SỐNG LUẬT CHÚA CÁCH TRỌN VẸN
THỨ TƯ TUẦN III – MC
(Đnl 4, 1.5-9; Mt 5, 17-19)
Ai trong chúng ta cũng muốn mình trở nên vĩ đại và quan trọng. Vì vậy, chúng ta thường mong ước và tìm cách làm những điều lớn lao và vĩ đại trong cuộc sống. Không ai muốn làm những điều nhỏ nhặt. Tuy nhiên, một nguyên tắc căn bản trong cuộc sống mà ít người khám phá ra đó là: mọi khởi đầu đều rất nhỏ bé, rất khiêm nhường, đến nỗi không mấy người để ý và quan tâm đến. Một cung điện nguy nga bắt đầu với một viên đá, và những viên đá khác nối kết với nhau; một tác phẩm văn chương nổi tiếng bắt đầu với một chữ và những chữ khác kết với nhau; một bức tranh đẹp cũng bắt đầu với một đường màu đơn sơ và sự hoà hợp với những màu khác; một mối tình đẹp được bắt đầu với một nụ cười hoặc một ánh mắt trìu mến; ngược lại, một sự đổ vỡ trong tương quan thường bắt đầu với một lời nói hoặc một hành động thiếu suy nghĩ và thiếu tế nhị. Tất cả đều bắt đầu từ những điều nhỏ bé, không mấy quan trọng! Vì vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng: cái vĩ đại là chuỗi dài của những điều nhỏ bé kết lại. Một tình yêu trung thành là chuỗi dài của những trung thành nhỏ bé mỗi ngày. Đây là bối cảnh giúp chúng ta hiểu điều Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay.
Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu lời dạy của Chúa về một nền luân lý mới mà các môn đệ của Ngài phải sống. Đây là lời mời gọi sống đời sống công chính cao. Theo các học giả Kinh Thánh, những câu trong trình thuật hôm nay đưa ra những nguyên tắc căn bản cho bài giảng của Chúa Giêsu. Đây là những câu được tranh luận nhiều nhất trong Tin Mừng Thánh Mátthêu và vẫn chưa có sự đồng ý chung nào về việc giải thích chúng. Người chú giải phải cố gắng nêu lên vấn đề thật rõ ràng và cung cấp một nhận định chân thật mang tính lịch sử, ngay cả khi phải trả giá cho việc nhận định của mình không mang tính thần học sâu sắc. Chúng ta cần lưu ý rằng, thái độ của các sách Tân Ước về Luật không đồng nhất với nhau. Điều này không có nghĩa là các tác giả trái ngược nhau, nhưng điều này đơn giản là sự không đông nhất này phản chiếu sự phát triển sự hiểu biết của các Kitô hữu về Luật và mối tương quan của sự hiểu biết này với Tin Mừng. Chúng ta có thể thấy điều này trong câu chuyện của Thánh Phaolô. Vì vậy, mục đích của trình thuật chúng ta tìm thấy trong Tin Mừng hôm nay là nỗ lực của Thánh Mátthêu khẳng định quan điểm của Chúa Giêsu về Luật cách chung. Trình thuật này phải được đọc và hiểu trong bối cảnh của toàn bộ Tin Mừng Thánh Mátthêu.
