Chúng ta đang sống trong thời đại theo chủ nghĩa hiệu năng mà các giá trị vật chất được đề cao, các hình thức bên ngoài được coi trọng, còn các giá trị luân lý, cốt lõi bên trong ít được quan tâm, đó là một trong các nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái của nền đạo đức xã hội. Khi con người hướng ngoại nhiều hơn là hướng nội, thích chạy đua với cuộc sống bon chen ồn ào, thích khám phá và thử sức mình qua những cái mới, cái lạ, thì họ sẽ ít quan tâm đến những giá trị nền tảng, căn bản, nên dần dần dễ tự đánh mất chính bản thân mình. Người nữ tu Mân Côi sống trong bối cảnh này, ít nhiều chúng ta bị ảnh hưởng bởi các trào lưu của xã hội. Chính vì thế, tháng này bắt đầu bằng tuần thánh, chị em Mân Côi được được mời gọi lắng đọng tâm hồn, trở về với cái cốt lõi, cái nền tảng của đời thánh hiến mà Đức Cha Tổ Phụ đã dạy là “sự sống bề trong”. Nó là “hồn sống tất cả mọi việc lành và là động tác cho mọi cách ăn nết ở của người nhà dòng”. Vậy sự sống bề trong là gì? Phải chăng là cuộc sống chuyên chăm cầu nguyện? chỉ suy tưởng “những sự trên trời”?
1. Sự sống bề trong là gì ?
Đức Cha Tổ Phụ dạy rằng : “Sống bề trong là hằng sống liên mãi trước mặt Đức Chúa Trời và kết hợp cùng Người liên”. Như vậy, đời sống mà chúng ta nói tới đây không phải là đời sống của các thiên thần hay các thánh trên trời mà là của chúng ta, những con người đang bước đi trên cuộc lữ hành trần thế với tất cả tâm hồn và thân xác.
Quan sát xung quanh chúng ta thấy: Cây cối bừng lên chồi non, lộc biếc, tươi xanh nhờ rễ tiếp nhận chất dinh dưỡng từ môi trường sống, từ đất. Nó sinh trưởng, tồn tại, phát triển được là nhờ rễ, rễ bám vào lòng đất hút chất dinh dưỡng nuôi cây. Rễ bền chắc, càng ăn sâu rộng vào lòng đất thì cây càng tươi tốt, to khỏe. Cũng vậy, con người sống được nhờ không khí và hơi thở. Cho nên, mỗi khi có ai qua đời, người ta nói là họ đã tắt thở. Sự sống bên trong cũng được ví như hơi thở của người thánh hiến. “Có sống thì có thở, có thở mới hấp thụ khí vào cho được sống. Sự sống thiêng liêng bề trong cũng vậy, phải thở và thở cho đều chớ khi nào bỏ liều mà không thở”. Nếu chúng ta sống và phục vụ mà không có Chúa, không lấy sức mạnh từ Chúa thì chúng ta không khác gì “cái xác không hồn” và sẽ dễ dàng rơi vào thất vọng, đánh mất ý nghĩa của đời thánh hiến, đánh mất động cơ tốt đẹp ban đầu của đời thánh hiến và đánh mất chính mình.
Sống bề trong là sống kinh nghiệm có Chúa hiện diện, có Chúa đang ở bên, đang nhìn và đồng hành với chúng ta để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và giúp chúng ta vượt qua những khó khăn vì nói như thánh Phaolo nói: “ tôi sống không phải tôi sống mà Chúa Kito sống trong tôi” (Gl 2, 20). Như thế, theo ngôn từ của ngày hôm nay, sự sống bề trong được gọi là đời sống nội tâm, là nơi con người có thể trò chuyện cùng Thiên Chúa và lắng nghe tiếng Người. Đến đây, chúng ta có thể tự hỏi: vậy Chúa là có phải là điểm tựa duy nhất của tôi trong đời sống nội tâm ? Chúng ta có để Ngài hướng dẫn mọi hoạt động của chúng ta hay không ?
