Sống trầm lặng là một tâm thái của con người trưởng thành, điềm tĩnh, đã trải qua một quá trình tự đào luyện và sống cuộc đời nội tâm sâu sắc, luôn hướng tới điều tốt và nghĩ điều tích cực cho mọi người. Richard Foster, tác giả cuốn sách “Kỷ luật” đã viết rằng : “Hoa trái của trầm lặng là một sự tế nhị ngày một gia tăng và sự cảm thông đối với người khác. Thêm vào đó, có một sự dễ dàng đi tìm gặp người khác. Có một sự chú ý mới để đáp ứng nhu cầu của tha nhân và có một sự đáp trả mới đối với trái tim của họ”. Thế nhưng, ngày nay, khi nhắc đến thinh lặng, (hoặc từ trầm tĩnh và lặng thầm) có vẻ như rất nhiều người sợ, họ rất sợ sự tĩnh lặng và cố gắng lấp đầy sự thinh lặng bằng các tiếng động, nghe nhạc, hét thật to, bằng sự giao tiếp… Nói, nói cái gì cũng được, miễn là nói…
Nhưng ta có thể im lặng, bởi vì ta không thèm nói và cũng có thể im lặng vì ta đang tức giận đến tột độ hoặc đau khổ đến không thốt lên lời, nếu chúng ta muốn nghe thì chúng ta phải im lặng. Thinh lặng là con đường mà qua đó ta tìm hiểu được chính mình. Thường thường, chính chúng ta cũng ngạc nhiên thấy mình tự chạy trốn mình và không thích ở một mình, chúng ta lại thích có một cái gì đó để làm. Pauld Xardel đã nói : “Người ta sẽ tin bạn không phải vì bạn nói nhiều nhưng vì bạn biết thinh lặng để lắng nghe”.
Khi nói tới sự thinh lặng trầm lắng đó, chúng ta nghĩ ngay tới mẫu gương sáng ngời là Cha Thánh Giu-se, mà Giáo Hội dành riêng tháng ba để mừng kính ngài. Thánh Cả Giu-se, ngài chính là mẫu gương tiêu biểu về tinh thần trầm lặng, hy sinh, nói ít mà làm nhiều…
Lần giở từng trang Kinh Thánh, chúng ta không hề nghe được một câu nói nào thốt ra từ chính môi miệng ngài. Có thể nói cuộc đời của thánh Cả được trải qua ba bước: thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa, lắng nghe rồi suy niệm và một khi đã nhận ra được ý Chúa thì mau mắn thi hành. Thánh Cả đã sống trọn vẹn phận mình trong niềm tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa. Dù gặp bất kỳ chuyện gì xảy ra, ngài không hề kêu trách, ca thán hay nói nhiều, ngài im lặng lắng nghe và thực thi thánh ý Chúa.
Khi đối diện với những điều mà trí lực phàm nhân không tài nào thấu hiểu, ngài vẫn trọn một niềm trông cậy, bởi lẽ Thiên Chúa có ý định của riêng Người, chuyện của ngài là im lặng đón nhận và khiêm tốn thi hành. Cõi lòng thánh Cả được dành riêng cho Chúa và để nói với Chúa, đối thoại với Chúa trong chiều sâu đức tin. Chính trong sự thầm lặng đầy niềm tin, thánh Cả đã đón nhận mặc khải về việc đầu thai nhiệm lạ của Ngôi Hai Thiên Chúa cùng với lời sứ thần mời gọi hãy đón nhận và cư xử như là cha của con trẻ.
Ngay cả nơi hang đá Bêlem, khi đối diện với mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, thánh nhân cũng im lặng. Không phải thánh nhân là con người lạnh lùng vô cảm, nhưng thật ra đối với ngài, sự thầm lặng ấy đã là một “bài thánh ca không lời”.
Sau này, khi gặp lại Chúa Giêsu trong đền thờ, thánh Giuse cũng giữ im lặng đang lúc tâm hồn ngài đi từ nỗi lo đến niềm vui. Ngài để cho Đức Maria chia sẻ nỗi xúc cảm chung của hai người. Dĩ nhiên, với tư cách là cha, là chủ gia đình, ngài có quyền lên tiếng và đòi con trẻ giải thích về cách cư xử như thế, nhưng ngài lại cứ thích lu mờ đi và nhường bước để cho Đức Maria lên tiếng.
Cuối cùng, nếu muốn hình dung thánh Giuse trong cuộc sống đời thường tại Nadarét, ta cũng chỉ có thể hình dung ngài trong chính thái độ thầm lặng mà thôi. Tin Mừng tuyệt nhiên không nói gì về cuộc sống của ngài tại Nadarét. Điều duy nhất ta biết được là ngài làm nghề thợ mộc và ngay cả chi tiết nhỏ nhặt này nữa, ta cũng chỉ biết nhờ những người đồng hương khi gọi Đức Giêsu là “con bác thợ mộc” mà thôi. Rồi ngài qua đời khi nào và được mai táng ở đâu nào có ai hay! Thầm lặng đến độ “tự huỷ” xem ra là những nét lớn được nối kết với nhau nơi cuộc đời của thánh Cả.
Chiêm ngắm cuộc đời thánh Cả Giuse chúng ta học được giá trị của bài học trầm lặng. Trầm lặng để có thể lắng nghe tiếng Chúa trong một thế giới ồn ào và tràn ngập lời lẽ của con người, để có thể sống thật với chính mình hơn khi đối diện với Thiên Chúa, cho dù phải chấp nhận đi ngược lại những gì người đời mong đợi. Và cuối cùng, trầm lặng để ta kết hiệp mật thiết hơn với Thiên Chúa, giúp ta có cơ hội nhìn lại mình, sửa mình và sống tốt lành hơn.
Quả thế, chính trong sự trầm lặng mà ta học được nơi Thánh Giu-se, chúng ta biết khám phá ra được nhiều phương cách sáng tạo để đi tới với những người kém may mắn hơn ta. Sự trầm lặng thực sự trước mặt Thiên Chúa đó chính là sự chú ý tập chung để lắng nghe. Khi nói về trầm lặng có vẻ như cũng hấp dẫn, nhưng nhiều người trong chúng ta không khỏi cảm thấy thật khó để có thể nghe theo lời mời gọi của Thiên Chúa mà thực hành trong thinh lặng để nhận ra Người là Thiên Chúa, là tình yêu và là lẽ sống.
Là những người được Thánh hiến cho Thiên Chúa qua Hội dòng, chúng ta đã đáp lại lời mời gọi của Chúa, theo Chúa, sống với Chúa. Nên sự trầm lặng rất cần để giúp tâm hồn ta tĩnh lặng, điềm đạm, tự chủ, quân bình, biết chắt lọc những âm thanh cần thiết giữa bao tiếng ồn ào của cuộc sống, và luôn chọn Chúa là người thần tượng của đời ta, như Thánh Cả Giu-se, luôn sống trầm lặng để lắng nghe Người và thi hành ý muốn của Chúa: “Hồn con, con vẫn trước sau. Giữ cho thinh lặng giữ sao thanh bình. Như trẻ thơ nép mình long mẹ. Trong con hồn lặng lẽ an vui” (TV 131).
Nt: Lặng Thầm, Fmsr