LUÔN MỈM CƯỜI, CHO ĐI VÀ THA THỨ, CHÚA NHẬT VII TN.C (Lc 6,27-38)

LUÔN MỈM CƯỜI, CHO ĐI VÀ THA THỨ

CHÚA NHẬT VII TN.C (Lc 6,27-38)

       Thánh Augustino đã từng nói: “Có nhiều cách thức để làm việc bố thí, để giúp ta lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa, nhưng không có cách nào cao cả hơn là cách chúng ta tha thứ thật lòng cho người đã xúc phạm đến ta”. Trong cuộc sống, không ít lần chúng ta phải trải qua cảm giác hy vọng rồi thất vọng vì một ai đó, những đau khổ, tổn thương do bị phản bội khiến chúng ta cảm thấy khổ sở và oán hận. Bao dung với người khác, sống tích cực và vui tươi, chính là ta đã chừa cho mình một lối thoát, một con đường để đi. Tha thứ cho người khác cũng là bao dung cho chính mình. Vì vậy, chúng ta hãy học cách tha thứ để quên đi những lỗi lầm mà người khác đã gây ra, hay làm tổn thương tới chúng ta trong cuộc sống này.

      Tuy nhiên, quảng đại, tha thứ là đi bước trước trong tình yêu, sẽ giúp cho chính bản thân ta được thư thái bình an. Khi gặp phải tổn thương, phản bội chúng ta thường mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn, và nghĩ rằng nếu tha thứ thì được xem là như chưa từng xảy ra chuyện gì, họ không đáng được tha thứ, được bỏ qua. Vết thương, nỗi đau có thể đem lại cảm giác oán hận, cay đắng và giận dữ trong một thời gian dài. Đôi lúc chúng ta cảm thấy mình chính là nạn nhân vì điều người khác làm. Nhưng hãy nghĩ rằng đây có phải chính là điều làm chúng ta mệt mỏi, bế tắc vì bảo vệ mình hay không?

      Tin Mừng Chúa Nhật VII Thường Niên C, dạy cho chúng ta biết và hiểu rõ hơn về tinh thần vị tha tuyệt hảo và mời gọi chúng ra bước vào: “tha thứ tới bảy mươi lần bảy, tha thứ không ngừng, tha thứ mãi mãi”… vì chính khi ta tha thứ là trao ban cho chính kẻ mình ghét bằng đức ái như chúng ta đã trao cho người thân bạn bè. “Gieo tha thứ, gặt bình an”.

        Bài Tin Mừng hôm nay đã nâng khái niệm yêu thương, tha thứ lên bình diện cao hơn, mới hơn. Đó là “yêu thương và làm ơn cho kẻ thù”. Đòi hỏi một lối sống cao hơn điều mong muốn. Thường tình của người đời: “Nếu anh em chỉ yêu thương kẻ yêu thương mình thì có gì là ân với nghĩa, có gì là mới mẻ. Ngay cả những người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ”.  Một trong những đòi hỏi mạnh mẽ nhất của Tin Mừng mà Đức Giêsu thường nhắc nhở, đó là tình yêu thương tha nhân, nhất là yêu thương kẻ thù. Nên ta cứ vui vẻ, cho đi và tha thứ.

     Hơn nữa, nếu chúng ta không có một quá trình học biết tha thứ, thì chúng ta khó có thể tha thứ cả cho kẻ thù, những người mình không thích, không ưa được. Sự tha thứ bắt nguồn từ đỉnh cao của Đức ái. Tha thứ cho anh chị em trong gia đình, trong cộng đoàn mình, cho bạn bè, cho người thân quen… tâm hồn chúng ta luôn chan chứa tình huynh đệ bao dung, chứa đầy tiếng cười, sự an nhiên. Nhưng tha thứ cho người hãm hại mình, hay đi nói hành nói xấu, vu khống, cáo gian, làm chuyện trái đạo đức lương tâm… quả là điều thật khó. Đó là bài học có lẽ khó nhất, là bài học thể hiện lòng yêu thương trọn vẹn nhất trong cuộc sống ta, nhưng lại là đỉnh cao của lòng vị tha Ki-tô giáo mà Chúa Giê-su đề nghị: “yêu kẻ ghét mình, và làm ơn cho người hại mình.”

