MỘT NGƯỜI CHẾT THAY CHO DÂN

MỘT NGƯỜI CHẾT THAY CHO DÂN

(Ed 37, 21-28; Ga 11, 45-57)

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta “hệ quả” của việc Chúa Giêsu cho Ladarô sống lại. Theo các học giả Kinh Thánh, trong Tin Mừng của Thánh Gioan, dấu lạ cuối cùng này của Chúa Giêsu mang lại một dòng người tin vào Chúa Giêsu và tiếp tục cho đến khi Ngài vào thành Giêrusalem. Bên cạnh đó, Tin Mừng cũng trình bày cho chúng ta biết Giêrusalem là nơi mà những người có quyền kiểm soát hết các hoạt động: Họ kiểm tra Gioan Tẩy Giả (Ga 1, 19,24) và điều tra các phép lạ của Chúa Giêsu (x. Ga 5, 10,15; 9, 13; 11, 46). Điều đầu tiên chúng ta có thể suy gẫm là sự kiện Chúa Giêsu cho Ladarô sống lại làm trỗi dậy hai phải ứng khác nhau: Một số tin vào Chúa Giêsu: “Khi ấy, sau khi ông Ladarô sống lại ra khỏi mồ, trong số những người Do Thái đến thăm cô Maria và được chứng kiến việc Đức Giêsu làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người” (Ga 11, 45), nhưng ngược lại, có một số tìm cách giết người: “Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pharisêu và kể cho họ những gì Đức Giêsu đã làm. Vậy các thượng tế và các người Pharisêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: ‘Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta’” (Ga 11, 46-48). Chi tiết này khuyến cáo chúng ta rằng: Cùng một sự kiện, nhưng có những phản ứng khác nhau. Nó lệ thuộc vào động lực của người chứng kiến hoặc nghe về sự kiện đó. Nếu là người có thiện cảm, thì phản ứng sẽ dễ dàng, còn người không có thiện cảm sẽ có thái độ và những nhận xét không hay về sự kiện.

Trọng tâm của bài Tin Mừng hôm nay là lời tiên tri của Caipha về Chúa Giêsu: “Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Caipha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: ‘Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt’” (Ga 11, 49-50). Đây là chi tiết mà các học giả không biết rõ về mục đích của thánh sử. Đa số tự hỏi không biết thánh sử có lẫn lộn trong sự hiểu biết của mình về chức vị thượng tế và nghĩ rằng họ chỉ giữ chức vụ đó một năm hoặc có ý nói là Caipha là thượng tế ‘trong năm đó.’ Trong Ga 18, 13, chúng ta được cho biết là Annas, bố vợ của Caipha là thượng tế. Mặc dù bị kiểm soát bởi những gia đình thượng lưu, những ai được chọn vào chức vụ thượng tế giữ chức vụ bao lâu người La Mã cho phép. Caipha giữ chức thượng tế từ năm 18 và có thể tiếp tục thêm một thời gian ngắn sau khi Philatô hết quyền lực năm 36. Mặc dù thánh sử không rõ về những chi tiết, một lời giới thiệu về những quan tâm của mình về phản ứng của người La Mã trước một người lãnh đạo nổi tiếng như Chúa Giêsu là một lời giới thiệu xứng hợp để giải thích lý do tại sao người Do Thái phải nhóm họp hội đồng. Đến đây, chúng ta có thể hiểu được ý của thánh sử, đó là không nhằm mục đích cung cấp những chi tiết chính xác về lịch sử liên quan đến chức thượng tế, nhưng là để cho thấy cái chết của Chúa Giêsu liên quan đến hai quyền lực: chính trị và tôn giáo. Trong lời tiên tri của Caipha, chúng ta thấy cái chết của Chúa Giêsu không chỉ cho một số người, nhưng cho ‘toàn dân’. Tuy nhiên, thính giả của Thánh Gioan biết rằng cái chết của Chúa Giêsu không ngăn những người La Mã đến và phá huỷ Đền Thờ.

Thánh Gioan cho biết những lời này không phải tự ông nói ra, nhưng ông nói trên danh nghĩa là vị thượng tế năm ấy: “Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11, 51-52). Trong những lời này, chúng ta thấy rõ hai mục đích chính của cái chết của Chúa Giêsu, đó là chết thay cho toàn dân và quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. Điều này cho thấy cái chết của Chúa Giêsu là sự diễn tả đặc tính hy tế và không chỉ cho dân Do Thái mà thôi, như cho toàn thế gian. Điều này mời gọi chúng ta suy gẫm về cái chết của Chúa Giêsu cũng là cho chúng ta và để đưa chúng ta làm một trong Thiên Chúa. Nói cách cụ thể hơn, cái chết của Chúa Giêsu mang lại sự hiệp nhất. Chúng ta đừng làm cho cái chết của Chúa Giêsu trở nên vô nghĩa bằng đời sống chia rẽ của mình.

Đứng trước mưu tính của người Do Thái, “Đức Giêsu không đi lại công khai giữa người Do Thái nữa; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Épraim. Người ở lại đó với các môn đệ” (Ga 11, 54). Mặc dù bản văn không giải thích về quyết định của hội đồng về cái chết của Chúa Giêsu trở thành công cộng, thái độ chống đối của người Do Thái là nguyên nhân dẫn đến việc Chúa Giêsu không còn đi lại công khai, nhưng ẩn mình nơi thanh vắng với các môn đệ. Nhìn từ góc cạnh khác, chúng ta thấy việc Chúa Giêsu tránh về nơi thanh vắng là để chuẩn bị mình và các môn đệ cho biến cố sắp xảy ra hầu mang vinh quang cho Thiên Chúa. Điều này dạy chúng ta rằng: Trước khi làm những điều quan trọng, chúng ta cũng phải lui về nơi thanh vắng để kết hợp mật thiết với Chúa trong đời sống cầu nguyện và tìm thánh ý Thiên Chúa. Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể sẵn sàng đối diện với bất kỳ điều gì sẽ đến trong việc thi hành ý Chúa.

Bài Tin Mừng lại kết thúc với hai thái độ trái ngược nhau trước sự kiện Chúa Giêsu có lên Giêrusalem trong dịp lễ Vượt Qua hay không: “Khi ấy sắp đến lễ Vượt Qua của người Do Thái. Từ miền quê, nhiều người lên Giêrusalem để cử hành các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ. Họ tìm Đức Giêsu và đứng trong Đền Thờ bàn tán với nhau: ‘Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ thế không?’ Còn các thượng tế và người Pharisêu thì ra lệnh: ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt” (Ga 11, 55-57). Lại một lần nữa, chúng ta được mời gọi nhìn lại thái độ và lối sống của mình. Chúng ta cũng được nhắc nhở phải cẩn thận trong suy đoán và quyết định của mình vì cái xảy ra bên ngoài không quan trọng cho bằng những gì đang xảy ra trong chúng ta.

Hoa Ven Đường

Check Also

Cộng đoàn Mân Côi Bùi Đệ – Trường Mầm non Rosa

Cộng đoàn Mân Côi Bùi Đệ – Trường Mầm non Rosa        Chắp cánh yêu …