SỐNG ĐÚNG VỚI BẢN CHẤT CỦA MÌNH

SỐNG ĐÚNG VỚI BẢN CHẤT CỦA MÌNH

THỨ NĂM TUẦN III – TN

(2 Sm 7, 18-19.24-29; Mc 4, 21-25)

Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai dụ ngôn: dụ ngôn về đèn sáng (Mc 4, 21-23) và dụ ngôn về đấu đo lường (Mc 4, 24-25). Hai dụ ngôn tiếp tục nói về mục đích của việc Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để giảng dạy về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa và những thái độ cần phải có của người môn đệ của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, hai dụ ngôn này không theo thể loại chuyện kể như dụ ngôn gieo giống, nhưng thuộc loại “châm ngôn”. Chúng có cùng cấu trúc: Lời giới thiệu – “Ngài nói với họ”, hình ảnh so sánh và giải thích. Chúng ta để ý câu kết của dụ ngôn này chính là câu mở đầu của dụ ngôn khác. Điều này có dụng ý là kêu gọi người nghe phải chú ý cẩn thận những gì Chúa Giêsu đã nói và sẽ nói với họ. Qua hai dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta điều gì?

Trong dụ ngôn về đèn sáng, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta hai điều: (1) “sống đúng với căn tính của mình” hay “đánh giá đúng mục đích của sự vật”. Bản chất của đèn là để chiếu sáng chứ không phải để dấu dưới đáy thùng hay dưới gầm giường. Chúng ta không nên sống cách “không chân thật” hay “che giấu” sự thật về bản chất của mình hay sử dụng sai mục đích của những món quà tự nhiên và thiên nhiên Thiên Chúa ban cho chúng ta; (2) hành xử đúng vị trị của mình. Đèn thì được đặt ở trên đế. Chúng ta là những người theo Chúa Giêsu thì phải luôn đi theo sau Ngài và ‘cùng đi với nhau’. Vì cùng đi với nhau, nên chúng ta phải quan tâm giúp đỡ nhau. Đây chính là điều chúng ta tìm thấy trong bài đọc 1 hôm nay: “Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt. Chúng ta đừng bỏ các buổi hội họp, như vài người quen làm; trái lại, phải khuyến khích nhau, nhất là khi anh em thấy Ngày Chúa đến đã gần” (Dt 10, 24-25). Hãy để ý, quan tâm và thúc đẩy nhau sống yêu thương và làm việc tốt chứ đừng ghen tỵ và nói xấu nhau!

Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, nhiều người thường giải nghĩa câu Tin Mừng sau theo nghĩa thiêng liêng: “Chẳng có gì che giấu mà không được tỏ lộ, chẳng có gì bí ẩn mà không được đưa ra ánh sáng” (Mc 4, 22). Thật vậy, chúng ta thường hiểu và sử dụng câu này để nói về việc phải sống chân thật, không được nói dối, vì những điều chúng ta che giấu một ngày nào đó sẽ bị tỏ lộ. Tuy nhiên, trong bối cảnh của Tin Mừng Thánh Máccô, câu này có ý nói đến mầu nhiệm Nước Thiên Chúa hơn là nói về đời sống luân lý của chúng ta, đó là: Dù mầu nhiệm Nước Thiên Chúa được dấu kín trong những lời giảng dạy của Chúa Giêsu và trước những người “ở ngoài”, thì cuối cùng cũng sẽ được tỏ lộ. Yếu tố này chúng ta sẽ tìm thấy trong những dụ ngôn tiếp theo của Chúa Giêsu về Nước Thiên Chúa mà chúng ta sẽ nghe trong những ngày tới.

Còn về dụ ngôn đấu đo lường, chúng ta thường dùng dụ ngôn này để nói về sự công bình: “Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa” (Mc 4, 24). Đọc câu này, chúng ta có suy nghĩ là: Chúng ta đối xử với người khác thế nào thì Chúa cũng sẽ đối xử với chúng ta như thế. Chúng ta có thể nói rằng, đây là lối giải thích sai về câu nói trên của Chúa Giêsu. Thiên Chúa không đối xử với chúng ta theo cách thức chúng ta đối xử với người khác. Và Ngài cũng không muốn chúng ta đối xử với nhau theo luật đó. Nếu chúng ta đối xử với người khác theo cách thức họ đối xử với chúng ta thì chúng ta cũng không hơn gì họ, và như thế điều Chúa Giêsu nói trong câu trên trở nên vô nghĩa, vì Ngài không dừng lại ở đó mà “còn cho anh em hơn nữa”. Điều này ngụ ý là chúng ta không sống theo kiểu “người khác đong đấu nào thì mình đong lại cho họ đấu đó”. Chúng ta phải vượt qua đức công bình [đong đấu nào trả lại đấu đó], để đạt đến đức ái toàn vẹn [còn cho thêm nữa].

Cuối cùng, chúng ta cần lưu ý rằng: Dụ ngôn về đấu đo lường được sử dụng để lặp lại lời giải thích của Chúa Giêsu cho các môn đệ trong Mc 4,10-12 – Các môn đệ được ban cho mầu nhiệm nước trời, còn những kẻ ở ngoài thì không được ban cho như thế. Dụ ngôn này được hiểu theo nghĩa loại suy để nói về việc những người giàu sẽ trở nên giàu hơn, còn những người nghèo thì ngay cả cái họ có cũng sẽ bị lấy đi (x. Mc 4, 25). Nói cách cụ thể, dụ ngôn này ngụ ý rằng: Những ai đã sở hữu được sự hiểu biết thiêng liêng về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa thì sẽ được Ngài ban cho thêm qua việc tiếp xúc với mầu nhiệm ấy trong các dụ ngôn của Chúa Giêsu, hay đúng hơn, qua những sự kiện xảy ra trong đời sống thường ngày. Ngược lại, những ai không sở hữu ánh sáng nội tâm để hiểu biết mầu nhiệm Nước Thiên Chúa trong các dụ ngôn hay sự kiện của đời sống thường ngày sẽ trở nên ngày càng “vô tri và vô cảm” về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời của họ.

Hoa Ven Đường

Check Also

CÙNG CHÚA TIẾN VÀO THÀNH GIÊRUSALEM

CÙNG CHÚA TIẾN VÀO THÀNH GIÊRUSALEM Hành trình những ngày chay thánh vừa qua được …