NGƯỜI VẪN ĐANG SỐNG ĐẤY THÔI…

(Từ cảm nhận của một tập sinh)

   Tình cha là chủ đề không mới nhưng chưa bao giờ là cũ, đó là thứ tình cảm sâu thẳm, thiêng liêng nhất nơi mỗi con người. Tình cha đã khơi nguồn cảm hứng cho biết bao nhà văn, nhà thơ viết lên những tác phẩm để đời. Mỗi chúng ta được sinh ra trong cuộc đời, ai cũng cần có một người cha. Với gần 400 nữ tu Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu, ngoài Thiên Chúa là Cha – Đấng tạo thành trời đất, ngoài người cha cho chúng tôi được hiện hữu trên đời, chúng tôi còn có một người cha đặc biệt – Ngài là Đấng sáng lập, là tổ phụ của Hội Dòng: Đức Cha Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn.

   Với tôi, tâm tình giỗ cha năm nay (2022) khác hẳn những lần trước. Tôi chẳng cần tìm tòi bài hát, suy nghĩ cử điệu, trang phục, phụ kiện sao cho có một tiết mục ấn tượng vào đêm tri ân như hồi Đệ tử. Tôi cũng không còn cảm giác tò mò muốn biết xem vì lý do Covid, các dì ở xứ có về tĩnh tâm không, nếu có thì các Dì về nhiều hay ít, sắp thành bao nhiêu mâm như hồi Tiền tập. Năm nay, tôi đã là một tập sinh. Chính vì là tập sinh nên thay vì tò mò trẻ con bên ngoài, tôi giỗ cha trong sự thinh lặng. Giỗ cha không chỉ để tưởng nhớ, tri ân người đã khuất mà còn là cơ hội cho tôi được đặt mình trong mối tương quan với cha, để suy tư về cha bằng vốn kiến thức ít ỏi của mình. Thật bất ngờ, tôi đã khám phá ra được một điều thú vị cho riêng tôi. Đó là, tôi không hề cảm thấy thiệt thòi dù thuộc thế hệ sinh sau đẻ muộn, dù chưa từng được gặp cha lần nào. Bởi với tôi, người vẫn đang sống đấy thôi. Và tôi có thể gặp cha bất cứ khi nào mình muốn.

   Năm 14 tuổi, tôi xin phép bố mẹ cho đi tìm hiểu Dòng Mân Côi. Thời điểm ấy, tôi chẳng biết gì về Dòng ngoài một thông tin duy nhất được nghe từ mọi người: Đây là một trong hai dòng lớn nhất Giáo Phận Bùi Chu. Như vậy, ít nhất là 13 năm trước, Hội Dòng đã phát triển và được nhiều người biết đến. Qua một vài tài liệu và với những suy gẫm của riêng mình về Hội Dòng, tôi nhận ra chữ TĨNH trong con người cha.  Khi Hội Dòng vừa được sinh ra, cha vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các nhà phước và bộ phận nhỏ các cha trong linh mục đoàn. Mặc cho những lời gièm pha, cha vẫn điềm tĩnh, một lòng nuôi nấng và vun đắp cho con cái. Thậm chí, khi Đức Cha qua đời, một linh mục nhận định: “Dòng mới khai sinh được 2 năm mà Đấng tổ phụ đã mất thì cũng sẽ chết yểu mà thôi”. Thế nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Trải qua bao thăng trầm của thời cuộc và con người, Hội Dòng vẫn lớn lên và phát triển. Phát triển cả về cơ sở hạ tầng và nhân sự. Nếu như cha không sống, nếu như tinh thần của cha không còn, liệu Hội Dòng có được như ngày hôm nay hay không? Bởi vậy, trong tổng hội khóa XVIII, ý thức được tầm quan trọng của việc trở về nguồn và giữ gìn tinh thần nguyên thủy của Đấng sáng lập, chị em được mời gọi đào sâu về Đức Cha tổ phụ và lịch sử Dòng. Là một tập sinh, tôi càng ý thức việc phải làm sao để cha luôn sống mãi trong Hội Dòng và chính mình phải tập cho kì được tinh thần của cha.

