SỐNG KHIÊN NHƯỜNG PHỤC VỤ

Lời Chúa trong bài đọc 1 hôm nay là lời đem lại an ủi cho chúng ta, những tội nhân trước mặt Thiên Chúa. Lời Đức Chúa phán với những dân sống trong hai thành được xem là tội lỗi nhất, đó là Xơđôm và Gômôra. Lời Đức Chúa thật âu yếm và yêu thương. Ngài mời gọi dân trong hai thành này thực hiện những điều sau: (1) Tránh làm điều bất lương: “Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa” (Is 1, 16); (2) thực hành bác ái: “Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ” (Is 1, 17); (3) chạy đến với Đức Chúa để cảm nghiệm sự tha thứ của Ngài: “Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận! Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông” (Is 1, 18). Đây là hành trình sám hối của mỗi người chúng ta. Sám hối không chỉ đơn thuần ăn năn và xưng thú tội của mình rồi trở về lại với lối sống cũ. Sám hối là hành trình từ bỏ lối sống cũ và mặc lấy lối sống mới. Điều này chỉ xảy ra khi chúng ta cảm nhận cách sâu xa tình yêu bao la của Thiên Chúa, tình yêu mà biến màu đỏ của tội chúng ta thành màu trắng tinh tuyền. Là những tội nhân, chúng ta có tin tưởng chạy đến Đức Chúa để xin Ngài tha thứ và để bắt đầu một đời sống mới không?

Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh của những lời ‘khốn’ chống lại các kinh sư và người Pharisêu của Chúa Giêsu. Chúng ta thấy bài Tin Mừng có hai phần: trong phần 1, Chúa Giêsu nêu ra lý do tại sao các kinh sư và người Pharisêu bị Chúa Giêsu ‘chống đối’ và trong phần 2, Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải sống thái độ như thế nào trước người khác.

Trong phần 1, Chúa Giêsu công nhận việc giảng dạy của các kinh sư và người Pharisêu qua việc Ngài mời dân chúng và các môn đệ thực hành lời giảng dạy của họ: “Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm” (Mt 23, 1-3). Theo các học giả Kinh Thánh, từ ‘ngồi’ trên toà Môsê các kinh sư và người Pharisêu được sử dụng theo thì ‘quá khứ.’ Điều này ám chỉ rằng uy quyền của họ là ở quá khứ. “Toà của Môsê” là biểu tượng uy quyền của Môsê và những người Pharisêu tuyên nhận họ là những người thừa kế Môsê. Điểm đáng lưu ý trong những lời trên là việc Chúa Giêsu nêu ra lý do đầu tiên Ngài chống lại các kinh sư và những người Pharisêu, đó là lời dạy không đi đôi với hành động. Chúa Giêsu khuyên các môn đệ nghe những lời dạy của họ và đem ra thực hành, chứ không bắt chước những việc họ làm. Chi tiết này mời gọi chúng ta thực hành những gì mình nói. Khi làm được điều đó, chúng ta sẽ trở nên những người đáng tin cậy.

Ngoài việc khiển trách các kinh sư và người Pharisêu không sống điều họ dạy, Chúa Giêsu còn khiển trách họ về những điều sau: (1) không sống sự liên đới với người khác hay nói cách khác là đồng lao cộng khổ: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23, 4); (2) làm việc để cho người khác tôn vinh mình: “Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài” (Mt 23, 5; luôn tìm kiếm chỗ danh dự và lời khen của người khác trong đám đông: “Họ ưa ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là thầy” (Mt 23, 6-7). Đây cũng là những điều chúng ta cần lưu tâm vì nhiều lần chúng ta sống dửng dưng và đóng lòng mình lại trước những đau khổ của anh chị em. Chúng ta chỉ biết lo cho riêng mình. Cái tôi của chúng ta thật lớn vì chúng ta đặt cái tôi lên trước để được tôn vinh và phục vụ. Lời Chúa mời gọi chúng ta phải có đời sống thật khiêm nhường, ầm thầm và luôn đặt anh chị em mình lên trên để yêu thương và phục vụ.

Về phần các môn đệ, Chúa Giêsu mời gọi họ tập trung vào Ngài và tập trung vào Thiên Chúa hơn là vào chính mình: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đấng Kitô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23, 8-12). Chúa Giêsu hướng các môn đệ đi ra khỏi cái tôi của mình và vượt qua những ‘danh hiệu’ mà người khác đặt cho mình. Điều quan trọng trong cuộc sống không phải là chạy theo những danh hiệu chính mình và người khác đặt ra, nhưng chạy theo danh hiệu mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta, đó là trở nên môn đệ chân chính của Ngài.

Hoa Ven Đường

Check Also

TÂM TÌNH THƠ MỌN BÊN CHA

TÂM TÌNH THƠ MỌN BÊN CHA                    …