MỘT NGÀY LÀM VIỆC CỦA ĐỨC GIÊSU
THỨ TƯ TUẦN I-MÙA THƯỜNG NIÊN
(Mc 1, 29-39)
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục kể về ngày sống và làm việc của Chúa Giêsu, nhưng có sự thay đổi trong bối cảnh, Chúa Giêsu không còn đi một mình, Ngài đem các môn đệ đầu tiên đi với Ngài trong công việc giảng dạy, chữa bệnh và trừ quỷ. Chúng ta có thể rút ra một vài điểm gợi ý sau để suy gẫm.
Thứ nhất là thái độ của mẹ vợ của Simon Phêrô: Ngay khi được chữa lành, “bà phục vụ các ngài” (Mc 1, 31). Bà phục vụ các Ngài có thể là do lòng hiếu khách mà mỗi người Do Thái cần phải có. Tuy nhiên, trong ‘bối cảnh gần’ của bài Tin Mừng hôm nay, bà phục vụ các ngài vì lòng biết ơn: Biết ơn vì Chúa Giêsu đã chữa lành bệnh cho bà. Trong bối cảnh này, phục vụ chính là thái độ của lòng biết ơn về những gì người khác làm cho mình! Điều này thật khó hiểu cho chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta thường xem việc phục vụ như là bổn phận, đôi khi là một gánh nặng mà chúng ta miễn cưỡng chấp nhận. Nếu chúng ta biết chúng ta đã nhận được những gì từ nơi Chúa, thì thái độ phục vụ của chúng ta sẽ khác và cái nhìn của chúng ta cũng sẽ khác. Người không biết những ơn lành mình đã nhận được từ Thiên Chúa thì sẽ không có lòng biết ơn; và khi không có lòng biết ơn thì sẽ xem việc phục vụ là một gánh nặng. Phục vụ không có gì hơn là việc chia sẻ những ơn lành mình đã nhận được từ Thiên Chúa cho anh chị em của mình.
Thứ hai là chương trình sống trong một ngày làm việc của Chúa Giêsu. Sau khi giảng dạy trong hội đường và chữa lành người bị quỷ ám [được trình thuật trong bài Tin Mừng hôm qua], Chúa Giêsu đi thăm người thân của các môn đệ (mẹ vợ Simon Phêrô); chiều đến tiếp tục công việc chữa bệnh: “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người” (Mc 1, 32); “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1, 35). Từ bài Tin Mừng hôm nay với bài Tin Mừng hôm qua, chúng ta có thời khoá biểu ngày sống của Chúa Giêsu: Ngài bắt đầu ngày sống trong hội đường – nơi đọc Lời Chúa, chiều đến chữa bệnh và trừ quỷ, sáng sớm Ngài tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện. Chúa Giêsu luôn bắt đầu ngày sống của Ngài với tương quan mật thiết với Chúa Cha. Đây là công việc chính yếu của Ngài, còn những việc khác chỉ là “hoa trái” của sự “thân mật với Chúa Cha”. Chúng ta có thể nói rằng: Chính trong tương quan với Chúa Cha, đúng hơn là chính khi “ở với” Chúa Cha mà Chúa Giêsu biết những điều mình được sai đến để thực hiện. Là những người môn đệ của Chúa Giêsu, công việc chính của chúng ta là “ở lại” trong tình yêu của Ngài. Những công việc khác mà chúng ta thực hiện trong ngày chỉ là diễn tả của tình yêu chúng ta đã cảm nghiệm được khi ở với Chúa. Ai không dành thời gian để ở lại trong Chúa để cảm nghiệm sự ngọt ngào của tình yêu Chúa thì khó có thể trở nên dịu dàng và ngọt ngào khi làm việc và đối xử với người khác; từ họ chỉ nói lời chua chát và đắng cay. Những ai không “ở lại” trong Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, thì những hoa trái họ sinh ra không phải từ Thiên Chúa!
Thứ ba là việc Chúa Giêsu không cho quỷ nói về Người: “Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai” (Mc 1, 32). Đây là một trong những đề tài của Tin Mừng Thánh Máccô: “bí mật của Đấng Messia.” Chúa Giêsu giữ bí mật không gì khác là vì Ngài không muốn các môn đệ và những người Do Thái hiểu sai “Ngài là ai”. Trong Tin Mừng của Máccô, chân tính của Ngài sẽ được giữ bí mật và chỉ được tỏ lộ ra khi Ngài được nâng cao lên khỏi đất với lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng: “Thật, đây chính là Con Thiên Chúa” (Mc 15, 39). Đây cũng chình là lời tuyên xưng mà Máccô bắt đầu Tin Mừng của mình (x. Mc 1, 1). Theo Máccô, Chúa Giêsu là Messia không phải chỉ trong lúc làm phép lạ và trừ quỷ. Ngài là Đấng Messia khi quyền lực của ma quỷ hoàn toàn bị huỷ diệt qua cái chết trên thập giá của Ngài: Đỉnh cao của mạc khải về Đức Kitô là Con yêu dấu của Chúa Cha chính là thập giá.
Thứ tư là thái độ ‘không dính bén’ của Chúa Giêsu: “Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm kiếm. Khi gặp Người, các ông thưa: ‘Mọi người đang tìm Thầy!’ Người bảo các ông: ‘Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó’ (Mc 1, 37-38). Dù mọi người cần đến Ngài, nhưng Chúa Giêsu không để cho nhu cầu của mọi người giữ chân Ngài lại để không tiếp tục thực hiện điều Ngài được sai đến. Đây chính là cám dỗ lớn nhất trong cuộc đời của những người môn đệ. Thái độ “không có tôi mọi sự sẽ sụp đổ” luôn là cám dỗ cho những người thành công trong công việc. Nhiều khi chúng ta xem mình như là người không thể thay thế, và như thế, chúng ta để cho nhu cầu của người khác giữ chúng ta lại trong chiến thắng mà mình đã đạt được, để rồi không còn để ý đến điều Chúa muốn. Làm cho người khác cần mình thì không khó! Nhưng làm cho người khác “cần Chúa” hơn cần mình thì không dễ!
Hoa Ven Đường