Trong huấn thị Xuất phát lại từ Đức Ki-tô viết: “Toàn thể đời sống thánh hiến chỉ có thể hiểu được từ khởi điểm này: các Lời khuyên Phúc âm có một ý nghĩa chúng giúp ta gìn giữ và tạo thuận lợi cho tình yêu đối với Chúa trong sự ngoan ngoãn hoàn toàn đối với thánh ý Người”[1]. Thật vậy, lời khấn là lời đáp trả đẹp nhất của người nữ tu với tình yêu hiến tế của Đức Ki-tô, là lời đáp trả tình yêu triệt để nhất. Lời đó thể hiện người nữ tu đã thuộc về một người, con người đó không phải là một ai đó mà là chính Thiên Chúa Đấng tạo dựng vũ trụ.“Bằng việc giữ lời khuyên Phúc âm, chị em đã đáp lại tiếng gọi của Chúa, không những bằng lòng chết đi cho tội lỗi, mà còn khước từ thế gian, để sống cho Thiên Chúa. Ba lời khấn Khiết tịnh, Khó nghèo và Vâng phục giúp chị em thoát ly được những chướng ngại làm xa lìa đức ái và sự thờ phượng Thiên Chúa, hơn nữa còn giúp chị em càng ngày càng sống cho Chúa Ki-tô và nhiệm thể Người là Giáo Hội”[2]. Đó là lời đáp trả của tình yêu, tình yêu trao hiến, tình yêu này là linh hồn của sự tận hiến, lời giao ước tình yêu vô vị lợi của Đức Ki-tô dành cho người nữ tu. Như những lời của Tiên tri Isaia “Ta đã chuộc lấy ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi, ngươi là của riêng Ta” (Is 43,1), dường như đóng ấn chắn chắn vào tình yêu này, tình yêu của sự tận hiến hoàn toàn và độc hữu cho Thiên Chúa. Dội lên trong tâm trí người viết lời Thánh Vịnh:
“Lạy Chúa, Chúa là sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con” (Tv 15,5).
Ngài muốn trao ban một tình yêu thiết thân với chúng ta, ngài mong muốn đến và ở với chúng ta. Lời giao ước đó không bao giờ có tính cách trìu tượng, lý thuyết, nhưng luôn luôn là mời gọi đi vào giao tiếp thân tình với Ngài. Đó là cuộc gặp gỡ của trao ban tình yêu, tự hiến cho người mình yêu. Một lần ký kết là Ngài trao ban hết cho người mình yêu, sự trao ban tột cùng, vét cạn sức lực cho người yêu. Vì yêu, Người đã tự hiến mình, vì yêu Người đã hiến thân xác mình để chuộc tội thế gian. Nơi đó không có sự phân cách, xa lạ. Nơi đó là nơi để ta thổ lộ hết tâm can, được sống thật với con người mình, nơi đó ước vọng của chúng ta được thỏa lấp. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nêu lên: “Đây là một tình yêu không áp đặt hay đè bẹp, không loại trừ, không thờ ơ, một tình yêu không coi thường hay thống trị. Đó là tình yêu của Chúa, tình yêu thường nhật, kín đáo và tôn trọng, một tình yêu tự do và giải thoát, tình yêu chữa lành và nâng dậy. Đó là tình yêu của Chúa, tình yêu đỡ nâng lên hơn là quật ngã, giao hòa hơn là cấm đoán, cho cơ hội mới hơn là kết án, hướng đến tương lai hơn là quá khứ.”[3]
Hơn thế nữa, Lời khấn dòng đặt nền tảng trên Bí tích Rửa tội là sự mai táng mới trong Đức Ki-tô, như lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Là sự dìm mình vào mầu nhiệm vượt qua của Đấng Cứu Thế, thì chính các con, với tình yêu hiến dâng trọn vẹn, các con ước mong cho linh hồn và thân xác các con được thấm nhuần tinh thần hy sinh, như thánh Phao-lô mời gọi chúng ta ‘hiến dâng thân mình làm lễ tế sống động’. Bằng cách ấy sự khấn dòng được in dấu bằng sự giống như tình yêu ở trong trái tim Đức Giê-su, nó vừa có tính cách cứu chuộc vừa có tính cách hôn ước”[4].
Thật thế, qua các lời khuyên Phúc âm cho người thánh hiến tham dự vào sự tự hủy của Đức Ki-tô, bước vào con đường khổ nạn và phục sinh với Ngài. Mỗi lời khấn giúp ta sống một khía cạnh của Đức Ki-tô. Là con đường gần nhất để chúng ta sống với Người cách mật thiết và trọn vẹn con người mình. “Bởi lời khấn Khiết tịnh, chị em tự nguyện để Chúa Ki-tô chiếm đoạt bằng cách hiến dâng cho Người mọi khả năng yêu thương, để chỉ liên kết với Người bằng tình yêu trinh trong chuyên nhất. Nhờ liên kết với Đức Ki-tô, tâm hồn chị em được mở rộng để có thể yêu thương hết mọi người trong tình yêu khiết tịnh và phong phú của Chúa”.[5] Và lời khấn Khó nghèo “Theo gương Chúa Ki-tô,‘Đấng tuy giàu có, đã trở nên thiếu thốn vì chúng ta, để chúng ta được giàu có nhờ sự nghèo khó của Người’(2 Cr 8,9). Chị em Mân côi tự nguyện sống Khó nghèo, để chia sẻ sự nghèo khổ của Chúa Ki-tô. Nhờ vậy, chị em sẽ được trở nên phong phú vì đã chiếm hữu được chính Thiên Chúa làm sản nghiệp vĩnh viễn trên trời”[6]. Thầy chí thánh Giê-su đến trần gian là hoàn toàn vâng phục Thánh ý của Chúa Cha. Đức Vâng phục là nhân đức đặc biệt của bậc tu trì và là nhân đức cao cả nhất. Khấn Khiết tịnh, Khó nghèo, chỉ mới hiến dâng cho Chúa thân xác, của cải. “Còn khấn Vâng phục, chị em từ bỏ ý riêng, lòng muốn, là tư sản quý báu nhất của bản thân, để hiến dâng cho Chúa ý chí, tự do, quyền định đoạt về cuộc sống, với những hành vi và khả năng hành động của mình. Như thế, tất cả con người của chị em được hiến dâng cho Chúa để phục vụ Nước trời, chị em không có quyền gì trên bản thân và những hành động của mình, nhưng phải để tùy quyền sử dụng của Chúa, theo sự hướng dẫn của bề trên là đại diện Người”[7].
Giêrônimô Nguyễn
[1] Huấn thị xuất phát lại từ Đức Ki-tô, số 22.
[2] Dòng Mân côi Bùi Chu, NQ số 1.
[3] Phanxicô, Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống, gửi người trẻ và cộng đoàn dân chúa, số 116.
[4] Đức Gioan Phaolô II, Hồng ân cứu chuộc, số 8.
[5] Sđd, NQ số 16.
[6] Sđd, HL số 18.
[7] Sđd, NQ số 49.