Câu chuyện tuyệt vời về hành trình Emmau chỉ được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Luca. Câu chuyện này chứa đựng những chủ đề chính của Tin Mừng, đó là những chủ đề về hành trình, đức tin như hành động nhìn thấy, và hiếu khách. Bài Tin Mừng bắt đầu với sự kiện hai môn đệ “rời Giêrusalem để đi đến một làng tên là Emmau”: “Vào ngày thứ nhất trong tuần, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra” (Lc 24,13-14). Để hiểu những lời này, chúng ta cần biết rằng, trong Tin Mừng Thánh Luca, hành trình của Chúa Giêsu là “hành trình lên Giêrusalem.” Giêrusalem là trung tâm, là điểm tới hành trình của Ngài vì nơi đó có nhà của Cha Ngài, và đó cũng là nơi Ngài sẽ hoàn thành sứ mệnh mà Cha Ngài đã giao cho Ngài. Người môn đệ cũng được mời gọi đi theo hành trình này, chứ không đi ngược lại. Nhìn từ khía cạnh này, hai môn đệ đã bỏ con đường của Chúa Giêsu và đi ngược lại với hành trình của Ngài vì Ngài không thực hiện được những điều mà họ kỳ vọng vào Ngài (x. câu 21). Sự bất trung của họ đối ngược với sự trung thành của những người phụ nữ (x. Lc 23, 49-24,12). Nói cách cụ thể hơn, họ chạy trốn những biến cố đau thương của cuộc sống người môn đệ, họ chạy trốn không dám đối diện với những đòi hỏi của người môn đệ. Đây cũng là hình ảnh của mỗi người chúng ta. Nhiều lần chúng ta cũng không muốn đi theo hành trình Thiên Chúa đã vạch ra cho chúng ta mà muốn tạo hành trình riêng cho chính mình. Thánh Luca đã sử dụng đề tài hành trình trong câu chuyện này để nhắc nhở chúng ta rằng: Giống như Chúa Giêsu đã hoà giải hai người môn đệ trên đường Emmau và giúp họ trở lại với hành trình lên Giêrusalem của Ngài, Ngài cũng muốn hoà giải với chúng ta để chúng ta không còn đi theo hành trình của riêng mình nữa, mà chỉ đi theo hành trình của Chúa Giêsu mà thôi.
Đối diện với sự “bất trung”, Chúa Giêsu không bỏ rơi hai môn đệ. Ngài đã đến với và cùng họ đi trên hành trình mà họ đã vạch ra cho chính mình: “Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu” (Lc 24, 15-17). Hành động của Chúa Giêsu cho thấy Ngài không bỏ rơi chúng ta khi chúng ta không đi theo con đường của Ngài. Ngài như người cha trong câu chuyện “người cha nhân hậu” đã đi ra khỏi ‘nhà’ của mình để chờ và đón người con thứ, và một lần nữa đã đi ra ngoài con đường của mình để thuyết phục người con trưởng vào nhà và tham dự bữa tiệc. Chi tiết làm chúng ta suy gẫm là việc Ngài đến gần chúng ta khi chúng ta đi ngược với hành trình của Ngài. Ôi tình yêu thật cao vời, sâu đậm! Nhưng rồi chúng ta cũng như hai người môn đệ, đã để cho mắt mình bị những đau thương của cuộc sống che khuất không nhận ra Chúa Giêsu đang đồng hành với chúng ta. Ở đây, chúng ta thấy Thánh Luca nói về chủ đề ‘nhận ra’ hay ‘thấy.’ Đề tài này đã được thánh sử nói đến nhiều lần trong Tin Mừng của ngài (x. 9, 45; 18, 34; 23, 8.35.47-49), nhưng ở đây, thánh sử trình bày cách chi tiết về đề tài này để chỉ ra việc Chúa Giêsu mở mắt cho hai môn đệ giúp họ nhận ra ý nghĩa của tất cả những gì Ngài trải qua trong kế hoạch của Thiên Chúa. Tuy nhiên, hai người môn đệ chỉ được mở mắt hoàn toàn để nhận ra Chúa Giêsu khi họ tỏ lòng hiếu khách với Chúa như một người xa lạ qua việc mời Ngài vào “nhà mình.”