   Từ ngày vào nhà tập, tôi được nghe các dì giáo kể nhiều đến một nữ tu. Đó là “Mẹ Lành”. Mẹ là người lái đò cần mẫn đã chở nhiều thế hệ tập sinh cập bến bình an để bây giờ khi nhìn lại, ai cũng nhắc đến mẹ với lòng biết ơn sâu sắc. Mẹ đã nêu gương sáng cả về tri thức và nhân bản. Thật thú vị khi biết rằng mẹ thuộc lớp đệ tử đầu tiên của Hội Dòng. Chính mẹ cũng có cơ hội được gặp và được Đức Cha dạy dỗ nhiều lần. Mẹ chính là nhân chứng sống sau cùng về thời khai sinh Hội Dòng. Tôi nhận ra chữ TÌNH thấm đượm trong con người cha. Không chỉ sinh ra, cha còn hết tình nuôi nấng, dạy dỗ con mình thành người. Tôi thầm nghĩ, có lẽ chính vì thế mà mẹ luôn ý thức việc mình phải truyền những gì học được nơi cha cho các thế hệ sau này. Tôi chưa từng gặp mẹ. Nhưng tôi lại có cơ hội sống cùng những con người mà mẹ đã dắt dìu. Men Hồ Ngọc Cẩn từ mẹ vẫn được truyền và thể hiện rõ nét nơi những con người ấy. Với tôi, rõ ràng là cha vẫn sống trong các dì, các chị.

   Trải qua hai tháng đời tập sinh, tôi được học nhiều hơn về cha cũng như được tiếp cận nhiều tài liệu cha viết. Điển hình là hai cuốn sách: “Vào Nhà Tập” và “Gương Mẫu Chị Tập”. Ngẫm lại tôi mới nhận ra cha tôi TINH thật. Tinh trong từ tinh anh. Có lẽ cha biết rằng lời nói rồi cũng sẽ bay đi hoặc đôi lúc người nghe lại không thể truyền đạt hết ý nên cùng với trí thông minh và tài văn chương thiên bẩm, chính cha đã viết nhiều sách để răn dạy con cái mình. Cha dạy tập sinh từng li từng tí. Nào là tinh thần nhà tập, nết xấu phải bỏ, nhân đức phải tập cho quen, cách sống bề trong, các việc thiêng liêng, về việc giữ luật nhà, về chước cám dỗ…Tôi tin là chỉ cần làm theo những gì cha dạy, tập sinh nào rồi cũng sẽ trở thành những nữ tu đẹp lòng Chúa và vui lòng mọi người. Đọc sách của cha như được nghe chính cha nói vậy. Thế là tôi có thể gặp cha một cách sống động và trọn vẹn trên từng trang sách cha viết ra.

   Đã 74 năm kể từ ngày cha từ giã Giáo Phận và Hội Dòng mà về với Chúa. Chúng con xin thắp nén hương lòng để tưởng nhớ về cha – Đấng sáng lập, Đấng tổ phụ của mỗi chúng con. Chúng con xin dâng linh hồn cha lên lòng thương xót của Chúa. Xin Chúa ban thưởng Nước Trời cho cha. Nếu cha đã được hợp đoàn cùng Chúa và các thánh trên Thiên Đàng, xin cha nhớ đến đoàn con đang ở dưới thế. Xin cho Hội Dòng ngày một thăng tiến và phát triển trong tinh thần của cha. Chúng con sẽ năng đến gặp cha hơn bởi đối với chúng con: “CHA VẪN ĐANG SỐNG ĐẤY THÔI”.

Têrêsa Bênêđicta Thánh Giá Mai Thị Tâm

                                                                      

 

Check Also

WEDNESDAY OF THE 25TH WEEK IN ORDINARY TIME

GOSPEL Lk 9:1-6 Jesus summoned the Twelve and gave them power and authority over all …