MỌI SỰ ĐƯỢC HOÀN THÀNH TRONG ĐỨC KITÔ
THỨ NĂM SAU LỄ CHÚA HIỂN LINH
(1 Ga 4, 19 – 5, 4; Lc 4, 14-22a)
Trong những ngày qua, chúng ta đang nghe về sứ vụ của Chúa Giêsu ở Galilê qua trình thuật từ Tin Mừng của Thánh Mátthêu và Máccô. Hôm nay, chúng ta cùng nghe trình thuật của Thánh Sử Luca về sứ vụ này ở Galilê. Đối với Thánh Luca, không chỉ Giêrusalem [thành mà trong đó lời hứa của Thiên Chúa được hoàn thành] mà còn cả Galilê mang ý nghĩa thần học sâu xa. Galilê là lãnh địa, trong đó Thánh Luca bắt đầu mô tả ý nghĩa của Nước Thiên Chúa. Một trong những chi tiết quan trọng được nêu bật trong Tin Mừng Thánh Luca là việc Chúa Giêsu luôn hoạt động dưới sự tác động của Thần Khí: “Khi ấy, được đầy quyền năng Thần Khí, Đức Giêsu trở về miền Galilê, và tiếng đồn Người lan ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và được mọi người tôn vinh” (Lc 4, 14-15). Chi tiết này cho thấy việc công bố Tin Mừng Nước Trời của Chúa Giêsu bằng lời và hành động phát xuất từ Thần Khí sáng tạo của Thiên Chúa (x. Lc 3, 21-22). Điều này mời gọi chúng ta ý thức hơn về sự hiện diện của Thần Khí sáng tạo của Thiên Chúa trong công việc rao giảng Tin Mừng qua lời nói và hành động của chúng ta.
Sứ vụ của Chúa Giêsu là hoàn thành lời sấm của Ngôn Sứ Isaia: “Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa” (Lc 4, 18-19). Trong phần này, chúng ta thấy Thánh Luca đang nói về đề tài lời hứa và sự hoàn thành. Đây là một đề tài quan trọng trong thần học của Thánh Luca. Theo các học giả Kinh Thánh, đoạn trích từ Isaia trên được lấy từ Is 61, 1a,b,d; 58, 6d; và 61, 2a. Khi trích Isaia, Thánh Luca bỏ đi những yếu tố ‘thiêng liêng hoá’ của bản văn hoặc giới hạn điểm tập trung của nó trên Israel ‘thật’. Thật vậy, thánh sử bỏ đi Is 61:1c: ‘băng bó những tấm lòng tan nát’, và Is 61, 2b-3a: “[công bố] một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta; Người sai tôi đi an ủi mọi kẻ khóc than, tặng cho những kẻ khóc than ở Xion tấm khăn đại lễ thay tro bụi, dầu thơm hoan lạc thay tang chế, áo ngày hội thay tâm thần sầu não”. Khi bỏ đi những điểm này, Thánh Luca muốn tập trung vào những điều chính yếu sứ vụ của Chúa Giêsu mà ngài sẽ trình thuật lại trong những trang tiếp theo của Tin Mừng. Cuộc sống mỗi người chúng ta là một sứ vụ. Chúng ta có biết đâu là những điều quan trong chúng ta cần phải tập trung vào để thực hiện không? Hay chúng ta chỉ như những người bị cuốn theo chiều gió mà không biết đâu là điều quan trọng cần làm, đâu là điều chính yếu?
Điểm cuối cùng Thánh Luca nhấn mạnh đến chính là việc khẳng định Chúa Giêsu là sự hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa: “Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường rồi ngồi xuống. Trong hội đường, trăm con mắt đều đổ dồn về phía Người. Người bắt đầu nói với họ: ‘Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe.’ Mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra” (Lc 4, 20-22). Trong những lời này, chúng ta thấy Chúa Giêsu là một thầy dạy rất tuyệt vời. Điều này được diễn tả qua chi tiết mọi con mắt đổ dồn về phía Người và mọi người đều tán thành và thán phục những lời từ miệng Người nói ra. Là những người môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi tiếp tục sứ vụ của Ngài. Tuy nhiên, khi nhìn lại bản thân, nhiều lần trong cuộc sống chúng ta đã không dùng lời từ miệng nói ra để công bố Tin Mừng Nước Trời, nhưng dùng những lời đó để làm tổn thương người khác, chỉ trích người thân cận. Lời Chúa mời gọi chúng ta biến lời nói của mình thành khí cụ rao giảng Tin Mừng, để qua lời nói của chúng ta, mọi người tán thành, thán phục và tôn vinh Thiên Chúa.
Hoa Ven Đường