MANG CHÚA ĐẾN CHO NGƯỜI KHÁC

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính lễ Mẹ Maria Thăm Viếng Bà Êlisabét. Đây là một trong những lễ quan trọng có nền tảng trong Kinh Thánh để mừng kính Mẹ Maria. Đây cũng là lễ mà qua đó chúng ta rút ra được nhiều bài học bổ ích cho tương quan của chúng ta với những người khác, nhất là với những người thân đang cần chúng ta giúp đỡ.

Không ai trong chúng ta muốn sống cô độc. Chúng ta sinh ra là sống với và sống cho nhau. Sự “lệ thuộc” vào nhau này được diễn tả cách cụ thể qua những lần chúng ta đi thăm nhau. Có những cuộc thăm viếng vì bắt buộc, nhưng cũng có những cuộc thăm viếng được thực hiện cách tự do; có những cuộc thăm viếng với ý hướng tốt, nhưng cũng có những cuộc thăm viếng với ý hướng xấu; có những cuộc thăm viếng xảy ra vì yêu thương, nhưng cũng có những cuộc thăm viếng mang lại hận thù. Thật vậy, có nhiều lý do và nhiều hoàn cảnh để thăm viếng nhau. Từ trong thâm sâu của cõi lòng, chúng ta muốn được người khác thăm viếng, nhất là trong những lúc cô đơn, khó khăn và thử thách. Nhưng cũng có một số người trong chúng ta không muốn người khác đến thăm vì chúng ta sợ phải cởi mở, sợ bị làm phiền và sợ phải yêu thương và tha thứ. Cuộc thăm viếng giữa Mẹ Maria và bà Êlisabét mà chúng ta kính nhớ hôm nay khác với tất cả những cuộc thăm viếng khác. Đây là cuộc thăm viếng không chỉ của một người mẹ cho một người mẹ, nhưng là cuộc thăm viếng của Thiên Chúa cho dân của Ngài. Đây là một cuộc thăm viếng tràn ngập niềm vui ơn cứu độ.

Bài Tin Mừng hôm nay vẽ ra trước mặt chúng ta hình ảnh thật tuyệt vời của một cuộc gặp gỡ đầy yêu thương và chan chứa niềm vui giữa hai người mẹ và hai người con. Thật cảm động khi vừa được tin người chị họ của mình là bà Êlisabét mang thai được sáu tháng, Mẹ Maria liền vội vã “đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa” để thăm bà. Chúng ta không biết động lực thúc đẩy Mẹ Maria đi thăm viếng bà Êlisabét là gì vì không được trình bày rõ ràng trong Kinh Thánh. Các học giả về Kinh Thánh có những ý kiến khác nhau về điểm này: (1) một số cho rằng động lực chính thúc đẩy Mẹ Maria thăm viếng bà Êlisabét là muốn giúp bà trong những ngày tháng cuối của thời kỳ mang thai, trước khi sinh con; (2) một số khác cho rằng Mẹ Maria đến viếng thăm bà Êlisabét vì Mẹ muốn chia sẻ niềm vui có Chúa cho người chị họ của mình. Mẹ muốn chia sẻ niềm vui được Chúa làm cho mình điều trọng đại như đã làm cho người chị họ; (3) nhưng cũng có một vài người cho rằng Mẹ đi viếng thăm vì Mẹ muốn kiểm chứng lời của Thiên Thần về người chị họ của mình. Dù không được trình bày cách rõ ràng, điều chúng ta có thể khẳng định ở đây là động lực thúc đẩy Mẹ đi viếng bà Êlisabét có thể là cả hai, đó là đi để giúp người chị họ của mình đồng thời mang Chúa đến cho người chị họ và người con. Trong những cuộc viếng thăm của chúng ta dành cho nhau, đâu là động lực thúc đẩy chúng ta? Có phải các cuộc viếng thăm của chúng ta đều chan hoà niềm vui của Chúa không?

Đối với một người đang mang thai trong lúc hiếm muộn, sự thăm viếng của người thân là cơ hội để nói về những điều đang xảy ra cho mình. Tuy nhiên, bà Êlisabét đã không tập trung vào chính mình và những gì Chúa đã làm cho mình, mà tập trung vào Mẹ Maria và những gì Chúa đã làm cho Mẹ: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1, 42-45). Thái độ “quên mình” của bà Êlisabét trước mầu nhiệm của Thiên Chúa đáng để chúng ta học hỏi và bắt chước. Sống trong thế giới bị ảnh hưởng sâu xa bởi chủ nghĩa cá nhân, chúng ta thường quy chiếu mọi sự về mình hơn là về Thiên Chúa và người khác. Thái độ không nói về mình, nhưng thay vào đó là “ngợi khen” Thiên Chúa và người khác là một giá trị cần thiết cho chúng ta hôm nay. Hãy học để biết khen người khác, biết nhìn thấy những kỳ công Chúa làm trên cuộc đời của họ hơn là tìm những lỗi của họ.

Về phần mình, khi được người chị họ chúc mừng và tôn vinh, Mẹ Maria không lấy làm hãnh diện về tất cả những gì mình đang có và đang là. Mẹ quy chiếu mọi sự về Chúa. Hơn nữa, khi phân tích bài Magnificat, chúng ta nhận ra rằng, đây chính là bản tóm tắt của toàn bộ lịch sử của dân Israel. Lịch sử này đạt đến đỉnh cao trong lời “xin vâng” của Mẹ. Mẹ không tập trung vào đặc ân mà Chúa ban cho mình. Mẹ tập trung vào quyền năng và sự trung thành với lời hứa mà Thiên Chúa đã thực hiện với Abraham và giờ đây được thực hiện nơi Mẹ.

Mẹ Maria đã ở lại cho đến khi bà Êlisabét sinh hạ người con, điều này càng làm sáng tỏ động lực thúc đẩy Mẹ đi thăm bà Êlisabét: là để trợ giúp và chia sẻ niềm vui. Mẹ ở trọn ba tháng vì Mẹ muốn đồng hành với người chị họ “cho đến cùng”, cho đến cuối hành trình cưu mang và sinh con để trao ban cho thế giới. Chúng ta cần học nơi Mẹ Maria thái độ này, đó là đồng hành với người khác cho đến cùng. Chúng ta không đồng hành chỉ một đoạn đường, hay chỉ những lúc vui, những lúc chúng ta thích. Nhưng cho đến tận cuối hành trình.

 Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con noi gương Mẹ Maria về sự tận tụy của một người mẹ, về tư cách người môn đệ trung thành và về sự nhiệt thành tông đồ. Xin ban cho chúng con, theo tinh thần của Mẹ Maria, trở nên dụng cụ “thăm viếng” đầy ân sủng của Chúa đối với người nghèo, người túng thiếu, người yếu thế, người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Amen

Hoa Ven Đường

Check Also

NIỀM VUI HỘI NGỘ

 NIỀM VUI HỘI NGỘ Trong tâm tình nhớ về nguồn cội quý chị trong 4 …