Đề tài về đức tin như sự nhìn thấy là một điểm khác để chúng ta suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay. Đề tài này liên kết chặt chẽ với hành động hiếu khách của hai môn đệ và hành động mở mắt cho hai môn đệ qua việc bẻ bánh: “Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: ‘Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.’ Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất” (Lc 24, 28-31). Trong lời mời của hai người môn đệ, Thánh Luca đưa đề tài đức tin như là sự nhìn thấy đến đỉnh cao của nó. Hai môn đệ đã được Chúa Giêsu đồng hành và giờ đây được Ngài cho mắt họ mở ra để nhận ra Ngài. Theo R. H. Smith, qua việc đồng hành với hai môn đệ, nhất là qua việc đồng bàn với họ Chúa Giêsu dạy họ rằng thần tính của Ngài không được biết đến hoặc tỏ ra trong những hành động tranh chấp hoặc trả thù hoặc ngay cả trong những dấu chỉ vĩ đại và đáng sợ, nhưng qua chính thập giá và được diễn tả trong một bữa tiệc – một hành động của sự hiếu khách, bình an, huynh đệ. Chi tiết này cho chúng ta thấy rằng, chỉ khi chúng ta mời Chúa Giêsu ở lại với mình, thì chúng ta mới có thể thấy Ngài; chỉ khi chúng ta chia sẻ trong bữa ăn với Ngài, đúng hơn trong sự sống đời đời của Ngài, chúng ta mới nhận ra Ngài là Chúa. Một điều chúng ta cần lưu ý trong những lời trên là việc các môn đệ nhận ra Chúa Giêsu trong hành động bẻ bánh. Theo các học giả Kinh Thánh, sự kiện này không được giải thích ngay là Thánh Thể, nhưng phải được liên kết với đề tài bàn ăn mà Thánh Luca đã trình bày và phát triển trong Tin Mừng của mình. Qua đề tài này, thánh sử chỉ ra rằng Nước Thiên Chúa đã đến trong việc Chúa Giêsu chia sẻ thức ăn với người khác, đặc biệt với những người bị loại bỏ. Chúa Giêsu, Đấng đã nói trong bữa tiệc ly rằng Ngài sẽ không chia sẻ thức ăn với các môn đệ cho đến khi Nước Thiên Chúa đến (x. Lc 22, 16,18), bây giờ chia sẻ thức ăn với họ và như thế chỉ ra rằng Nước Thiên Chúa đã thật sự đến rồi. Bây giờ, tại bàn ăn của Ngài không phải là những người thu thuế, nhưng là hai môn đệ, là những người đã bỏ hành trình của Ngài. Họ đã được tha thứ và sai trở lại hành trình theo Ngài của họ. Nhưng tất cả những điều này xảy ra chỉ vì họ đã rất hiếu khách. Liệu chúng ta có hiếu khách đủ để mời Chúa Giêsu đến ở với chúng ta, nhất là trong những khó khăn và đêm đen của cuộc sống không?
Bài Tin Mừng kết thúc với sự kiện hai môn đệ trở về lại với hành trình của Chúa Giêsu mà hai ông đã từ bỏ. Hành trình của người môn đệ chỉ có niềm vui khi đi cùng hành trình với Chúa Giêsu, hành trình lên Giêrusalem: “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: ‘Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simôn’. Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (Lc 24, 33-35). Những lời này mời gọi chúng ta nhìn lại hành trình mình đang đi: vui hay buồn. Những ai đi theo hành trình của Chúa Giêsu luôn cảm nghiệm được niềm vui thật sâu kín dù phải gặp nhiều thử thách và khó khăn. Còn những ai không đi theo hành trình của Chúa Giêsu, chỉ kết thúc trong buồn sầu và thất vọng dù đạt được những vinh quang ở đời.
Hoa Ven Đường