———————————————————
1 Gia Sản I, trang 433.
2 Gia Sản I, trang 247.
3 Gia Sản I, trang 254.
2. Sống bề trong là thiết lập nước Chúa trong lòng
Đời sống bề trong thật cần thiết vì nó giúp cho mỗi chị em luôn sống dưới con mắt Chúa, và cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình. Đức Cha Tổ Phụ dạy: « ai biết sống thiêng liêng bề trong ấy là kẻ biết lập nước Đức Chúa Trời ở giữa lòng mình vậy. Chính Đức Mẹ và Chúa Giêsu cũng hằng sống bề trong như vậy, và các thánh cũng một lối ấy cho được đi đàng giọn lành ». Nước Chúa tất nhiên là nơi có Chúa hiện diện, nhưng điều đó chưa đủ, mà Đức Kito phải là đối tượng duy nhất và trên hết, tất cả cuộc sống, mọi hoạt động tông đồ và mọi hành vi của chúng ta đều quy hướng về. Nếu nội tâm là nơi thâm sâu nhất của con người, là nơi con người gặp gỡ với Đấng yêu thương và ký kết giao ước, thì điều trước tiên trái tim của chúng ta phải thuộc trọn về Ngài, bị Ngài chinh phục. Chúng ta biết Thiên Chúa không phải dựa trên lý thuyết nhưng biết Ngài, yêu mến Ngài trong kinh nghiệm của đời sống cầu nguyện. Cho nên, « dù được an vui hay lâm hoạn nạn, dù được yêu dùng hay bị bỏ xó, thì các thánh cũng cứ một mực sống bình an. Tuy xác thịt tự nhiên cũng lo buồn kinh khiếp khi vừa thấy sự dữ vào, song khi chạy đến Chúa, liền bình tĩnh yên hàn mà than thở cùng Chúa : « Lạy Chúa, miễn có Chúa ở với tôi thì đủ rồi ». Thiết lập Nước Chúa trong lòng mình để giữ tình thân với Chúa, để có thể nối kết với Chúa như “con thơ với mẹ, như bạn tri âm, như cố vấn”. Vậy chúng ta phải làm gì để nuôi dưỡng sự sống bề trong?
3. Những phương cách nuôi dưỡng sự sống bề trong
Để nuôi dưỡng sự sống bề trong, Đức Cha dạy chúng ta phải giữ 5 điều này: nhìn xem Chúa, nghe tiếng Chúa truyền, mến yêu, tưởng nhớ, cầu nguyện than thở. Và có thể đạt được sự sống bề trong một cách tự nhiên, Đức Cha chỉ ra 8 phương pháp sau:
« Lương tâm tinh sạch mọi đàng, Lòng càng thanh tịnh trí càng tinh an. Việc làm thảy phải ngay lành,
Tĩnh tâm khắc kỷ, ngôn hành hẳn hoi. Tình thân với Chúa chẳng nguôi,
Yêu mình cũng phải yêu người như ta”.
——————————————————–
4x Gia Sản I, trang 249.
5 x. Gia Sản I, trang 250.
6 x. Gia Sản I, trang 250-251.
7x. Gia Sản I, trang 251-253.
Đồng thời Đức Cha cũng dạy chúng ta phải từ bỏ ba tính sau vì nó ngăn trở sự sống bề trong: tính hấp tấp, tọc mạch, nhát hèn8. Hấp tấp là muốn lo nhiều việc cùng lúc nhưng chẳng làm xong được việc nào. Tọc mạch là “muốn biết, muốn nghe, muốn xem hết mọi điều” cho dù điều ấy không nên biết. Tính nhát hèn là “khi gặp sự gì khó liền sờn lòng rủn chí, không kiên trì, cố gắng”.
Sống trước mặt Chúa và luôn kết hợp với Chúa thì cánh cửa lòng ta lúc nào cũng rộng mở để Chúa tự do ra vào. Quy tụ được tất cả cuộc sống về Chúa đã là điều tốt, nhưng như vậy vẫn chưa đủ; còn cần phải móc nối được mối dây liên lạc thân tình với Chúa Giêsu nữa mới được, vì nội tâm là chỗ tinh túy nhất của con người, là chỗ thể hiện sâu sa nhất của căn tính một người. Đàng khác, nếu không có được mối dây thân tình mật thiết với Chúa thì cũng chẳng quy tụ tất cả cuộc sống về Chúa được. Chúng ta phải quét dọn ngôi nhà nội tâm, cắt tỉa những đức tính xấu không xứng hợp, sửa sang, bảo dưỡng ngôi nhà này để cho nó luôn gọn gàng, sạch sẽ, và trang hoàng nó bằng những bông hoa đẹp là các nhân đức để làm vui mắt Chúa, làm cho Chúa yêu thích và ở cùng ta luôn mãi.
4. Sự sống bề trong đem lại niềm vui trong cuộc sống
Sống có Chúa là gặp Chúa ngay trong mọi sinh hoạt nơi đời thường, sống chiêm niệm sự hiện diện của Chúa trong mọi hoạt động của ngày sống. Không gì vui và hạnh phúc bằng cuộc đời có Chúa vì có Chúa là có tất cả. Vui vì được Chúa luôn hiện diện. Vui vì được nghe tiếng Chúa. Từ niềm vui sâu thẳm này chúng ta sẽ biết đem niềm vui của Chúa đến cho mọi người, vì “lòng có đầy thì miệng mới nói ra” (Lc 6, 43-45). Nếu như Thánh Phaolô xưa – một người cuồng bách hại đạo, không bị ngã ngựa và được gặp Chúa trên đường Damas, chắc hẳn con người đó không thể nào có đủ nghị lực và nhiệt huyết để rao giảng về Đức Kitô Phục Sinh một cách không mệt mỏi như thế. Hay như ông Giakêu xưa, chắc không bao giờ nghĩ đến việc phân phát của cải cho mọi người, nếu ông không được nhìn xem Chúa và được gặp Chúa trong nhà ông. Ngày nay chúng ta không thấy Chúa như một nhân vật hữu hình như xưa trong nhà Giakêu nhưng Chúa vẫn luôn hiện diện trong tâm trí, trong Thánh Thể, trong lời cầu nguyện…Chính mối tương quan mật thiết với Chúa sẽ thúc bách chúng ta dám trao ban, dám cho đi những gì ta có.
