Mỗi khi gặp khó khăn và không được ai hiểu, chúng ta có chạy đến với Chúa không? Bài đọc 1 hôm nay kể cho chúng ta nghe về câu chuyện rất cảm động của bà Susana, một người không chỉ đẹp bên ngoài, nhưng còn đẹp cả bên trong: “bà rất xinh đẹp và kính sợ Chúa” (Đn 13, 2). Câu chuyện của bà là câu chuyện của những người bị tố cáo cách bất công và không thể biện minh cho chính mình. Nhưng Thiên Chúa thấu hiểu tâm can con người từng gang tấc. Ngài sẽ là người minh oan cho những người bị tố cáo cách bất công. Bà Susana dạy chúng ta những điều sau đây khi đối diện với những tố cáo bất công hoặc bị hiểu lầm trong đời sống gia đình hay cộng đoàn: (1) thinh lặng; (2) sợ làm mất lòng Thiên Chúa hơn là sợ làm mất lòng người đời; (3) tin cậy vào Thiên Chúa, Đấng sẽ minh oan cho mình. Từ gương sáng của bà Susana, chúng ta có thể rút ra hai điều sau để suy gẫm:
Thứ nhất, thà làm mất lòng người đời hơn là làm mất lòng Chúa: “Bà Susanna thở dài não nuột và nói: ‘Tôi bị khốn tứ bề! Quả thật, nếu làm thế, tôi sẽ phải chết; còn nếu không làm, tôi cũng không thoát khỏi tay các ông. Nhưng thà không làm gì cả mà sa vào tay các ông, còn hơn là phạm tội trước mặt Chúa!’ (Đn 13, 22-23). Nhiều lần trong cuộc sống, vì tính cả nể nên chúng ta sợ làm mất lòng người khác, nhất là những người mà chúng ta mang ơn, hơn là sợ làm mất lòng Thiên Chúa. Gương sáng của bà Susana nhắc nhở chúng ta về việc phải sợ ai: sợ người chỉ giết chết thân xác chúng ta hay Đấng có thể ném cả hồn và xác vào lửa không bao giờ tắt.
Thứ hai, hãy thinh lặng và mở lòng ra với Thiên Chúa, Đấng sẽ minh oan cho chúng ta (Đn 13, 42-43). Chúng ta thấy trong bài đọc 1, Thiên Chúa đã nghe lời van xin của bà Susana và sai Đanien đến minh oan cho bà. Chúng ta cũng sẽ thấy Thiên Chúa dùng mọi hình thức khác nhau để giải thoát những tâm hồn tin cậy vào Ngài. Hãy giữ thái độ bình thản và trông cậy vào Thiên Chúa dù chung quanh bạn không còn ai hiểu bạn.
Sợi chỉ nối kết hai bài đọc hôm nay là từ “làm chứng”. Trong bài đọc 1, chúng ta thấy hai vị trưởng lão làm chứng, và chứng của họ là chứng gian. Còn trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với người Pharisêu về việc làm chứng của Ngài. Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta hai kiểu xét đoán: (1) kiểu người phàm thì dựa trên lời chứng của người phàm, và lời chứng của người phàm thì giới hạn vì những gì họ có được chỉ dựa vào những quan sát bên ngoài. Vì dựa trên kiểu xét đoán này mà người Do Thái chỉ biết nguồn gốc “con người” của Chúa Giêsu: “các ông không biết tôi từ đâu tới và đi đâu” (Ga 8, 14); (2) kiểu Thiên Chúa thì dựa trên lời chứng của Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can con người từng gang tấc: “Các ông xét đoán theo kiểu người phàm; phần tôi, tôi không xét đoán ai cả. Mà nếu tôi có xét đoán, thì sự xét đoán của tôi vẫn đúng sự thật, vì không phải chỉ có mình tôi, nhưng có tôi và Đấng đã sai tôi” (Ga 8, 15-16). Câu, “phần tôi, tôi không xét đoán ai cả. Mà nếu tôi có xét đoán, thì sự xét đoán của tôi vẫn đúng sự thật, vì không phải chỉ có mình tôi, nhưng có tôi và Đấng đã sai tôi,” gợi lên trong chúng ta hai thái độ khác nhau: một mặt, chúng ta thấy an lòng vì Chúa Giêsu nói là Ngài không xét đoán ai. Mặt khác, chúng ta thấy mình được mời gọi sống tận căn vì Chúa Giêsu xét đoán thì luôn luôn đúng vì Ngài biết tất cả mọi sự. Những người sống trong ánh sáng của Chúa Giêsu thì không sợ bị xét đoán. Nói cách khác, những người sống đúng với căn tính của mình là Kitô hữu hay tu sĩ sẽ không sợ bị xét đoán.
Cuộc tranh luận với người Do Thái càng trở nên “gây cấn” hơn khi Chúa Giêsu bắt đầu nói đến sự “bất khả phân ly” giữa Ngài và Chúa Cha khi Ngài trả lời người Do Thái về Chúa Cha : “Các ông không biết tôi, cũng chẳng biết Cha tôi. Nếu các ông biết tôi, thì hẳn cũng biết Cha tôi” (Ga 8, 19). Điều này lại rất khác với thực tế trong cuộc sống. Nhiều khi chúng ta biết người con, nhưng không biết người cha và ngược lại. Còn trong trường hợp Chúa Giêsu và Cha Ngài thì khác: ai biết Chúa Cha là biết Ngài, vì Chúa Cha và Ngài là một. Điều này cho chúng ta thấy rằng: ở đâu có tình yêu, ở đó có hiệp nhất; còn ở đâu không có tình yêu mà chỉ là sự ghen ghét và hận thù, ở đó có chia rẽ. Hay nói cách khác, gia đình hay cộng đoàn nào có Thiên Chúa thì có hiệp nhất; còn gia đình hay cộng đoàn nào không có chỗ cho Thiên Chúa thì sẽ nếm mùi chia rẽ và ghen ghét.
Hoa Ven Đường