Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ biết đâu là tiêu chuẩn để nhận ra người yêu mến Chúa Giêsu: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14, 21). Tiêu chuẩn để nhận ra người yêu mến Chúa Giêsu là tuân giữ các điều răn của Ngài. Để hiểu điều này, chúng ta phải đặt những lời này trong bối cảnh của nó, đó là Chúa Giêsu đang nói về mối tương quan không thể tách rời giữa Chúa Cha và Ngài: Chúa Cha ở trong Ngài và Ngài ở trong Chúa Cha. Vì vậy, chúng ta thấy trong những lời trên Chúa Giêsu khẳng định mối giây liên kết tình yêu giữa các môn đệ và Ngài và giữa Ngài với Chúa Cha. Nói cách khác, khi giữ điều răn của Chúa Giêsu, các môn đệ không chỉ biết tương quan giữa Ngài với Chúa Cha, nhưng còn biết rằng mối tương quan đó chỉ hiện hữu trong mối tương quan giữa họ với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chỉ để lại cho các môn đệ một mệnh lệnh, đó là yêu nhau như Ngài đã yêu họ. Người yêu mến Chúa Giêsu là người yêu mến anh chị em của mình; người yêu mến anh chị em của mình như Chúa Giêsu yêu mến họ thì sẽ hiểu tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa con, hay nói đúng hơn là được đưa vào trong mầu nhiệm tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa con. Chỉ trong mối tương quan tình yêu mà người môn đệ được Chúa Giêsu tỏ mình ra.
Những lời giải thích của Chúa Giêsu cho ông Giuđa Ítcariốt tiếp tục làm sáng tỏ mối tương quan giữa người môn đệ với Chúa Giêsu và Chúa Giêsu với Chúa Cha. Chúng ta thấy điều này trong phần 1 (Ga 14, 22-24) và phần 2 (Ga 14, 25-26) Chúa Giêu bắt đầu nói về việc ra đi về với Chúa Cha của Ngài. Một cách cụ thể, trước câu hỏi của ông Giuđa: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” Chúa Giêsu khẳng định một lần nữa: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy…”. Trong những lời này, Chúa Giêsu chuyển từ việc tuân “giữ điều răn của Ngài” như Ngài đã nói trên thành “giữ lời Ngài”. Người môn đệ diễn tả tình yêu của mình cho Chúa Giêsu qua việc tuân giữ hay đem lời Chúa Giêsu ra thực hành trong đời sống hằng ngày của mình. Chi tiết này làm chúng ta xét lại việc lắng nghe và đem lời Chúa Giêsu ra thực hành của chúng ta. Chúng ta lắng nghe lời Chúa mỗi ngày, nhưng việc đem ra thực hành chúng ta chưa thực hiện triệt để. Nên tình yêu của chúng ta dành cho Chúa Giêsu không trọn vẹn hay chỉ nửa vời. Bên cạnh việc được Chúa Cha yêu mến, những người giữ lời của Chúa Giêsu sẽ được Chúa Cha và Chúa Giêsu đến ở lại với người ấy. Điều này ám chỉ việc không thể tách rời giữa người môn đệ với Thiên Chúa và Chúa Giêsu. Họ không cần phải tìm những điềm thiêng dấu lạ “trên trời” để cảm nghiệm ơn cứu độ trong sự hiện diện của Thiên Chúa, nhưng tìm thấy trong tình yêu họ dành cho Chúa Giêsu, cho Thiên Chúa được diễn tả cách cụ thể trong tình yêu họ dành cho anh chị em mình. Như vậy, chúng ta có thể nói rằng, những ai không yêu anh chị em mình cách thật lòng thì sẽ không thể nào nếm cảm được tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho mình và cho người khác.
Sau khi thiết lập nền tảng cho đời sống tương lai của các môn đệ trên việc tuân giữ giới răn và lời Ngài, Chúa Giêsu nói về việc Ngài ra đi về với Chúa Cha. Nhưng trước khi ra đi, Ngài nói về Đấng Bảo Trợ mà Chúa Cha sẽ sai đến để đồng hành với họ: “Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14, 25-26). Những lời này giúp cho các môn đệ không bị hoang mang trước những sự kiện sẽ xảy ra. Như Chúa Giêsu nói tình yêu của người môn đệ được diễn tả qua việc tuân giữ lời Ngài, nhưng các môn đệ không thể hiểu và nhớ tất cả mọi lời của Chúa Giêsu. Đây chính là vai trò của Đấng Bảo Trợ mà Chúa Giêsu nói đến. Những lời của Chúa Giêsu được “bổ xung” bởi hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chúng ta cần phải lưu ý rằng, việc “nhớ lại” ám chỉ khả năng của các môn đệ để hiểu ý nghĩa đích thật của những lời và hành động của Chúa Giêsu sau khi Ngài phục sinh (x. Ga 2, 22; 12, 16). Tóm lại, những lời trên chỉ ra cách rõ ràng rằng việc dạy của Đấng Bảo Trợ liên quan đến việc hiểu những gì Chúa Giêsu đã dạy và làm. Đấng Bảo Trợ không mang đến một điều gì độc lập với những gì Chúa Giêsu mạc khải cho các môn đệ. Điều này cho thấy sự hợp nhất của Chúa Giêsu và Đấng Bảo Trợ. Chi tiết này dạy cho chúng ta rằng chỉ khi sống trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa, với Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể biết, hiểu và rao giảng sứ điệp mà Chúa Giêsu đã rao giảng, chứ không rao giảng một sứ điệp khác của riêng mình.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết yêu Chúa và yêu người như chính bản thân, để chúng con cũng được Chúa yêu và vui vẻ dấn thân làm cho mọi người cũng nhận ra tình yêu của Chúa mà chạy đến với Ngài. Amen.
Hoa Ven Đường