       Trong cuộc đời mỗi người có lúc vì nóng vội, chủ quan mà chúng ta mất phương hướng, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Nếu cứ mãi giày vò nhau vì chuyện đã qua thì chúng ta không thể giải quyết được gì. Điều chúng ta cần làm là bỏ qua những sai lầm mắc phải và cẩn trọng làm lại từ đầu. Sai lầm là điều khó tránh khỏi, nếu người khác biết nhận sai về mình thì chúng ta hãy tha thứ cho họ. Không nên khắt khe với những lỗi lầm mà người khác phạm phải, cũng đừng chỉ nhìn vào đó mà vội đánh giá một con người. “Cuộc sống là học biết tha thứ, tha thứ tất cả”. (Paul Tonpin)

      Vậy, làm thế nào để thực hiện điều này? Câu trả lời chính là: hãy mỉm cười cho đi và THA THỨ, hãy học cách tha thứ để có cuộc sống hạnh phúc và tươi đẹp hơn. Đừng để nỗi đau, sự oán hận đó cầm tù bạn, hãy học cách tha thứ để tận hưởng cuộc sống tươi đẹp và hạnh phúc hơn. Để sống tốt hơn, chúng ta cần sống cho hiện tại, bỏ qua quá khứ. Nếu ký ức quá mệt mỏi, buồn bã, che khuất tầm nhìn sẽ làm chúng ta cảm thấy bế tắc. Hãy thực hành xóa bỏ cảm xúc tiêu cực bằng các cách đơn giản như đi ra ngoài để cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên mà Thiên Chúa đã tạo dựng hay chỉ cần ngồi yên tĩnh và cảm nhận hơi thở cùng Thầy Giê-su Chí Thánh, để nhận ra sự bao dung yêu thương mà Ngài đã nêu gương cho ta. Ngài mời gọi ta biến nó thành cái có thể để nên hoàn thiện như Cha, và chính Ngài đã sống khi tha thứ cho kẻ giết mình, trên Thập Giá Ngài đã cầu nguyện tha thiết cho kẻ giết mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

       Không mở lòng khoan dung người khác, chúng ta cũng không thể nào thành công trong cuộc sống. Học cách tha thứ vốn dĩ là cần thiết đối với bất kỳ ai, đó chính là một lối sống đẹp mà mọi người cần phát huy. Muốn tha thứ được, đòi hỏi chúng ta phải biết dung hòa mọi mặt để biết yêu thương và cảm thông. Bằng chính trái tim chân thành của mình, ta mới có thể giúp người khác khắc phục được lỗi lầm. Tha thứ là chúng ta đã cho người khác một cơ hội. Tha thứ sẽ cải thiện tất cả các mối quan hệ, làm thay đổi chất lượng cuộc sống của chính mình. Tha thứ không có nghĩa là chúng ta đầu hàng số phận, chấp nhận buông xuôi mà chính là đặt mình ở vị trí của người khác để bao dung họ. Khi quyết định tha thứ cho một người, chúng ta sẽ nhận thấy tâm hồn mình cởi mở, rộng lớn hẳn lên.

     Lạy Chúa, xin cho quả tim chúng con đủ lớn để yêu được những người tự nhiên chúng con có ác cảm. Xin cho vòng tay chúng con rộng mở để ôm cả những kẻ đang ganh ghét, vu khống và làm hại chúng con. Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ được Chúa tha thứ tội lỗi và xứng đáng làm con thảo của Cha trên trời và nên môn đệ thực sự của Chúa.

“Con tim tha thứ, lòng khoan dung

Cuộc sống an bình, đỉnh yêu thương”.

Nt: Lặng thầm, Fmsr.

Check Also

TẶNG PHẨM TÌNH YÊU

   Tình yêu luôn là một đề tài muôn thuở. Có biết bao tác phẩm …