SINH RA BỞI THẦN KHÍ

Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta về kiểu mẫu của một cộng đoàn lý tưởng và tuyệt hảo. Chúng ta có thể nói rằng, đây là hình ảnh của thiên đàng nơi chỉ có tình yêu ngự trị. Đâu là chìa khoá làm cho cộng đoàn hay gia đình hạnh phúc? Chúng ta tìm thấy những yếu tố cần thiết sau đây:

Thứ nhất, hiệp nhất giữa những khác biệt: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4, 32). Bài đọc 1 cho chúng ta thấy rõ, các tín hữu thời đó rất đông, nhưng họ chỉ có một lòng một ý. Điều này xảy ra vì không ai nghĩ cho riêng mình mà chỉ nghĩ cho người khác; đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân. Khi mọi người sống chung với nhau chỉ có một mục đích để vươn tới, thì sẽ có hiệp nhất. Nhưng điều này không dễ dàng cho chúng ta ngày hôm nay khi chủ nghĩa cá nhân đang chiếm ưu thế và có ảnh hưởng lớn trên lối sống và việc làm của chúng ta. Chúng ta nghĩ về lợi ích của mình nhiều hơn là lợi ích chung. Vì vậy, chúng ta nhìn sự khác biệt của người khác như những “mối đe doạ” cho lợi ích cá nhân hơn là những điều để bổ sung cho những khuyết điểm của chúng ta. Để sống hạnh phúc, hãy biết đón nhận sự khác biệt của người khác như những món quà của Thiên Chúa để bổ sung cho những khiếm khuyết của chúng ta và đồng thời nghĩ về hạnh phúc của người khác hơn là của chính mình.

Thứ hai, làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần: “Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng” (Cv 4, 33). Chúa Thánh Thần là Đấng mang lại sự canh tân của vạn vật, mang lại sức sống mới. Yếu tố thứ hai liên quan đến việc để cho Chúa Thánh Thần uốn nắn chúng ta mỗi ngày để làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh qua đời sống mới của chúng ta, đó là một đời sống chết đi cho tội lỗi để sống lại trong một đời sống yêu thương và tha thứ trong Đức Kitô.

Thứ ba, sống đời sống chia sẻ: “Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu” (Cv 4, 34-35). Một trong những điều làm cho đời sống chung hạnh phúc là khả năng trao ban và chia sẻ. Khi một người để cho anh chị em của mình túng thiếu trong khi mình sung túc giàu sang, chắc chắn con tim của người đó không có chút tình thương nào. Chỉ những người sống đời yêu thương mới có khả năng trao ban cho những người khác những gì mình có và mình là. Như vậy, khả năng trao ban là thước đo tình yêu của một người dành cho anh chị em của mình. Tình yêu làm cho “người yêu” trao ban mọi sự cho “người được yêu”. Đây chính là tình yêu của Thiên Chúa mà chúng ta được mời gọi bắt chước mỗi ngày. Đừng để anh chị em của chúng ta thiếu thốn khi chúng ta no đủ.

Bài Tin Mừng hôm nay lặp lại và tiếp tục câu chuyện được bắt đầu hôm qua về cuộc gặp gỡ giữa Nicôđêmô và Chúa Giêsu. Chúa Giêsu khẳng định rằng: “Khi ấy, Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng: ‘Các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy’” (Ga 4, 7b-8). Trong những lời này, Chúa Giêsu khẳng định mọi người phải được sinh ra bởi trên, bởi Thần Khí. Lời khẳng định này có sự ảnh hưởng của văn chương về thời cánh chung của Người Do Thái có liên quan đến việc tẩy rửa hay thánh hoá bởi Thần Khí của Thiên Chúa trong thời đại của Đấng Messia. Thánh Gioan đã sử dụng từ “gió” để nói về hoạt động cách bí nhiệm của Thần Khí. Đây là thuật ngữ giống với từ “Thần Khí” trong cả tiếng Do Thái (Ruah) và Hy Lạp (pneuma). Sự đồng hoá giữa Thần Khí và nước sẽ xuất hiện lại trong 7, 38-39, đây là đoạn mang lại ý nghĩa trọn vẹn mang tính Kitô học về chân tính của Chúa Giêsu như là suối nguồn của Thần Khí/nước hằng sống. Chi tiết này gợi cho chúng ta điều chúng ta đã trình bày ở trên trong hình ảnh của các Tông Đồ, đó là muốn bước đi trong đời sống mới của Đức Kitô, chúng ta phải bước đi dưới sự hướng dẫn của Thần Khí. Việc sinh ra bởi ơn trên là một món quà nhưng không. Vì vậy, chúng ta cần mở lòng trước ân sủng Chúa, nhất là trở nên dễ dạy với Thần Khí Chúa.

Phần giữa là câu hỏi của Nicôđêmô: “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được?” (Ga 4, 9). Câu hỏi này như ‘miếng thịt ở giữa’ để nối kết hai miếng bánh mì kẹp và làm cho chúng thêm mùi vị. Nhìn từ khía cạnh khác, câu hỏi này nói về sự giới hạn của lý trí con người đứng trước mầu nhiệm của Thiên Chúa. Một trong những nghệ thuật văn chương trong Tin Mừng Thánh Gioan là việc sử dụng cùng ngôn từ, nhưng được hiểu dưới những cấp độ khác nhau. Trong trường hợp này, Chúa Giêsu muốn nói đến “việc sinh ra bởi ơn trên” như là sự tái sinh trong nước và Thần Khí, còn Nicôđêmô hiểu theo nghĩa thể lý, đó là chui vào trong bụng mẹ và sinh ra một lần nữa. Chi tiết này mời gọi chúng ta trở nên khiêm nhường khi đến với mầu nhiệm Thiên Chúa. Trí hiểu của chúng ta rất giới hạn. Chỉ những người khiêm nhường mới được Thiên Chúa mở trí và mặc khải cho cánh cửa để đi vào mầu nhiệm của Ngài.

Phần tiếp theo, Chúa Giêsu khặng định về khả thể của việc sinh ra bởi ơn trên: “Đức Giêsu đáp: ‘Ông là bậc thầy trong dân Israel, mà lại không biết những chuyện ấy! Thật, tôi bảo thật ông: chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi. Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được? Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời’” (Ga 4, 10-15). Điểm đầu tiên chúng ta lưu ý là lời ‘khiển trách nhẹ’ của Chúa Giêsu với Nicôđêmô khi nói ông “không biết”. Từ này để tương phản với những gì Chúa Giêsu nói trong lời giải thích của Ngài. Sự tương phản này nói lên việc những thầy dạy và người lãnh đạo Do Thái không chấp nhận những lời chứng của người tín hữu về Chúa Giêsu, Đấng mang lại cho họ sự sống muôn đời.

Hoa Ven Đường

Check Also

Hosanna! Hosanna! Hosanna!…

Hosanna! Hosanna! Hosanna!… Trong tiếng đám đông hô vang từng đợt từng đợt tung hô …