Các cụ ngày xưa dạy: Cha mẹ sinh con Trời sinh tính. Vì thế, việc nuôi dạy con cái là cả một nghệ thuật. Có rất nhiều gia đình thành công về mặt kinh tế, nhưng lại thất bại trong việc giáo dục. Trong khuôn khổ bài viết ngắn này, tôi không muốn nhắc đến những lý thuyết đã được bao tác giả đề cập đến. Tôi chỉ xin chia sẻ một góc nhìn của tôi về giáo dục con cái. Làm thế nào để tránh đi những sai lầm trong cách nhìn và giáo dục con cái. Từ đó, chúng ta sẽ điều chỉnh cho phù hợp cách nuôi dạy con nên người.
Nếu tôi nhớ không lầm thì hồi đó tôi mới chỉ học lớp 5 hay lớp 6 gì đó. Tôi theo chị gái ra đồng để cắt dưa lê bán cho người buôn. Nhà tôi có một thửa ruộng làm màu. Năm nào cũng trồng cà chua và dưa lê. Người mua dưa lê nhà tôi là một chị cũng còn trẻ. Trong lúc cắt dưa, chị kể cho tôi và chị gái nghe về gia đình. Chị đặc biệt nói về đứa con trai nhỏ của chị. Chị bảo nó mới 5 tuổi mà tham ăn lắm. Có khi nhà thịt con gà ra, nó ăn gần hết. Nó chỉ để cho bố mẹ mấy miếng xương. Còn các thứ khác cũng vậy, lúc nào nó cũng dành lấy cho mình phần nhiều. Tôi thấy chị nói nhiều quá nên mới buông một câu hỏi. Cho đến bây giờ, tôi cũng không hiểu sao mình lại đặt được câu hỏi như thế. Tôi hỏi chị: Thế con trai của chị nó giống ai? Sau khi nghe câu hỏi của tôi, chị im bặt. Từ đó cho đến khi kết thúc việc mua bán, chị không nói thêm lời nào nữa. Có lẽ chị đã hiểu ra một cái gì đó. Nói nó giống bố ư? Không được, vì như thế chẳng hóa ra chị đi lấy thằng tham ăn. Còn nói nó giống mình thì càng không xong. Hóa ra mình tham ăn nên mới đẻ ra thằng con tham ăn.
Từ câu chuyện trên, tôi thiết nghĩ các bậc làm cha mẹ cần hết sức tỉnh táo. Cha mẹ đừng bao giờ chửi mắng con là ngu dốt hay chê bai con cái trước mặt người khác. Dù gì nó cũng là con mình dứt ruột đẻ ra. Nó có ra sao thì cũng là con mình. Chê bai chửi rủa chẳng giúp gì cho việc giáo dục cả. Khi cha mẹ có những ý nghĩ tiêu cực về con cái mình, tự nhiên giữa họ và con cái đã tạo ra một khoảng cách. Mỗi khi gần gũi cha mẹ, đứa con luôn cảm thấy sợ sệt. Nó sợ bị mắng, sợ bị chửi. Vì thế nó càng thu mình trong vỏ ốc của chính nó. Lúc đó, nó sẽ không bao giờ dám tâm sự thật với cha mẹ. Có khi nó sẽ tỏ ra bướng bỉnh, không nghe theo lời cha mẹ nữa. Hôm trước, trò chuyện với một bạn trẻ, bạn đó kể tôi nghe một câu chuyện. Bạn đó có người bạn rất giàu có. Gia đình có tài sản hàng trăm tỷ. Họ có với nhau ba đứa con. Đứa lớn năm nay vào cấp ba, còn hai đứa nhỏ đang học cấp 1 và cấp 2. Vì là những người làm kinh doanh nên họ ít có thời gian cho con cái. Đứa con lớn cảm thấy dường như bị bỏ rơi, nên càng ngày nó càng xa cách cha mẹ. Bạn đó được cha mẹ cô bé nhờ giúp đỡ gặp gỡ. Bạn đó nói với tôi rằng cô bé đó rất bình thường. Đơn giản là nó không cảm nhận được tình yêu của cha mẹ nên nó phản ứng thế. Tôi hỏi bạn đó rằng con thử hỏi xem mẹ cô bé đó trước đây thế nào? Chị ấy có bướng bỉnh như đứa con của chị không? Và câu trả lời tôi nhận được là Chị ấy rất bướng. Chính chị xác định điều đó. Vậy thì giờ đây con của chị bướng cũng là lẽ thường tình. Nó chính là phiên bản của mẹ nó mà thôi. Có gì lạ đâu nhưng con người thường hay phản ứng lại những điều họ không thích. Cha mẹ thường áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái và bắt chúng phải phục tùng mình.
Tôi cũng đã gặp những bậc làm cha mẹ hay kể công với con cái. Họ luôn cho rằng mình là người vất vả cưu mang nuôi nấng. Những câu nói đại loại như mày có biết để nuôi nấng mày nên người, tao đã phải vất vả như thế nào không? Tao phải thức khuya dạy sớm làm lụng vất vả. Đến bây giờ tao già yếu, tao mong mày báo hiếu thì mày lại láo với tao à? Tôi cho rằng đây cũng là một sai lầm nghiêm trọng của các bậc làm cha mẹ. Những đứa con có lẽ không dám lý luận với cha mẹ. Nhưng nếu nó đặt câu hỏi cho cha mẹ rằng: Tại sao ông bà sinh ra tôi? Tôi đâu cần việc đó. Chẳng qua là ông bà không kiềm hãm được sự sung sướng nên đẻ ra tôi. Ông bà đẻ ra tôi thì phải có trách nhiệm chứ. Sao bắt tôi phải mang ơn về chuyện đó. Tôi nghĩ cha mẹ sẽ khó mà trả lời được nếu đó là một cuộc tranh luận công bằng. Vì thế, cách giáo dục con tốt nhất là biết ơn nó. Tôi nhắc lại điều này: Hãy biết ơn những đứa con của mình. Thỉnh thoảng trong những dịp sinh nhật hay dịp lễ bổn mạng, cha mẹ hãy gần gũi đứa con và nói với nó rằng: cha mẹ rất biết ơn con. Cảm ơn con đã đến trong cuộc đời này. Cảm ơn con đã chọn cha mẹ cưu mang và sinh thành ra con. Con luôn là niềm vui của cha mẹ. Từ ngày con ra đời, con đã mang lại cho cha mẹ biết bao niềm vui. Con chính là động lực để cha mẹ phấn đấu. Con chính là sợi giây nối kết tình yêu trong gia đình. Cha mẹ cảm ơn con về tất cả điều đó. Tôi đảm bảo với các bạn rằng : nếu các cha mẹ áp dụng được điều này trong cuộc sống, Họ chắc chắn sẽ tạo ra những đứa con ngoan ngoãn và hiếu thảo.
Trong cuộc đời này, món nợ tình yêu là món nợ người ta không thể không trả. Hãy trao ban tình yêu cho con cái một cách vô điều kiện, cha mẹ sẽ nhận lại được một tình yêu tương tự như thế. Đừng bao giờ than trách con cái bởi càng than trách, khoảng cách của cha mẹ và con cái sẽ càng xa.
Tác giả bài viết: Thế À