Mỗi dịp cuối năm trở về quê hương, trở về gia đình ăn tết, là dịp để các anh chị em tu sĩ của giáo xứ được họp mặt. Tuy là Giáo xứ mới thành lập, người sống đời thánh hiến còn khiêm tốn về con số nhưng rất phong phú đa dạng về các dòng, mang nhiều sắc áo khác nhau. Những nét đẹp riêng của từng anh, chị, em nơi hội dòng được chia sẻ qua lời chia sẻ thân tình, qua đời sống, qua phong cách của từng người. Từ đó, tôi nghĩ về nét đẹp Mân côi của mình, khám phá phong cách Mân côi. Đó là những gì tôi lãnh nhận từ hội dòng, nét rất riêng từ Mẹ dòng, những nét mà tôi được phác họa từ việc sống với các bà các dì các chị và các em. Mấy trăm con người đến từ môi trường hoàn cảnh khác nhau, vậy mà tạo nên những nét đẹp rất giống nhau, cùng vẽ một bức tranh trong Giáo hội những nét đẹp riêng của chị em Mân côi.
Đi đâu hay nhắc đến nữ tu Mân côi là mọi người nói với tôi “chắc lúc nào các sơ cũng lần hạt Mân côi và có lòng yêu mến Mẹ Maria cách đặc biệt”. Điều đó rất đúng với linh đạo dòng tôi và cũng là linh đạo của dòng tu khác. Trên hết với chị em Mân côi, là nét đẹp, nét riêng của các nữ tu con cái Mẹ Mân côi. Không những thế nó đã đi vào nếp sống và điều không thể thiếu với chúng tôi. “Chị em phải luôn mang tràng hạt trong mình. Chị em phải có thói quen lần hạt khi đi đường, khi chờ đợi trên xe và những lúc rảnh rỗi” đẹp hơn nữa là “Kinh Mân côi phải luôn tươi nở trên môi miệng” (NQ số 97). Lòng yêu mến Đức Mẹ của chị em không dựa vào những suy luận của lý trí, những tư tưởng thần học cao siêu, những suy tư tìm kiếm lý lẽ, nhưng dựa vào những tâm tình đạo đức rất đơn sơ cá vị với Mẹ. Từng người cảm nhận rõ sự quan phòng của Chúa và sự che chở của Mẹ. Có thể nói, tất cả nhịp sống của Mẹ dòng cũng như của từng chị em trong mọi hoàn cảnh dù lớn hay nhỏ, dù an bình hay sóng gió tất cả đều có dấu ấn của Đức Mẹ hướng dẫn, chỉ bảo khích lệ cũng như khuyên răn.
Ngoài ra, khi sống cùng các bà các dì các chị đã vẽ nên cho tôi những nét thật đẹp của đời tu. Đó là lòng yêu mến Chúa. Có lần sau giờ ăn sáng tôi đi đến nhà nguyện nhỏ của các Dì hưu dường, vừa bước chân đến cầu thang tôi nghe thấy lời bài hát “con yêu Chúa Chúa ơi, Chúa đang ngự đây”. Được cất lên bởi các dì cao niên, ở tuổi hưu dưỡng có bà mắt đã mờ, có người phải nhờ đến cây gậy mới đi được, có bà lẫm chẫm bước đi từng bước một, vậy mà mỗi sáng mỗi giờ vẫn đến với Chúa. Các bà hát hết tâm hồn với vẻ mặt thư thái, bình an và thánh thiện. Tuổi già nhưng lòng yêu Chúa vẫn sắt son và thắm nồng. Bằng tất cả sự đơn sơ cậy trông và tin tưởng Chúa, vẫn nói “Con yêu Chúa”. Khát khao nên thánh, khát khao được gặp Chúa mỗi ngày qua Thánh Thể, giờ này các Bà chỉ ước ao gặp Chúa nhãn tiền nữa thôi. Thật vậy, sống tròn đầy và sống có ý nghĩa là khi chúng ta nối nguồn với Chúa, làm mọi việc vì Đấng mà chúng ta đi theo. Đời tu đẹp gì bằng mỗi ngày nói lên với Chúa con yêu Chúa. Con yêu Chúa cũng là nói lên con yêu công đoàn này, con yêu chị em con nơi mà Chúa đang ngự ở đây.
Từ nét đó trải đến nét đẹp của sự hy sinh trong tinh thần vui vẻ. Sống trong xã hội nhu cầu hưởng thụ, nhu cầu được an nhàn. Vậy mà có những hình bóng thật đẹp trong cộng đoàn, sống ngược dòng đời, tận tụy, âm thầm, phục vụ chị em, phục vụ Giáo hội. Tôi nhận rõ điều đó nơi các chị đang cùng sống với mình. Các chị luôn dành lấy sự khó nhọc nơi mình để các em làm những việc nhẹ nhàng hơn. Nhân đức hy sinh như ăn sâu vào tâm can của các dì, các chị, hy sinh chút sức lực của mình để chị em có cái mặc, có đồ ăn ngon có sức khỏe làm việc, hy sinh làm những việc chẳng ai muốn đụng chân đụng tay. Nhiều khi như muốn nhịn đi để hòa mình vào với sự khác biệt của nhau, tạo nên bầu khí hòa thuận, ấm êm trong cộng đoàn.
Chỉ với nét suy tư nhỏ mọn này vẽ lên phần nào vẻ đẹp của người nữ tu Mân côi, tuy còn hạn hẹp và chưa lột tả đầy đủ bằng ngôn ngữ, nhưng đó là những nét rất chân thật mà chính tôi đã bắt gặp đã sống. Phần nào cũng đủ để làm nên nhân cách người nữ tu của tôi. Mỗi ngày sống tiếp theo sẽ là những nét đẹp này và còn có những nét khác nữa, ước mong nó được lớn dần và làm cho những nét dang dở được đầy đặn nhờ tình yêu Chúa và tình liên đới trong cộng đoàn.
GIÊRÔNIMÔ NGUYỄN