HÃY SÁM HỐI !

HÃY SÁM HỐI !
THỨ HAI
(1Sm1,1-8; Mc 1,14-20)


Bài Tin Mừng hôm nay tiếp nối sứ điệp của phụng vụ hôm qua về Chúa Giêsu chịu phép rửa. Như chúng ta biết, phép rửa đánh dấu việc Chúa Giêsu tỏ mình ra cách công khai cho dân. Sau khi chịu cám dỗ trong hoang địa, Ngài cũng bắt đầu sứ vụ công khai của mình. Nhìn thoáng qua, bài Tin Mừng hôm nay có thể chia ra hai phần: Phần 1 (Mc 1,14-15) – Bối cảnh và sứ điệp đầu tiên của Chúa Giêsu; phần 2 (Mc 1, 16-20) – Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên. Tuy nhiên, cả hai phần diễn tả mục đích duy nhất của việc Chúa Giêsu rao giảng: Việc gọi các môn đệ là một phần chính yếu của sứ vụ giảng dạy của Chúa Giêsu. Nói một cách khác, một trong những mục đích của việc giảng dạy của Chúa Giêsu là làm cho mọi người trở nên môn đệ của Ngài. Lời giảng dạy “hãy sám hối và tin vào tin mừng” (Mc 1,15) là điều kiện cần thiết để trở nên môn đệ của Chúa Giêsu. Hãy sám hối là lời mời gọi thay đổi lối sống cách tận căn: thay đổi cách nhìn về cuộc sống, thay đổi lối suy nghĩ, thay đổi lối yêu thương, thay đổi tất cả để hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu. Chính các môn đệ đầu tiên đã thực hiện cuộc sám hối này và trở nên môn đệ của Chúa Giêsu. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có sẵn sàng thay đổi để thuộc trọn về Chúa hay không? Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng: Chúng ta rất sợ thay đổi để trở nên giống Chúa hơn, để trở nên môn đệ của Ngài vì sự thay đổi như thế đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ những thứ và những người mang lại cho chúng ta sự an toàn. Đừng sợ thay đổi để trở nên tốt, yêu thương và tha thứ như Chúa! Có câu nói trong đời rằng: “Đừng cố gắng trở nên khác biệt. Sống tốt là đủ khác biệt rồi!”
Một điểm khác đáng để chúng ta suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay là thái độ dứt khoát của các môn đệ đầu tiên trong việc đáp lại lời mời gọi trở nên môn đệ của Chúa Giêsu. Thánh Máccô đưa ra hai điều kiện đi kèm với lời đáp trả này được diễn tả trong trạng từ “lập tức” và động từ “từ bỏ.” Tuy nhiên, từ bỏ cái gì? Trong Tin Mừng, Thánh Máccô cho chúng ta hay rằng: hai môn đệ đầu tiên bỏ “chài lưới mà theo Ngài” (Mc 1, 18) và hai môn đệ kế tiếp là Giacôbê và Gioan con ông Zêbêđê bỏ “cha mình ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Ngài” (Mc 1, 20). Những đòi hỏi bao gồm: sẵn sàng và dứt khoát từ bỏ nghề nghiệp hoặc phương tiện kiếm sống của mình và những mối tương quan máu thịt. Những từ bỏ này giúp chúng ta hiểu rằng: Trước lời mời gọi để thiết lập một mối tương quan với Chúa Giêsu, tất cả những tương quan với vật chất và con người trở nên thứ yếu, không còn quan trọng cho người môn đệ của Chúa Giêsu. Nói một cách khác, điều quan trọng nhất đối với người môn đệ chính là “Thầy” mình. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải bỏ đi tất cả các mối tương quan với những sự vật và con người. Chữ “lập tức bỏ” nhắc nhở chúng ta về thái độ “sẵn sàng và dứt khoát” để đáp lại tiếng Chúa gọi chứ không để cho các mối tương quan với vật chất và con người trở thành vật cản của việc trở nên môn đệ của Chúa Giêsu: Ai đã tra tay vào cày mà còn ngoảnh mặt nhìn lại thì không xứng với Thầy (x. Lc 9, 62). Sống trong xã hội hưởng thụ và tìm tiện nghi cho cá nhân ngày hôm nay, nhiều người trong chúng ta để cho các giá trị vật chất và các tương quan với con người cản trở việc đáp lại tiếng Chúa gọi cách dứt khoát. Chúng ta cũng theo Ngài, nhưng với con tim “nửa vời”; chúng ta cũng theo Chúa, nhưng vẫn chưa tin tưởng đủ là Chúa sẽ ban cho gấp trăm lần về của cải, đất đai, anh em, cha mẹ ở đời này và đời sau (x. Mt 19, 29; Mc 10, 30).
Cuối cùng, trong tiến trình gọi các môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta cần lưu ý ba chi tiết sau: (1) Chúa Giêsu luôn là người chủ động. Ngài luôn là người gọi, còn chúng ta là những người đáp trả để “theo” Ngài. Như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ trở nên “chủ động” để “bắt Chúa Giêsu theo” chúng ta. Chúng ta thường không gặp vấn đề lắm trong việc đáp trả lại tiếng mời gọi của Chúa Giêsu. Nhưng chúng ta gặp nhiều vấn đề trong việc “theo” Ngài vì chúng ta luôn muốn “dẫn” Ngài đi theo con đường và cách thức chúng ta muốn. Hãy nhớ rằng: Người môn đệ luôn là người “theo Thầy” chứ không phải là người “dẫn Thầy.” (2) Các môn đệ đầu tiên được gọi hai người với nhau. Điều này có ý nghĩa gì? Chúng ta không trở thành môn đệ của Chúa Giêsu để sống đơn độc. Khi được mời gọi thiết lập tương quan với Thiên Chúa thì đồng thời chúng ta cũng được mời gọi thiết lập tương quan với người khác. Không có người môn đệ “đơn độc!” Điều này giúp chúng ta hiểu lý do sau này Chúa Giêsu sai các mộn đệ đi rao giảng từng hai người một (x. Mc 6, 7). Không ai làm môn đệ của Chúa Giêsu cách cô độc và cũng không có người tông đồ [được sai đi] cô độc. Trở thành môn đệ hay tông đồ của Chúa Giêsu trở thành môn đệ và tông đồ “cùng với” người khác. Điều này chính là phương thuốc chữa lành căn bệnh “cá nhân chủ nghĩa” của ngày hôm nay [nhất là trong đời tu]. (3) Các môn đệ đầu tiên là những người chài lưới! “Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá” (Mc 1, 6). Tại sao lại là những người chài lưới? Những người làm nghề đánh cá như các môn đệ đầu tiên là những người mỗi ngày phải vật lôn với biển khơi. Trong Kinh Thánh, “biển” là hình ảnh của mãnh lực sự dữ. Chúa Giêsu chọn những người đầu tiên là những người quen vật lộn với biển khơi, tức là mãnh lực của sự dữ thiên nhiên, như thế khi được Ngài sai đi để “lưới người như lưới cá” (Mc 1, 17), các ông mới hiểu được sứ mệnh của họ là vật lộn để đem con người ra khỏi mãnh lực của tội lỗi. Chúa luôn sử dụng những công việc thường ngày chúng ta làm để trở nên phương tiện cứu những người khác khỏi quyền lực tối tăm. Chúng ta có cho phép Ngài làm điều đó trên cuộc đời của chúng ta không?
Hoa Ven Đường

Check Also

Hosanna! Hosanna! Hosanna!…

Hosanna! Hosanna! Hosanna!… Trong tiếng đám đông hô vang từng đợt từng đợt tung hô …