” với con người qua đời sống bác ái mới đảm bảo cho chúng ta hạnh phúc đời sau. Còn tương quan với vật chất sẽ không đi theo chúng ta khi chúng ta chết. Nói cách cụ thể hơn, chỉ có con người mới cầu nguyện cho chúng ta khi chúng ta chết, còn vật chất của cải không thể theo và cầu nguyện cho chúng ta khi chúng ta ra khỏi cuộc đời này.
Cuộc đối thoại giữa Ápraham và ông nhà giàu là chi tiết thứ hai đáng để chúng ta suy gẫm. Nó giúp chúng ta thấy được sự “đảo lộn” xảy ra sau cuộc sống dương thế. Trong cuộc đối thoại này, chúng ta thấy lời dạy của Chúa Giêsu về mối phúc cho người nghèo và mối hoạ cho người giàu trong bài giảng về các mối phúc và hoạ mà Thánh Luca đã trình bày trong chương 6 (câu 20-26) được hoàn thành. Chi tiết trọng tâm ở đây là: “Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn” (Lc 16, 22). Những lời này chỉ cho chúng ta thấy một thực tại, dù giàu hay nghèo cũng phải đối diện, đó là cái chết. Ai cũng phải chết! Tuy nhiên, điều xảy ra sau cái chết mới quan trọng: Ladarô được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham, còn ông nhà giàu thì bị đem đi chôn. Trong lời giải thích của Ápraham, chúng ta thấy ông nhà giàu “đã nhận được phần phước trên dương thế,” hay nói cách khác là ông đã “được trả công rồi.” Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về lối sống tìm kiếm những thú vui trần thế mà quên vun trồng cho mình một kho tàng trên trời. Để có được kho tàng trên trời, chúng ta cũng phải như Ladarô, “suốt đời chịu toàn những bất hạnh” (Lc 16, 25), tức là vác thập giá mình mà theo Chúa Giêsu. Khoảng cách trên dương thế giữa chúng ta với anh chị em quyết định khoảng cách trong cuộc sống mai sau: “Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được” (Lc 16, 26). Khoảng cách giữa ông nhà giàu và Ladarô là “cái cổng.” Chính khoảng cách này tạo ra một vực thẳm lớn giữa ông và Ladarô trong cuộc sống mai sau. Khoảng cách giữa chúng ta và anh chị em mình cũng chỉ là “cánh cửa trái tim.” Liệu chúng ta có mở để mời họ vào ngồi chung bàn không?
Phần 2 tiếp tục cuộc đối thoại giữa Ápraham và ông nhà giàu. Trong cuộc đối thoại này, Ápraham chỉ ra lý do tại sao ông nhà giàu bị luận phạt. Chúng ta tìm thấy lý do trong câu trả lời của Ápraham cho thỉnh nguyện của ông nhà giàu: “Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó” (Lc 16, 29). Câu này chỉ cho thấy ông nhà giàu đã không “yêu thương người thân cận như chính mình” như Môsê và các Ngôn Sứ dạy. Bên cạnh khẳng định này, qua những lời này Chúa Giêsu khẳng định giá trị của Cựu Ước vì nó chuẩn bị cho việc đón nhận Chúa Giêsu. Điều này chúng ta thấy nơi hai câu cuối của bài Tin Mừng: “Ông nhà giàu nói: ‘Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.’ Ông Ápraham đáp: ‘Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin’” (Lc 16, 30-31). Những lời này ám chỉ việc khi Chúa Giêsu sống lại, nhiều người đã không tin vào Ngài và như thế không tin vào sự sống đời đời. Cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay cũng thường bị chi phối bởi “cơm áo gạo tiền”. Điều này làm chúng ta không quan tâm hoặc không đặt đúng vị trí những giá trị thiêng liêng. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta xem xét lại những tương quan chúng ta có, nhất là hai tương quan với Chúa và tương quan với anh chị em. Chính hai tương quan này sẽ quyết định “vận mệnh” của chúng ta trong sự sống đời sau.
Hoa Ven Đường