(1 Cr 15, 1-8; Ga 14, 6-14)
Thánh Phaolô trong bài đọc 1 khẳng định với các tín hữu Côrintô rằng Tin Mừng ngài loan báo có sức cứu thoát họ. Ngài rao giảng cho họ những gì Ngài đã lãnh nhận: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh…” (1 Cr 15, 3-8). Qua những lời này, Thánh Phaolô trình bày nội dung chính của Tin Mừng được loan báo hay còn gọi là kerygma và thánh nhân cũng cho biết, Tin Mừng ngài loan báo là đáng tin cậy vì ngài được nhìn thấy Đức Kitô. Điều này cho thấy tiêu chuẩn quan trọng nhất để trở nên chứng nhân đáng tin cậy của Chúa Giêsu là có được kinh nghiệm “trực tiếp” với Chúa Giêsu. Điều này mời gọi chúng ta vun trồng mối tương quan “trực tiếp” Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện của mình.
Sau khi nói cho Tôma biết mình là đường, là sự thật và là sự sống, Chúa Giêsu tiếp tục khẳng định với các môn đệ rằng: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy” (Ga 14, 7). Những lời này làm chúng ta xét lại chính mình: Chúng ta có biết Chúa Giêsu không? Khi nói đến biết Chúa Giêsu, chúng ta không chỉ nói đến những kiến thức chúng ta thu thập được về Ngài qua việc học hỏi, nhưng còn về một mối tương quan sâu đậm với Ngài, một lối sống đồng hình đồng dạng với Ngài. Nói cách khác, người nói rằng tôi biết Chúa Giêsu là người biến cuộc đời của mình trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.
Trong Tin Mừng Thánh Gioan, mục đích của Chúa Giêsu là mặc khải Chúa Cha cho con người. Qua chính Ngài, con người nhìn thấy, biết và đụng chạm đến Thiên Chúa. Những điều này ít xảy ra trong cuộc sống thường ngày của chúng ta vì nhiều khi gặp khó khăn, nhất là khi đi trong bóng đêm của đức tin, chúng ta cũng hỏi như Philípphê: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (Ga 14, 8). Đứng trước câu hỏi này, Chúa Giêsu cũng ‘trách yêu’ chúng ta như đã trách Philípphê: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao?” (Ga 14, 9-10). Chúa Giêsu luôn ở với chúng ta, nhưng chúng ta có ở với Ngài không? Chúng ta đã không để Chúa Giêsu đến ở trong chúng ta vì tâm hồn và con tim chúng ta chứa đựng nhiều của cải vật chất hoặc để cho lo lắng sự đời chiếm lấy. Khi tâm hồn chúng ta để cho lời Chúa Giêsu chiếm lấy, chúng ta sẽ nhận ra rằng Chúa Cha ở trong Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu luôn ở trong chúng ta. Chính Chúa Giêsu là “cầu nối” để qua đó Chúa Cha ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Chúa Cha.
Sau khi trách và khẳng định với Philipphê về việc Chúa Cha làm mọi sự ở trong Ngài, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ tin vào Ngài. Đồng thời, Ngài cũng khẳng định rằng những ai tin vào Ngài sẽ làm được những điều Ngài làm, đó là làm cho người khác nhìn thấy Chúa Cha qua cuộc sống của họ: « Anh em hãy tin Thầy : Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy… » (Ga 14,11-14). Qua những lời này, Chúa Giêsu khẳng định với các môn đệ tầm quan trọng của đức tin: Đức tin là yếu tố làm cho người môn đệ nhận ra bàn tay Thiên Chúa đang hoạt động trong thế giới và trong cuộc đời của mỗi cá nhân. Chính đức tin đưa người môn đệ vào trong mầu nhiệm yêu thương của Thiên Chúa và kín múc ở đó ‘năng lực sáng tạo,’ hầu thực hiện những việc vĩ đại nhân danh Chúa Giêsu. Tóm, lại, người môn đệ là người có niềm tin sâu xa vào Thiên Chúa và qua đức tin đó họ phó thác trọn vẹn chính cuộc đời mình vào bàn tay yêu thương quan phòng của Chúa, hầu để Ngài thực hiện những điều kỳ diệu trong thế giới.
Hoa Ven Đường