Có Chúa và muốn trở nên giống Chúa hơn sẽ là sức mạnh nâng đỡ và là tiêu chuẩn quyết định cho mọi chọn lựa của ta. Đức Cha dạy chúng ta phải luôn tự hỏi: “Vậy tôi phải sống làm sao như Đức Chúa Giêsu đã sống xưa? Tôi phải làm mỗi việc như Đức Chúa Giêsu làm vậy. Tôi phải nói phô thể nào cho lời ăn tiếng nói hợp cùng Đức Chúa Giêsu. Tôi mến thương ai, tôi yêu chuộng vật gì thì cũng phải thương mến, yêu chuộng như Đức Chúa Giêsu vậy. Tôi chẳng nên mất phút nào mà chẳng tưởng nhớ Chúa Giêsu ở trước mặt”
——————————————–
8x. Gia Sản I, trang 253-254
Chúa chính là mẫu gương, là chuẩn mực cho chúng ta để trở nên giống Chúa và quy hướng mọi hành động của chúng ta để “làm vinh danh Chúa”. Nhờ đó chúng ta sẽ có được bình an và niềm vui trong tâm hồn. « Ta càng sống bên trong hơn, ta càng sẽ được hạnh phúc hơn. Không sự sống bề trong ta sẽ luôn bối rối và đau khổ, luôn luôn không được bằng lòng, luôn luôn than phiền và lẩm bẩm, và nếu có cơn cám dỗ nào, có sự gian khổ xảy đến cho ta, ta sẽ không thắng nổi »
Trong cuộc sống, nhiều người có thể cùng làm một công việc, nhưng lý do, mục đích và tinh thần có thể rất khác, có thể còn trái ngược nhau nữa. Chẳng hạn, công việc giúp đỡ phục vụ, tự bản tính là diễn tả của tình yêu, nhưng trong thực tế, lắm khi lại không phải như thế. Có người phục vụ vì tình yêu Chúa thúc đẩy; có người phục vụ vì bản tính tự nhiên thích phục vụ; người khác phục vụ hết mình để cạnh tranh ảnh hưởng; cũng có thể có người phục vụ để trả đũa người khác, v.v. Chính vì vậy mà công việc từ thiện bác ái tự bản tính là công việc tốt và có tính cách xây dựng, sẻ chia nhưng trong thực tế lắm khi không những không xây dựng mà còn gây chia rẽ… Có người suốt đời vất vả phục vụ người nghèo đói, bệnh tật mà trong tâm hồn vẫn đầy dẫy kiêu căng, hờn giận, ganh tị… Công việc phục vụ của họ chẳng những không xây dựng cho họ, mà cũng chẳng xây dựng cho những người họ phục vụ, như thế trước mặt Chúa họ mất cả “chì lẫn chài”.
Nếu chỉ nhìn bề ngoài không thôi khó có thể đánh giá được bản chất sự việc. Chẳng hạn khi ta chọn một quả ổi, quả xoài, bề ngoài xem thật tuyệt vời, nhưng khi bổ ra thì ôi thôi, nó đã bị sâu đục và nhiều khi có đầy giòi nữa. Trong trường hợp này thì chỉ có bỏ đi ngay lập tức, kẻo giòi nhảy ra ngoài… Cái tâm và cái hồn của người nữ tu có Chúa cũng thế. Khi lòng không trong sáng thì lời nói và việc làm không tốt được. Cũng có thể lời hay, việc tốt nhưng mục đích là “vinh danh bản thân” thì đó chỉ là cái vỏ, có khác gì quả ổi bị sâu trên (Mt 7, 15-18).
Trong tháng này, chúng ta hãy yêu thích ở lại trong thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa, để biết việc phải làm và biết tiếp tục lên đường trong tinh thần yêu thương và phục vụ. Mong sao mỗi chị em chúng ta biết học nơi Đức Cha Tổ Phụ sống đức tin, đức cậy, đức ái, được thể hiện cách sống động qua việc « luôn sống trước sự hiện diện của Chúa, ở đâu, đi đâu, làm việc gì thì cũng luôn nhớ có Chúa ở với mình, kết hợp liên lỉ với Chúa » và luôn « sống tinh thần bề trong trong hết mọi việc » để Chúa soi đường chỉ lối cho chúng ta trong từng phút giây của đời thánh hiến vì “phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống…Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh”.
Marie-Alphonse Đinh Thị Xuyến, FMSR.
—————————————————-
9 x. Gia Sản I, trang 255
10x. Gia sản I, trang 434