Thái độ của Chúa Giêsu với Luật được Ngài khẳng định cách tích cực như sau: “Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5, 17). Những lời này cho thấy sứ mệnh của Chúa Giêsu không phải là để bãi bỏ Lề Luật và Ngôn Sứ, nhưng là để kiện toàn chúng. Hai thuật ngữ này thường được sử dụng để ám chỉ toàn bộ các sách của Cựu Ước. Chúa Giêsu ‘hoàn thành’ Lề Luật và Ngôn Sứ bằng cách nào? Thuật ngữ ‘hoàn thành’ không đơn giản ám chỉ việc thực hành điều Lề Luật và Ngôn Sứ dạy theo nghĩa đen. Nhưng nó có nghĩa là mang Lề Luật và Ngôn Sứ đến sự hoàn hảo, mang lại cho chúng cùng đích mà những người Pharisêu tin là họ sở hữu, nhưng thật ra họ không sở hữu. Chúa Giêsu khẳng định một cách gián tiếp rằng Lề Luật chưa hoàn hảo, chưa kết thúc. Ngài sẽ hoàn hảo và đưa nó đến cùng đích, đó là đưa con người đến với Ngài để được cứu độ. Chi tiết đầu tiên này khuyến cáo chúng ta về lối sống ‘duy luật’ của mình. Chúng ta thường dùng luật để xét đoán và kết tội anh chị em mình. Chúa Giêsu nhắc chúng ta rằng, mục đích chính của Luật là đưa chúng ta đến với Ngài, Đấng là sự hoàn hảo và cùng đích của Luật. Nói cách khác, Luật đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu và đến với nhau trong tình yêu và tha thứ.
Sau khi nói về sứ mệnh của mình trong tương quan với Lề Luật, Chúa Giêsu khẳng định tính vĩnh cửu của Lề Luật: “Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5, 18). Trong câu khẳng định này, Chúa Giêsu sử dụng từ ‘Amen,’ một trong những thuật ngữ thường xuyên sử dụng trong các Tin Mừng để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lời dạy của Chúa Giêsu. Thuật ngữ này thường diễn tả sự đồng ý với một câu khẳng định hoặc một điều ước, nhất là với một lời cầu nguyện. Ở đây, Chúa Giêsu sử dụng như một tiền tố khẳng định cho lời nói của Ngài. Ngài khẳng định tầm quan trọng của một chấm (yodh), là một phụ âm nhỏ nhất trong 22 phụ âm của tiếng Do Thái. Nhưng điều dù nhỏ, không quan trọng như thế cũng được Chúa Giêsu quan tâm đến và hoàn thành nó. Điều này nhắc nhở chúng ta về thái độ ‘chọn con voi mà bỏ qua con kiến’ trong đời sống thường ngày của mình. Theo khuynh hướng tự nhiên, chúng ta muốn làm điều lớn, điều vĩ đại. Chẵng mấy người trong chúng ta sẵn sàng làm những việc nhỏ bé cách hoàn hảo. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta làm những việc nhỏ bé của mình cách hoàn hảo, vì đó là điều đưa chúng ta đến gần Ngài hơn mỗi giây phút.
Chúa Giêsu kết thúc lời dạy của mình về thái độ sống trước Lề Luật bằng việc chỉ ra cho các môn đệ mối tương quan giữa việc tuân giữ Lề Luật với đời sống trong Nước Trời: “Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời” (Mt 5, 19). Theo các học giả Kinh Thánh, trong những lời này, Chúa Giêsu chấp nhận sự phân biệt của các Rabbi giữa những giới răn ‘nặng’ và ‘nhẹ’ trong Lề Luật. Các Rabbi đếm được 613 giới răn khác nhau trong Ngũ Kinh và phân loại theo sự nghiêm trọng của chúng. Từ thuật ngữ ‘nặng’ hay ‘nhẹ’ mà những thuật ngữ ‘tôn vinh’ và ‘lên án’ phát xuất. Trong những lời này, Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ rằng: Họ phải thực hành và dạy Lề Luật, nhưng là Lề Luật đã được Ngài kiện toàn. Việc tuân giữ Lề Luật và truyền thống sẽ đảm bảo sự công chính cho các luật sĩ và người Pharisêu; nhưng sự công chính này không mang lại sự đảm bảo để được vào Nước Trời. Sự công chính của các môn đệ phải vượt qua sự công chính này, đó chính là hoàn toàn quy phục thánh ý Thiên Chúa điều vượt qua việc tuân giữ Lề Luật. Người được xem là lớn nhất trong Nước Trời là người hoàn toàn tìm kiếm và tuân theo thánh ý Thiên Chúa.
Hoa Ven Đường