NÊN HOÀN THIỆN TRONG TÌNH YÊU

Ai trong chúng ta cũng có thể có một lần ký hợp đồng. Những người lập gia đình thì “ký hợp đồng với nhau” trong ngày cưới. Còn những người đi tu thì “ký hợp đồng với Chúa” trong ngày tuyên khấn hoặc chịu chức. Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta nghe việc ký kết “hợp đồng” giữa Thiên Chúa và dân Israel. Giống như tất cả các bản hợp đồng khác, hợp đồng giữa Thiên Chúa và dân Israel cũng gồm có những điều kiện mà hai bên phải thực hiện, đồng thời những lợi ích mà hai bên sẽ hưởng.

Bản “hợp đồng” giữa Thiên Chúa và dân Israel bắt đầu với những lời khuyến dụ chân thành rằng dân Israel phải đem ra thực hành tất cả những điều kiện trong bản “hợp đồng”: “Hôm nay, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, truyền cho anh em đem ra thực hành các thánh chỉ và quyết định này. Anh em phải hết lòng hết dạ tuân giữ và đem ra thực hành các điều ấy” (Đnl 26, 16). Một bản hợp đồng bị phá huỷ là bản hợp đồng được ký kết nhưng không được thực hiện. Thiên Chúa nhắc nhở dân Israel lưu tâm điều này vì Ngài biết họ là “dân cứng cổ cứng đầu” (x. Xh 32, 9).

Phần kế tiếp của bài đọc 1 trình bày nội dung hay điều kiện của hai bên: về phía Thiên Chúa, Ngài sẽ là Thiên Chúa của dân Israel; còn về phía dân Israel, họ “phải đi theo đường lối của Người, giữ các thánh chỉ, mệnh lệnh, quyết định của Người, và nghe tiếng Người” (Đnl 26, 17). Chúng ta thấy có ba điều kiện mà dân Israel phải thực hiện; và ba điều kiện này được diễn tả trong ba động từ: đi theo, tuân giữ và nghe tiếng Thiên Chúa. Đây cũng chính là ba hành động mà Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài và mỗi người chúng ta thực hiện trong từng giây phút sống. Trong ba hành động này, hai hành động sau hiện thực hoá hành động đầu: Dấu hiệu một người đi theo đường lối Thiên Chúa là tuân giữ các thánh chỉ, mệnh lệnh và quyết định của Ngài và nghe tiếng Ngài. Nói cách khác, người đi theo Thiên Chúa là người lắng nghe và tuân giữ lời của Ngài.

Bản hợp đồng kết thúc với lợi ích mà dân Israel sẽ nhận được khi họ thực hiện các điều kiện của hợp đồng; đó là, Thiên Chúa “sẽ cho anh em vượt mọi dân tộc Người đã tạo dựng, xét về vinh dự, danh tiếng và vinh quang, rằng anh em sẽ là một dân thánh hiến cho Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, như Người đã phán” (Đnl 26, 19). Chúng ta thấy trong bản hợp đồng này không nói đến lợi ích về phía Thiên Chúa. Như vậy, bản hợp đồng này xét về phía lợi ích thì nó chỉ có một chiều. Đây là điều chúng ta cảm nghiệm trong đời sống thường ngày của chúng ta. Chúng ta đón nhận mọi sự từ Thiên Chúa như ân ban. Đôi khi chúng ta làm được một vài việc tốt và chúng ta nói là làm để tôn vinh Thiên Chúa. Nhưng xét lại chúng ta thấy vinh quang đó được gán cho mình nhiều hơn. Có mấy người trong chúng ta tôn vinh Thiên Chúa khi một người thân hoặc một người khác thành công! Thay vì tôn vinh Thiên Chúa, chúng ta tôn vinh người đó nhiều hơn và cảm thấy hãnh diện về họ, còn Thiên Chúa thì bị lãng quên.

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu giải thích giới luật yêu thương cho các môn đệ: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 43-44). Giới luật yêu đồng loại được trích từ Sách Lêvi (19, 18), còn việc ghét kẻ thù thì không tìm thấy trong Cựu Ước. Đây chỉ là một nghệ thuật viết để trình bày điều mà mỗi người đều biết, đó là phải yêu người thân cận, còn việc ghét kẻ thù là điều không cần phải dạy, vì nó tiềm tàng trong bản năng của con người. Chúa Giêsu muốn vượt qua bản tính tự nhiên, Ngài kêu mời các môn đệ của Ngài phải có một con tim rộng mở và tha thứ. Nói cách khác, họ không sống theo bản tính tự nhiên của họ, nhưng sống theo thánh ý Thiên Chúa. Khi thi hành điều này, họ trở nên con cái của Thiên Chúa: “Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5, 45). Trong những lời này, Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài phải có thái độ không phân biệt giữa bạn hữu và kẻ thù giống như Thiên Chúa đã tỏ ra trong việc Ngài trao ban ánh sáng mặt trời và mưa. Khi sống theo sự quan phòng giống Thiên Chúa, các môn đệ tỏ cho mọi người biết họ là con cái Thiên Chúa.

Nếu là con cái Thiên Chúa, các môn đệ phải sống khác với những người khác trong đời sống yêu thương và bác ái: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5, 46-47). Trong những lời này, chúng ta thấy Chúa Giêsu đòi hỏi tình yêu của các môn đệ phải vượt ra khỏi một nhóm người mà họ cảm thấy gần gũi. Con tim của người môn đệ phải có khả năng mở rộng cho hết mọi người, ngay cả những người mình không thích hay không thích mình. Đây chính là dấu chỉ làm cho người môn đệ Chúa Giêsu khác với những người khác, hay đúng hơn là làm cho sự công chính của họ trổi vượt hơn sự công chính của các luật sĩ và người Pharisêu. Đồng thời đây cũng là dấu hiệu cho thấy họ đang đáp lại lời mời gọi trở nên giống Thiên Chúa, Đấng hoàn thiện: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48).

Hoa Ven Đường

Check Also

TÂM TÌNH THƠ MỌN BÊN CHA

TÂM TÌNH THƠ MỌN BÊN CHA                    …