Ở LẠI TRONG LỜI CỦA ĐỨC KITÔ

Ở LẠI TRONG LỜI CỦA ĐỨC KITÔ

(Đn 3, 14-20.24-25.28; Ga 8, 31-42)

Câu chuyện về ba thanh niên trong bài đọc 1 hôm nay đáng cho chúng ta học hỏi. Họ là những người đứng vững trong đức tin của mình dù cho phải thiệt thân. Điều làm chúng ta ngạc nhiên và bị thách đố là câu trả lời của Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô với vua Na-bu-cô-đô-nô-xo:

Nếu ở trong trường hợp của ba thanh niên này, chúng ta có kiên định trong đức tin của mình vào Thiên Chúa như họ không? Nói cách khác, chúng ta có đứng vững trong đức tin nếu chúng ta nghi ngờ không biết Thiên Chúa có giải thoát mình khỏi khó khăn và đau khổ không? Chính  đời sống kiên định trong đức tin của Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô mà những người không tin vào Thiên Chúa phải thốt lên những lời tôn vinh Ngài (Đn 3, 28). Cũng vậy, chính cuộc sống trung thành với Thiên Chúa của chúng ta dù phải đối diện với khó khăn và thử thách, người khác sẽ nhận ra vinh quang và sức mạnh của Thiên Chúa đang tỏ hiện trong cuộc đời của chúng ta. Những người kiên định trong đức tin vào Thiên Chúa và không tôn thờ ngẫu tượng là những người tự do nhất.

Chúng ta là những người tự do hay nô lệ? Tự do là điều ai trong chúng ta cũng mong muốn. Ngay cả những người sống trong đời sống thánh hiến, những người đã khấn lời khấn vâng phục cũng chạy theo “phong trào đòi thêm tự do”. Nhiều người trong chúng ta hiểu tự do là không bị áp lực bên trong hoặc bên ngoài nào can thiệp vào những gì mình muốn có và muốn làm hoặc muốn là. Có hai loại tự do: tự do khỏi và tự do cho. Nhiều khi chúng ta có “tự do khỏi”, nhưng chúng ta lại không có “tự do cho”. Ví dụ, chúng ta có thể có “tự do khỏi” kiểm soát của người khác, nhưng điều đó không bảo đảm là chúng ta có “tự do cho điều tốt». Đây chính là bối cảnh để giúp chúng ta hiểu bài Tin Mừng hôm nay.

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục những gì bài Tin Mừng hôm qua để lại. Thính giả của Chúa Giêsu là những người đã tin vào Ngài khi Ngài nói với họ về mầu nhiệm vượt qua của Con Người. Nhưng niềm tin này phải biến họ trở thành môn đệ của Chúa Giêsu: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8, 31-32). Theo các học giả Kinh Thánh, khi nói về nhóm người đã tin vào Chúa Giêsu như là các môn đệ và liên kết với việc ‘ở lại trong lời Tôi’ (x. Ga 6, 56b; 14, 21, 23-24; 15, 4-10), người kể đang còn nghĩ về các Kitô hữu người Do Thái trong thời gian của mình đang phải đối diện với sự chọn lựa tiếp tục làm môn đệ Chúa Giêsu hay từ bỏ sự trung thành để tiếp tục là những môn đệ của Môsê (x. Ga 9, 27-28). Chúng ta cũng thường đứng trước chọn lựa này, trung thành với Chúa Giêsu hay đi theo lời mời gọi của thế gian. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy để cho sự thật hướng dẫn, vì chỉ có sự thật mới có thể giải phóng chúng ta. Sự thật Chúa Giêsu nói đến đây chính là Ngài. Chúa Giêsu chính là con đường duy nhất để được ơn cứu độ, được giải thoát khỏi nô lệ của tội lỗi.

Dựa vào điều này, Chúa Giêsu đưa họ đến một loại nô lệ mà họ không nghĩ rằng mình đang sống trong đó (Ga 8, 34-38). Trong những lời này, Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh tương phản giữa ‘người con’ và ‘nô lệ’ để nói đến tình cảnh của những người sống trong tội. Những người nô lệ trở thành con cái chỉ khi có người ‘Con,’ là chính Chúa Giêsu, giải phóng. Nói cách khác, chúng ta chỉ là những con người tự do khi chúng ta sống ơn gọi làm con Thiên Chúa của mình cách triệt để. Chi tiết đáng để chúng ta suy gẫm là việc Chúa Giêsu chỉ ra cho thính giả của Ngài lý do tại sao họ tìm cách giết Ngài, đó là vì “lời Ngài không thấm vào lòng họ”. Nhiều lần chúng ta cũng tìm cách giết Chúa Giêsu vì chúng ta không đem lời Ngài ra thực hành và tiếp tục sống lối sống tội lỗi. Hãy để lời Chúa thấm vào lòng chúng ta và biến đổi chúnng ta thành những người con đích thật của Thiên Chúa, những người lắng nghe lời Ngài và đem ra thực hành.

Điểm cuối cùng chúng ta có thể suy gẫm là chi tiết Chúa Giêsu giải thích cho thính giả của Ngài về việc họ không thuộc dòng dõi Ápraham. Qua điều này, Ngài gián tiếp đặt một tiêu chuẩn mới để trở nên con cái Ápraham: “Giả như các ông là con cái ông Ápraham, hẳn các ông phải làm những việc ông Ápraham đã làm. Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Điều đó, ông Ápraham đã không làm” (Ga 8, 39-40). Tiêu chuẩn đó là luôn làm theo thánh ý Thiên Chúa, là tin vào Chúa Giêsu, Đấng được sai đến. Điều này được Chúa Giêsu khẳng định trong mối tương quan của Ngài với Chúa Cha: “Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi” (Ga 8, 42). Là môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta cũng không tự mình mà đến trong thế gian này, nhưng là được Thiên Chúa muốn. Mỗi người chúng ta được sai đến với một mục đích, là làm vinh danh Thiên Chúa như Chúa Giêsu.

Hoa Ven Đường

Check Also

Suy niệm Lời Chúa – Chúa Nhật I Mùa Vọng

Suy niệm Lời Chúa – Chúa Nhật I Mùa Vọng Tỉnh thức và sẵn sàng …